Ý kiến của các chuyên gia trước sự cố xảy ra liên tục trong xây dựng tại TPHCM

Một tháng - 3 sự cố lún sụt
Ý kiến của các chuyên gia trước sự cố xảy ra liên tục trong xây dựng tại TPHCM

Một tháng - 3 sự cố lún sụt

Nhân viên Công ty Kiểm định xây dựng Sài Gòn đo quan trắc nghiêng chung cư số 5 Nguyễn Siêu. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Nhân viên Công ty Kiểm định xây dựng Sài Gòn đo quan trắc nghiêng chung cư số 5 Nguyễn Siêu. Ảnh: ĐỨC TRÍ

1. Lúc 19 giờ 35 phút  ngày 9-10, toàn bộ khu nhà hơn 100m2 gồm một trệt, một lầu là văn phòng của tạp chí Khoa học Xã hội (thuộc Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ, số 49 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bến Nghé, quận 1) đã đổ sập hoàn toàn. Báo cáo với UBNDTP, UBND quận 1 cho biết nguyên nhân ban đầu tạm xác định là việc thi công cao ốc Pacific số 43-45-47 Nguyễn Thị Minh Khai do Công ty TNHH bia Thái Bình Dương làm chủ đầu tư đã làm tòa nhà của Viện KHXHVNB bị hổng chân và sụp với độ sâu khoảng 20m (so với mặt đất), kéo theo nước, cát. Đơn vị thi công cho rằng đang thi công đụng phải mạch nước ngầm nên mới xảy ra sự cố như vậy. Sau khi sập tòa nhà Viện KHXHVNB, khu nhà của Sở Ngoại vụ (phần tiếp giáp khác với công trình) đã bị nứt trước đây nay vết nứt rộng hơn, thêm khu vực tiền sảnh phía đường Pasteur cũng bắt đầu xuất hiện nhiều vết nứt và có dấu hiệu lún nền. Sở Xây dựng cho rằng nếu tiếp tục thi công cao ốc Pacific thì có  nhiều khả năng các công trình lân cận khác sẽ bị ảnh hưởng xấu.

2. Vào lúc 15 giờ 30 phút ngày 31-10-2007, tại công trường xây dựng cao ốc Sài Gòn Residences (11D Thi Sách, quận 1) do Công ty Liên doanh căn hộ Sài Gòn làm chủ đầu tư, đơn vị thi công đang đào đất để ép nối cọc nhồi với độ sâu khoảng 8m thì tại góc tiếp giáp với đường Nguyễn Siêu và khu chung cư 6 tầng tại số 5 Nguyễn Siêu, quận 1 (sát ranh công trình) nước từ đáy hồ đào phun mạnh, chỉ sau 10 phút thì vỉa hè đường Nguyễn Siêu đã bị sụp khoảng 32 m2, sâu khoảng 1,6m. Công trình này đang thi công được khoảng 2/3 diện tích móng thì sự cố xảy ra. Trước đó khoảng 5 tháng, Sở Xây dựng đã có quyết định đình chỉ thi công công trình trên do chung cư số 5 Nguyễn Siêu có hiện tượng nứt tường. Sau khi đơn vị thi công đóng thêm một hàng cừ thép để phục vụ cho việc đào hố móng, ngày 18-10-2007, Sở Xây dựng đã cho phép thi công lại và đã gây ra sự cố trên.

3. Khoảng 9 giờ 10 phút sáng ngày 1-11, một học sinh lớp 8 Trường THCS Lương Định Của quận 2 chạy lên bục giảng và nhảy xuống nền thì bất ngờ gạch lát nền sập xuống. Em học sinh này bị lọt xuống hố sâu khoảng 70cm, diện tích gần 1m2. Theo kết quả kiểm định ban đầu của Công ty Kiểm định Xây dựng Sài Gòn (SCQC), tại vị trí bị sập lún tại tầng trệt, có hiện tượng lún cục bộ và bọng. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do đơn vị thi công chưa chống lún đúng mức nên gây ra việc sụt, lún nền. SCQC cũng đã đề nghị ngưng sử dụng toàn bộ tầng trệt, đồng thời hạn chế tải trọng tác dụng lên nền tầng trệt để tránh việc sụt lún tiếp tục. Hiện tất cả tầng trệt đều đã bị phong tỏa, học sinh đã được dồn lên tầng trên để học.

