Chiều 27-10, một nữ giáo viên trẻ kiêm Tổng phụ trách Đội của Trường Tiểu học Trung An (huyện Củ Chi, TPHCM) đã uống thuốc diệt cỏ tự tử ngay tại phòng hiệu trưởng do không chịu nổi áp lực từ những quyết định điều động công việc vô lý của ban giám hiệu.
Nhiều giáo viên chứng kiến sự việc cho biết trước khi “nói lời tạm biệt”, cô giáo H.T.B.Q - nạn nhân của vụ việc đã nhiều lần bày tỏ bức xúc đối với hiệu trưởng Phạm Thị Kiều Trân, có dấu hiệu trầm cảm do thường xuyên bị kiểm điểm, khiển trách trước tập thể sư phạm. Tuy nhiên, tất cả những tín hiệu “bất ổn” đó đã không được ban giám hiệu quan tâm đúng mức, dẫn đến sự việc đau lòng trên. Đáng nói là trước đó, Phòng GD-ĐT huyện Củ Chi đã nhận được đơn tố cáo của tập thể giáo viên Trường Tiểu học Trung An về những sai phạm trong điều hành, quản lý công việc của hiệu trưởng nhưng kết quả xử lý chưa thể khiến những người trong cuộc yên lòng.
Đây không phải trường hợp đầu tiên giáo viên có hành xử tiêu cực do bất đồng với hiệu trưởng. Trước đó không lâu, từng xảy ra một vụ thầy giáo tạt axít 4 đồng nghiệp do mâu thuẫn kéo dài với hiệu trưởng tại một trường THCS ở tỉnh Đồng Tháp. Tuy vụ việc không gây thiệt hại về người nhưng những tổn hại về sức khỏe và mức thương tật vĩnh viễn mà 4 nạn nhân phải gánh chịu cùng bản án 4 năm tù giam cho người thầy kia chính là hồi chuông cảnh báo cho cách giải quyết mâu thuẫn được xem là thiếu suy nghĩ, bế tắc giữa những người thầy trong môi trường giáo dục. Một trường hợp khác, dư luận từng ngỡ ngàng, xen lẫn ngao ngán trước hình ảnh tập thể giáo viên của Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật TPHCM đồng loạt đình công, ngồi dàn hàng ngang trước cửa trung tâm với những băng rôn, khẩu hiệu phản đối, yêu cầu cách chức bà Đàm Thị Tâm, Hiệu phó phụ trách chuyên môn của trung tâm. Sự việc sẽ không có gì đáng nói nếu như những băng rôn, khẩu hiệu nói trên không được photo thành nhiều bản, dán la liệt khắp hành lang, lớp học, tạo ra hình ảnh xấu xí cho môi trường giáo dục. Nghiêm trọng hơn, cuộc đình công đã làm gián đoạn lịch học của hơn 150 học sinh đang theo học tại đây khiến phụ huynh hoang mang, bức xúc.
Tất cả vụ việc vừa nêu đều giống nhau ở chỗ người có bức xúc đã nhiều lần nộp đơn tố cáo, phản ánh vụ việc lên các cơ quan chức năng nhưng chậm được giải quyết khiến mâu thuẫn kéo dài. Khi bất đồng lên đến đỉnh điểm sẽ dẫn đến nhiều hành động thiếu kiểm soát, gây thiệt hại nặng về người và của. Nói như chia sẻ của một giáo viên ở Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật TPHCM, ai đi làm cũng mong được yên ổn kiếm cơm. Nếu không bị hiệu trưởng trù dập, đồng nghiệp xúc phạm thì không một giáo viên nào dại dột tự đánh mất đi hình ảnh thiêng liêng, kính trọng của mình trong mắt học trò. “Chỉ khi bị ép đến đường cùng hoặc quyền lợi chính đáng bị ảnh hưởng mà không được ai đứng ra giải quyết, chúng tôi mới phải tự đứng lên đấu tranh, đôi khi gây ra hậu quả đáng tiếc”, cô giáo này nói.
Qua đó cho thấy nghề giáo cũng như bất kỳ ngành nghề nào khác trong xã hội, cũng có vô vàn mâu thuẫn, áp lực. Khi xảy ra khúc mắc rất cần sự nhanh chóng vào cuộc của các cơ quan quản lý, đặc biệt là các tổ chức, đoàn thể trong và ngoài trường để kịp thời tháo gỡ, tránh dẫn đến hậu quả đáng tiếc.
THANH THU