LTS: Trong những ngày hè - mùa cao điểm du lịch - nhiều bạn đọc cùng gia đình đến nghỉ mát tại Vũng Tàu và Đà Lạt, sau đó đã gửi thư đến Báo SGGP góp ý về tình trạng mất vệ sinh, dịch vụ bát nháo, qua đó kiến nghị cần khẩn trương và quyết liệt đổi mới ngành “công nghiệp không khói” của Việt Nam.
Thiếu quan tâm bảo vệ môi trường du lịch
Gia đình tôi có chuyến đi nghỉ mát ở Vũng Tàu, nhưng rồi quá thất vọng sau vài năm trở lại đây. Chỉ vừa mới bước ra bãi sau, tôi vô cùng ngạc nhiên thấy nhiều xe đẩy bán hàng rong như cá viên chiên, bắp xào, kem, ốc…, không khác cảnh một cái chợ tấp nập người buôn bán. Những bàn ghế với dù dựng đầy lấn xuống bãi cát biển không còn chỗ chơi, sinh hoạt cho du khách. Ở đó cả buổi chiều, chúng tôi không thấy ai đến làm nhiệm vụ giữ trật tự nhắc nhở, ngăn chặn việc chiếm dụng bãi tắm làm nơi bán hàng rong.
Những người bán thản nhiên đổ nước chấm, thức ăn thừa xuống bãi cát. Du khách ngồi ghế xếp trên bãi ăn xong cũng bỏ rác bừa bãi ngay dưới bãi cát. Trẻ em ra bãi biển rất thích đào cát lên chơi, nhưng khi đào lên thì lộ ra toàn rác như hộp xốp, bao bì bánh kẹo, túi ni lông, thậm chí những cái xiên que cá viên bằng tre vót nhọn xả lung tung có thể gây nguy hiểm cho người tắm. Quan sát dọc bãi tắm không thấy thùng rác đâu, chỉ thấy một điểm tập kết thùng rác lớn chỗ tắm công cộng (ngay gần sát bãi biển) bốc mùi hôi thối.
Chúng tôi thật thất vọng vì tình trạng mất trật tự và vệ sinh ở bãi biển Vũng Tàu. Lẽ ra ở bãi tắm phải luôn có lực lượng bảo vệ túc trực canh gác, nghiêm cấm không cho hàng rong vào bán và nhắc nhở du khách giữ vệ sinh môi trường. Ở các khu vực cho thuê ghế xếp, người cho thuê phải có trách nhiệm tự quản, dọn dẹp vệ sinh. Bảo vệ môi trường bãi biển cũng là bảo vệ môi trường du lịch và phát triển kinh tế của Vũng Tàu.
HOÀNG THANH
(Đức Linh, Bình Thuận)
Kinh doanh kiểu ăn xổi
Đến Đà Lạt du lịch, chúng tôi mất vui khi gặp phải các doanh nghiệp tư nhân kinh doanh theo kiểu ăn xổi, lợi dụng sự tin tưởng của du khách để bán các mặt hàng bánh mứt với giá cao. Để làm được điều đó, họ làm mọi cách lôi kéo bằng được du khách đến cửa hàng của họ và dùng thử các mặt hàng mà họ bán. Khi du khách đang đi du lịch bằng xe máy, bất chợt có người chạy kè kè theo bên xe để giới thiệu, mời chào đến tham quan vườn dâu của họ và cho biết đến đó có thể mua dâu tươi tại vườn với giá rẻ.
Họ cứ chạy xe đeo bám du khách suốt quãng đường khá xa để thuyết phục du khách đến vườn dâu cùng với họ. Nếu du khách vẫn nhất quyết từ chối, họ vẫn kiên trì chỉ đường đến vườn dâu và để lại danh thiếp cho du khách nếu có nhu cầu thì liên lạc. Họ nói chuyện một cách rất thân thiện, dễ dàng tạo lòng tin cho du khách nên sẽ có một số du khách tò mò và muốn đến tận mắt để tham quan xem vườn dâu ở Đà Lạt như thế nào.
Thế nên, dù cảnh giác nhưng chúng tôi cũng phải mềm lòng, nhận lời đến thăm vườn dâu cùng họ. Họ dẫn chúng tôi đến một cửa hàng bán các mặt hàng bánh mứt đóng hộp và bảo cứ ở đây chờ nhân viên đến dẫn đi xem vườn dâu. Trong khi chờ đợi, có một cô nhân viên của cửa hàng mang các mặt hàng bánh mứt ra giới thiệu, mời ăn thử và mua ủng hộ cửa hàng. Tình thế không thể không mua, thế nhưng giá những mặt hàng mà họ bán ở đây lại đắt hơn nhiều so với các mặt hàng tương tự được bày bán trong chợ Đà Lạt.
Sau đó đến tham quan vườn dâu chúng tôi quá thất vọng vì chỉ là một khu vườn bé tí với khoảng 10 - 15 luống, mỗi luống dài khoảng 2 - 3m, những cây dâu bò trên mặt đất. Tôi ngỡ ngàng hỏi, thì được trả lời là vì đây là loại dâu trồng dưới đất nên không làm giàn cho dâu leo, với lại vườn dâu này chỉ mới trồng thôi nên chưa có nhiều trái. Hỏi sao vườn dâu này nhỏ quá, họ trả lời là họ còn những vườn dâu to hơn, rộng hơn nhưng ở xa lắm, không thể dẫn đến được.
Cách thức quảng cáo và kinh doanh ăn xổi như thế này đã làm xấu đi hình ảnh thân thiện của Đà Lạt trong lòng của du khách, làm mất đi lòng tin của du khách khi đi du lịch đến đây.
TRƯƠNG MỘNG THU
(Đại học KHXH-NV)
Cò dịch vụ chèo kéo khách
Trong những chuyến đi đến các TP du lịch trong nước, tôi thường rất khó chịu vì bị “cò” dịch vụ du lịch chèo kéo. Ở các thành phố du lịch thường có nhiều “cò” dịch vụ nhà nghỉ là những thanh niên hoặc những người phụ nữ trung niên chạy xe máy đuổi theo những khách du lịch đang muốn tìm chỗ nghỉ. Họ tìm cách tiếp cận, chào giá, nài nỉ về nhà nghỉ của mình.
Tình cảnh bị “cò” chèo kéo khách luôn là nỗi ám ảnh của du khách. Du khách không chỉ bị lừa về giá cả chặt chém, chất lượng dịch vụ kém mà còn phải đối mặt với nhiều chuyện rắc rối, phức tạp khác, vì nhiều “cò” dịch vụ cũng là những kẻ bảo kê, xã hội đen. Nhiều du khách nước ngoài đến Việt Nam đã phải ngán ngẩm khi gặp phải những người kinh doanh dịch vụ du lịch chụp giật này.
Để khắc phục tình trạng bát nháo trong cạnh tranh dịch vụ du lịch, rất cần sự phối hợp của các cơ quan chức năng liên quan và địa phương để chấn chỉnh lại hệ thống kinh doanh dịch vụ du lịch. Phải xây dựng bộ máy năng động, chuyên nghiệp hơn trong công tác quản lý dịch vụ du lịch, kiểm tra chặt chẽ, xử phạt hành chính mạnh tay đối với những đơn vị vi phạm trong hoạt động dịch vụ du lịch.
TRẦN KIỀU MY
(Thủ Đức, TPHCM)