Bất ổn rác dân lập

Hiện nay, mạng lưới thu gom rác dân lập trên địa bàn TPHCM đang thu gom đến 70% lượng rác thải của toàn TP. Tuy vậy, mạng lưới này còn hoạt động mang tính tự phát, phương tiện thô sơ, chưa đạt yêu cầu hướng tới việc xây dựng TP văn minh, hiện đại.
Bất ổn rác dân lập

Hiện nay, mạng lưới thu gom rác dân lập trên địa bàn TPHCM đang thu gom đến 70% lượng rác thải của toàn TP. Tuy vậy, mạng lưới này còn hoạt động mang tính tự phát, phương tiện thô sơ, chưa đạt yêu cầu hướng tới việc xây dựng TP văn minh, hiện đại.

        Hoạt động tự phát, manh mún

Hiện đang thường xuyên xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn giữa các nhóm thu gom rác dân lập và cả với công ty dịch vụ công ích nhà nước, khiến hoạt động này càng bất ổn. Các nhóm thu gom rác dân lập hoạt động tự thỏa thuận với nhau về địa bàn thu gom rác và tự thu chi tài chính. Tuy nhiên, do hoạt động tự phát nên chuyện tranh chấp địa bàn vẫn thường xuyên xảy ra, dẫn đến tranh chấp giữa các nhóm thu gom rác dân lập, khó xử lý triệt để.

Trên địa bàn phường 6 quận 5 có 10 nhóm thu gom rác dân lập. Theo một cán bộ phường, các nhóm tự thỏa thuận miệng với nhau về địa bàn, phường không thể can thiệp trực tiếp vào việc thu gom rác của lực lượng này. Nếu như xảy ra tranh chấp, phường chỉ khuyên giải.

Theo khảo sát của Tổ chức Hành động vì môi trường và phát triển tại Việt Nam, về nhân sự quản lý hoạt động thu gom rác, có đến 83,6% nhân sự làm kiêm nhiệm nhiều việc, chỉ có 16,4% là chuyên trách. Nhân sự không ổn định khiến việc tổ chức hoạt động bị gián đoạn, kém hiệu quả. Về điều hành, chỉ 69% số phường được khảo sát có tổ chức họp hàng tháng với các nhóm thu gom rác. Như vậy có thể thấy mối quan hệ giữa chính quyền phường, xã với lực lượng thu gom rác dân lập chưa chặt chẽ, còn thả nổi.

Những người thu gom rác dân lập sử dụng phương tiện xe thô sơ.

Những người thu gom rác dân lập sử dụng phương tiện xe thô sơ.

Tại khu vực Làng đại học Thủ Đức (giáp ranh giữa quận Thủ Đức, TPHCM và thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương), thường có tình trạng rác tồn đọng nhiều ngày. Do chỉ trên một tuyến đường lại có đến 2 - 3 nhóm thu gom rác, dẫn đến tị nạnh nhau. Bạn đọc Lâm Thị Oanh, người dân địa phương, cho biết: “Rác ở đây nhiều khi tồn đọng đến cả tuần mới được thu gom một lần, do vậy các hộ đổ rác từng đống tràn ra đường, gây mùi hôi thối và mất vệ sinh. Các nhóm thu gom rác trên địa bàn không thống nhất cụ thể nhóm nào lấy rác ngày nào trong tuần, nên cứ trì trệ như vậy. Tình hình này đã diễn ra lâu rồi mà chưa thấy hướng xử lý từ chính quyền địa phương”.