Theo báo cáo của UBND TPHCM, 10 tháng đầu năm 2007 TP đã cấp trên 18.700 giấy phép xây dựng và thẩm định thiết kế cơ sở 134 công trình. Trong đó, hơn 2.000 vụ xây dựng sai phép, và trên 1.400 vụ không phép. Có 20 sự cố về chất lượng công trình xây dựng, tai nạn lao động làm 8 người chết, 17 người bị thương. Riêng vụ thi công cao ốc Pacific làm sập trụ sở Viện Khoa học Xã hội vùng Nam bộ nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về tài sản, tài liệu nghiên cứu khoa học. Hầu hết tài liệu quan trọng đã bị chôn vùi dưới khu nhà bị đổ sập. Trong số đó có các tài liệu lưu trữ, các đề tài nghiên cứu dở dang, giấy tờ nhà đất liên quan đến khu nhà, con dấu của viện cũng bị chôn vùi dưới đống đổ nát và viện đang làm thủ tục để xin cấp con dấu mới.

HẠNH NHUNG

Ông Phan Phùng Sanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khoa học kỹ thuật Xây dựng TPHCM:
Thực tế xây dựng đi trước tầm quản lý và năng lực kỹ thuật của thành phố

Trước hàng loạt sự cố trong xây dựng ở TPHCM như chúng tôi đã liệt kê, ông Phan Phùng Sanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khoa học kỹ thuật Xây dựng TPHCM (ảnh) đã nhận định như trên. Giải thích cho quan điểm của mình, ông Sanh nói:

Nhiều giải pháp cho các công trình

Công nghệ xây dựng hiện nay đảm bảo có đủ các giải pháp để xử lý ổn thỏa cho tất cả các loại đất, tất cả các tình huống xây dựng. Trên thế giới đã có không ít các công trình đồ sộ được xây dựng trên những khu đất có địa chất phức tạp hơn TPHCM rất nhiều. Vấn đề là chúng ta có đủ năng lực để nắm bắt các loại công nghệ ấy và triển khai thực hiện nó một cách đầy đủ hay không

-Nói như ông thì việc xây dựng trên nền đất yếu, trong khu dân cư đông đúc như các công trình gặp sự cố vừa qua ở TPHCM đều đã có thể được xử lý tốt hơn?

-Đúng như vậy. Nếu như ngành chức năng trước khi cấp phép xây dựng đưa ra khuyến cáo kịp thời cho chủ đầu tư “nền đất của khu vực này rất yếu, các anh phải tăng thêm các mũi khoan địa chất”. Chủ đầu tư quan tâm đúng mực đến lưu ý này và buộc tư vấn thiết kế phải có sự đầu tư hơn trong việc khảo sát địa chất trước khi đưa ra các giải pháp xây dựng thì có thể đã không xảy ra tình huống “đột xuất” đụng túi bùn, mạch nước ngầm để rồi lúng túng trong xử lý, gây hư hại không những cho công trình của mình mà còn gây hại cho công trình lân cận.

Xây dựng trong một thành phố đông đúc cũng vậy. Vấn đề vẫn là những giải pháp phù hợp. Cách nay nhiều năm, khi tôi còn làm cán bộ lãnh đạo của một đơn vị xây dựng ở miền Bắc, tôi đã từng mạnh dạn đưa một kỹ sư trẻ có kiến thức về việc xây dựng trong các khu dân cư về làm việc và những công trình anh ta làm cho đến nay vẫn tốt. Với hàng loạt sự cố trong xây dựng vừa qua, tôi có cảm giác thực tế xây dựng đang đi trước tầm quản lý, năng lực kỹ thuật của thành phố 

Cơ quan quản lý Nhà nước phải có cái nhìn xa hơn doanh nghiệp

-Có nghĩa là thành phố phải thay đổi cách  quản lý xây dựng hiện nay?

