Công viên là nơi để mọi người đến dạo mát, ngồi nghỉ ngơi, cùng nhau chuyện trò, vui chơi, hít thở không khí trong lành. Thế nhưng vài tháng gần đây, một số công viên ở khu trung tâm TPHCM bị những người bán nước giải khát chiếm dụng, nếu ai đó lỡ ngồi xuống, ngay lập tức bị yêu cầu mua nước uống, nếu không thì… đi chỗ khác mà ngồi.
Mua nước mới có chỗ ngồi
Tại công viên 30 Tháng 4 (quận 1, TPHCM), ngoài ghế đá có sẵn, mọi người thường hay chọn dãy gờ xi măng dưới các tán cây để có một chỗ ngồi mát mẻ, hít thở không khí trong lành giữa thành phố náo nhiệt, nhưng giờ đây không thể có một chỗ ngồi mà không mất tiền mua nước uống.
“Cà phê bệt” là một hình thức bán cà phê vỉa hè, không cần bàn ghế, quán xá, xuất hiện từ 5 năm nay ở khu vực công viên 30 Tháng 4 và trên vỉa hè một số con đường gần đó. Việc bày bàn ghế bán nước giải khát trong công viên và trên vỉa hè bị cấm, những người bán nước giải khát ở khu vực này đã có hình thức đối phó để tiếp tục kinh doanh: đặt những miếng giấy bìa hay giấy báo lên gờ thành xi măng dưới các gốc cây, thảm cỏ, cho khách ngồi. Người ngồi bị buộc phải mua nước của họ. Nhìn vẻ hơi dữ dằn của người bán nên ai cũng phải mua để yên thân.
Mấy tháng nay, bất kể ngày thường hay ngày cuối tuần, những gờ xi măng ngay tại góc cây, bãi cỏ trước Trường Tiểu học Hòa Bình, Bưu điện TPHCM, khuôn viên trước Nhà thờ Đức Bà, công viên 30 Tháng 4… đều có nhiều miếng giấy bìa do những người bán nước để sẵn. Chúng tôi mua chai nước của một người bán trước Trường Tiểu học Hòa Bình, rồi vào công viên 30 Tháng 4 dạo quanh. Khi thấy một chỗ có miếng giấy bìa để sẵn, chúng tôi thử gạt nó qua một bên và ngồi xuống thì ngay lập tức có người xuất hiện hỏi chúng tôi uống gì. Chúng tôi nói đã mua nước rồi, người bán liền sừng sộ: “Mua nước ở đâu thì tới đó ngồi. Đây là chỗ bán của tui!”.
Đi dạo hết công viên cũng toàn thấy những tờ báo và miếng carton để sẵn trên các gờ xi măng, không còn chỗ nào để ngồi. Muốn có chỗ ngồi, chúng tôi đành quay lại chỗ mình đã mua nước và phàn nàn với người bán về vụ việc mình bị đuổi không cho ngồi. Cô bán nước liền nói tỉnh queo: “Quanh đây chỗ nào cũng vậy, mua ở đâu thì ngồi chỗ đó. Mỗi chỗ có người bán khác nhau mà”.
Giờ nghỉ trưa, nhiều nhân viên bán hàng trong Diamond Plaza muốn ra công viên kiếm chỗ ngồi ăn cơm nhưng không có chỗ nào được ngồi, vì những người bán nước giải khát đã “xí” chỗ hết rồi. Nhân viên bán hàng Trần Hoàng Hà bức xúc nói: “Chúng tôi đi làm thêm kiếm tiền đã khó, nay kiếm chỗ ngồi ăn trong giờ nghỉ cũng không có. Nước uống, họ bán đâu có rẻ, một chai nước ngọt 20.000 đồng, trong khi giá bán nơi khác chỉ bằng một nửa”.
Văn hóa nơi công viên
Mùa hè, ban đêm, đông đảo người dân và du khách đổ ra công viên 30 Tháng 4, không bỏ lỡ cơ hội kinh doanh, những người bán nước giải khát càng “mở rộng địa bàn hoạt động” ra phía trước Bưu điện TPHCM và vỉa hè các con đường gần đó. Họ tổ chức xe bán nước giải khát di động, dừng xe bên kia đường, những người phụ bán thì vào trong công viên hỏi khách uống gì rồi liên lạc bằng bộ đàm để có người mang vào. Khách ngồi bệt uống nước, đang uống chưa xong thì đã bị người nhặt phế liệu đến tự nhiên cầm lấy chai nước hay ly nhựa còn đang uống nửa chừng bỏ vào túi phế liệu của họ.
Những người bán hàng rong vây khắp công viên tạo nên cảnh tượng bát nháo, nhếch nhác, gây phản cảm cho du khách. Các nhân viên bảo vệ công viên chứng kiến tình trạng đó mà không cách nào giải quyết, chấn chỉnh được.
Thanh Hải