        Đối tượng lao động bị bỏ quên

Theo thống kê sơ bộ của Sở TN-MT TPHCM, mạng lưới thu gom rác dân lập ở TPHCM đang có hơn 3.000 người lao động, đa số hành nghề truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trước đây, nhiều khu dân cư ở các xã đô thị hóa tại TPHCM không có dịch vụ thu gom rác sinh hoạt, nên một số người tự đứng ra làm dịch vụ thu gom rác, thu tiền các hộ dân hàng tháng, số lao động chủ yếu là người trong cùng gia đình. Từ đó dần dần hình thành hệ thống rác dân lập, mỗi nhóm có một khu vực thu gom rác riêng nên hiện nay người ta gọi là các “đường dây rác”. Đa số những người làm nghề này là người nhập cư từ các tỉnh, trình độ học vấn thấp và không có chỗ ở ổn định. Khảo sát cho thấy chế độ làm việc của người thu gom rác dân lập rất khắc nghiệt: 53% làm việc từ 6 - 8 giờ/ngày, 34% phải làm việc từ 9 - 12 giờ/ngày, không nghỉ chủ nhật, cả năm chỉ được nghỉ 1 ngày là mùng 1 Tết Nguyên đán. Trong khi đó, họ có thu nhập thấp, trung bình chỉ khoảng 3 triệu đồng/tháng. Các nhóm thu gom rác dân lập đều hoạt động bằng phương tiện thô sơ, hầu hết vẫn là xe kéo bằng sức người, nhóm nào “hiện đại” lắm thì dùng những chiếc xe lam cũ kỹ để vận chuyển rác.

Anh Trần Văn Duy, làm nghề thu gom rác dân lập ở khu phố 1 phường Hiệp Bình Chánh quận Thủ Đức, có vợ làm công nhân và một con đang học tiểu học, cho biết thu nhập của hai vợ chồng chỉ đủ trả tiền thuê phòng trọ và tiền chợ hàng ngày. Cứ 4 giờ sáng là anh đã bắt đầu làm việc, kéo xe thu gom rác đến từng con hẻm. Sau hơn 1 giờ, xe rác đầy, anh kéo xe về điểm tập kết rác cách đó khoảng 5km để đổ. Rồi lại kéo xe đi ngược trở lại để thu gom rác đợt hai, quần quật mỗi ngày anh kéo 5 chuyến xe rác. Anh Duy chia sẻ: “Làm việc cả tuần mà không được nghỉ ngày nào, về nhà chỉ nghỉ tí rồi lại đi làm thêm việc khác. Đầu tắt mặt tối như vậy nhưng thu nhập ít ỏi, cuộc sống không có tương lai. Thậm chí còn bị nhiều người coi khinh, vì mình làm cái nghề suốt ngày bưng bê rác bẩn”.

Tuy số người lao động tham gia thu gom rác dân lập khá đông và hành nghề trong điều kiện vất vả, ô nhiễm, nhưng lại là đối tượng lao động bị bỏ quên trong các chính sách xã hội. Hầu hết người lao động thu gom rác dân lập không được tiếp cận với các chính sách xã hội như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn, mỗi năm may ra nhận được phần quà tết do xã, phường hay các đoàn thể xã hội tặng. Ngoài ra, một khó khăn lớn mà những người làm nghề này vấp phải là thiếu vốn để thay thế các loại xe kéo, xe ba gác đẩy tay, xe lam đã cũ kỹ, thay bằng những chiếc xe chuyên dụng hiện đại. Người làm dịch vụ thu gom rác dân lập rất khó tiếp cận với các nguồn vốn vay, bởi nếu muốn vay vốn phải có dự án khả thi, có tư cách pháp nhân rõ ràng và có vốn đối ứng. Mà họ là những người dân nghèo thành thị thì làm sao đáp ứng được những yêu cầu đó?

Thực tế cho thấy, để dịch vụ thu gom rác dân lập hoạt động có hiệu quả, cần phải tổ chức lại, liên kết giữa dịch vụ công và tư. Để thực hiện điều đó, chính quyền địa phương nên cho thành lập, đăng ký kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh, tổ hợp tác, doanh nghiệp, hợp tác xã làm dịch vụ thu gom rác. Như vậy, những người lao động làm công việc này sẽ được hòa nhập và tiếp cận an sinh xã hội, tổ chức hoạt động hiệu quả hơn.

PHAN ANH

Tin cùng chuyên mục