-Nhu cầu xây dựng, đầu tư hiện nay ở TPHCM là rất lớn, đặc biệt là những công trình cao tầng với các tầng ngầm sâu. Nếu cứ để mặc cho chủ đầu tư thẩm định thiết kế như hiện nay thì tôi sợ với tâm lý ngại tốn kém, các doanh nghiệp sẽ không quan tâm đúng mức đến việc khảo sát địa chất, thiết kế, giám sát…và rồi những sự cố sẽ tiếp tục xảy ra. Theo tôi, hầu hết các nhà thầu cũng như tư vấn thiết kế, giám sát trong nước chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng các cao ốc có tầng ngầm sâu ở thành phố vì thực sự công tác xây dựng các dạng công trình này mới phát triển mạnh trong thời gian gần đây. Do vậy, thành phố phải có được những quy định rất cụ thể trong xây dựng. Nhà thầu, tư vấn thiết kế, giám sát “cỡ nào” mới được xây dựng các công trình cao ốc lớn. Nếu trong nước chưa có đơn vị đủ tầm như vậy thì nên thuê tư vấn nước ngoài. Các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành cần chủ động cung cấp thông tin và đưa ra những khuyến cáo kịp thời cho chủ đầu tư trước khi cấp phép xây dựng. 

-Chủ đầu tư sẵn sàng bỏ ra hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng để xây dựng cao ốc thì chắc chắn họ cũng sẵn lòng chi nhiều tiền cho việc khảo sát địa chất, thiết kế, thi công…với mong muốn công trình đạt chất lượng tốt nhất. Số chủ đầu tư ngại tốn kém như ông nói có lẽ không nhiều. Liệu ông có quá lo xa khi đề nghị Nhà nước quản lý chặt hơn công tác này?

-Xây dựng là một công việc kỹ thuật, thậm chí là kỹ thuật rất cao nếu đó là xây dựng một cao ốc trên nền đất yếu và xung quanh lại có nhiều công trình kiến trúc khác như ở TPHCM. Chủ đầu tư không ngại tốn kém, sẵn sàng chi để có được một công trình tốt không đồng nghĩa với việc họ sẽ biết chọn ra những tư vấn và nhà thầu tốt. Chính vì vậy, Nhà nước phải giúp họ bằng những khuyến cáo, những quy định cụ thể. Nhất là khi việc xây dựng trong nội thành còn ảnh hưởng đến sự an toàn các hộ dân xung quanh công trình thì vai trò quản lý Nhà nước lại càng phải được thể hiện rõ hơn…như thế mới là làm hết trách nhiệm với dân. Riêng đối với các công trình có nguồn vốn không phải trực tiếp của chủ đầu tư thì càng phải có quy chế quản lý thật chặt chẽ

-Khảo sát địa chất phải kỹ hơn, khoan nhiều mũi khoan hơn, nhà thầu phải “xịn hơn”..., rõ ràng thi công trên nền đất yếu dường như quá tốn kém. Đã  có ý kiến cho rằng, thành phố không nên xây cao ốc trên nền đất yếu. Ông nghĩ sao về quan điểm này?

-Diện tích của thành phố có hạn, nếu không xây nhà cao tầng thì đất đâu mà ở và sản xuất kinh doanh. Vấn đề là thành phố phải tính toán được hiệu quả của việc đầu tư phát triển nhà cao tầng với việc phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội nói chung. Nếu thêm nhà ở, văn phòng cho thuê mà giải quyết được việc thiếu nhà ở cho dân, thu hút đầu tư…thì nên phát triển cao ốc. Vấn đề vẫn là có được các giải pháp xây dựng hợp lý, an toàn

-Cám ơn ông!

 Sở Quy hoạch Kiến trúc TP HCM cho biết, sắp tới trong các đồ án quy hoạch sẽ có những khuyến cáo về các  khu vực nên xây dựng nhà cao tầng và không nên xây dựng nhà cao tầng dựa trên đặc điểm địa chất của từng vùng. Cũng theo sở, tuy hiện nay công nghệ xây dựng đã có thể xử lý được mọi nền đất yếu nhưng chi phí cũng rất cao và quản lý vấn đề này cũng rất phức tạp. Nền đất thành phố yếu giống như cái bánh đúc, cắm cọc chỗ này, xử lý xong chỗ kia thì có thể sẽ ảnh hưởng đến chỗ khác do đất bị “nát” ra, do vậy vẫn cần có những khuyến cáo.

Sở Xây dựng TP HCM cho biết thêm, trong tuần sau sở sẽ công bố số điện thoại nóng về xây dựng. Mọi người, khi phát hiện có các sai phạm, các sự cố trong xây dựng đều có thể gọi báo với Sở Xây dựng thông qua số điện thoại này. Cũng trong tuần sau, Sở Xây dựng sẽ hoàn thiện quy chế quản lý xây dựng trên địa bàn thành phố theo hướng công khai các quy định về xây dựng, cung cấp các thông tin về địa chất thành phố đồng thời có những khuyến cáo cụ thể cho các chủ đầu tư.

Nguyễn Khoa

Tiến sĩ Đậu Văn Ngọ – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ và thiết bị công nghiệp (Đại học Bách khoa TPHCM):
Tư vấn, nhà thầu thi công còn… non

TPHCM có nền đất yếu, tầng chịu lực phục vụ cho các công trình nhà cao tầng phân bổ sâu khoảng 60m-80m, có những trường hợp cá biệt lên đến trên 100m. Mặt khác địa chất và địa chất thủy văn lại rất phức tạp mà việc khảo sát địa chất phục vụ cho việc xây dựng các công trình nhà cao tầng lại thiếu các tư vấn có kinh nghiệm. Nhiều nhà thầu năng lực cũng rất yếu, trang thiết bị sơ sài, biện pháp thi công không hợp lý nên gặp sự cố là điều tất yếu.

Để hạn chế việc xảy ra các sự cố khi xây dựng các nhà cao tầng, các chủ đầu tư cần chọn nhà thầu có kinh nghiệm, có trình độ cao trong công trình, có kinh nghiệm trong khảo sát nhà cao tầng và có những thiết bị hiện đại và có tư cách pháp nhân để cùng khảo sát khu vực mà nhà đầu tư muốn xây dựng.

Khi khảo sát địa chất, các nhà thầu thi công cần phải tuân thủ nghiêm các quy phạm, quy trình khảo sát nhà cao tầng như: mật độ lỗ khoan, chiều sâu lỗ khoan, các chỉ tiêu cơ lý cần thiết phục vụ nhà cao tầng, thực hiện các thí nghiệm (cả trong phòng và ngoài trời) về địa chất thủy văn… để xác định hệ số thấm nước dưới đất, lưu thông dòng chảy, lưu lượng nước dưới đất… (gọi chung là động thái nước dưới đất) nhằm làm sáng tỏ điều kiện địa chất công trình và địa chất thủy văn phục vụ cho công tác thiết kế và thi công công trình nhà cao tầng mà đặc biệt là những công trình có tầng hầm. Nếu khảo sát đúng quy trình, đưa ra giải pháp móng và phương pháp cải tạo nền đất nền phù hợp (cọc cát, cọc bất thấm, cọc xi măng đất…) sẽ hạn chế được những tai biến về địa chất khi xây dựng các công trình cao tầng.

NHUNG NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục