Lần đầu tiên trong nền Cộng hòa thứ 5, các ứng cử viên tổng thống Pháp cùng được mời tham gia chương trình tranh luận trực tiếp đêm 20-3 (sáng 21-3, giờ Việt Nam) trên các kênh TF1 và LCI, trước khi diễn ra cuộc bầu cử vòng 1. Kết quả của việc phân chia lại quyền lực sẽ có ảnh hưởng vươn xa ra ngoài biên giới nước Pháp, ảnh hưởng đến tương lai Liên minh châu Âu (EU).
Cơ hội ghi điểm
Từ đầu mùa bầu cử tổng thống đến nay, dư luận Pháp bị cuốn theo cơn bão truyền thông liên quan đến các cáo buộc gian lận, tham nhũng, các cuộc điều tra, khởi tố nhằm vào hai ứng cử viên là cựu Thủ tướng Francois Fillon và bà Marine Le Pen. Chính vì vậy, cuộc tranh luận này có ý nghĩa quan trọng không chỉ giúp các ứng cử viên trình bày nội dung tranh cử, mà còn tạo cơ hội để họ ghi điểm về nội dung và về phong thái trong mắt của cử tri.
5 ứng viên tổng thống Pháp tham gia tranh luận trên truyền hình
Các ứng cử viên gồm cựu Thủ tướng Francois Fillon đại diện cho cánh hữu và đảng Những người Cộng hòa (LR); cựu Bộ trưởng Giáo dục Benoit Hamon đại diện cho cánh tả và đảng Xã hội (PS); bà Marine Le Pen - Chủ tịch đảng cực hữu Mặt trận Dân tộc (FN); ứng cử viên trung dung là cựu Bộ trưởng Kinh tế Emmanuel Macron và nhà lãnh đạo phong trào cực tả “Nước Pháp bất khuất” Jean-Luc Melenchon. Cuộc tranh luận được chia thành ba phần với các chủ đề: mô hình xã hội, mô hình kinh tế và vị trí của Pháp trên trường quốc tế.
Tại cuộc tranh luận, các ứng cử viên đã so sánh, tranh luận về từng vấn đề cụ thể như: giải pháp cho nạn thất nghiệp, tuổi nghỉ hưu, tuần làm việc 35 giờ, chăm sóc y tế, cuộc chiến chống khủng bố, vấn đề tước quốc tịch, quan hệ với các nước lớn như Nga và Mỹ...
Sau cuộc tranh luận này, sẽ còn diễn ra hai cuộc tranh luận trực tiếp nữa vào các ngày 4-4 và 20-4 trên các kênh BFMTV, Cnews và France 2 trước khi diễn ra cuộc bầu cử vòng 1 vào ngày 23-4.
Cục diện xoay vần
Theo Tân Hoa xã, nền Cộng hòa thứ 5 từ năm 1958 đến nay luôn nỗ lực cải cách chế độ bầu cử, giành được sự ổn định về cục diện chính trị, luôn duy trì tình trạng chính đảng tả hữu luân phiên cầm quyền. Đến năm 1986, sau 5 năm cầm quyền của Tổng thống cánh tả Francois Mitterrand, nền kinh tế Pháp gặp khó khăn, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, người dân bất mãn với đảng Xã hội. Trong cuộc bầu cử nghị viện năm đó, phe cánh hữu giành được đa số, lần đầu tiên xuất hiện cục diện tả, hữu cùng quản lý: tổng thống cánh tả, chính phủ cánh hữu.
Cánh tả và cánh hữu cùng quản lý thời gian đầu nhận được đánh giá tốt của nhiều người Pháp (tất cả mọi chính sách đều tương đối hòa dịu, không có chính sách cực đoan, người dân không phản cảm đối với vấn đề này). Nhưng càng về cuối nhiệm kỳ, mọi người đều thấy sự phát triển của mô hình cùng quản lý không có lợi cho nước Pháp. Vì vậy, vào năm 2000, cựu Tổng thống Valery Giscard d’Estaing đã đề xuất toàn dân cùng quyết định thay đổi nhiệm kỳ tổng thống từ 7 năm xuống còn 5 năm, thời hạn bầu tổng thống tiến hành đồng bộ với thời hạn bầu nghị viện. Từ năm 2002 đến nay thực sự chưa xuất hiện lại việc phe cánh tả, hữu cùng quản lý.
Theo kết quả cuộc thăm dò mới nhất do hãng Elabe tiến hành cho kênh truyền hình BFMTV, ứng cử viên Emmanuel Macron đã vượt lên dẫn đầu với 25,5% ủng hộ, bà Marine Le Pen đứng thứ hai với 25% (-1%), cựu Thủ tướng Francois Fillon chỉ còn nhận được 17% (-1,5%) trong khi hai ứng cử viên Benoit Hamon và Jean-Luc Melenchon bám đuổi nhau sít sao với 13,5% và 13%.
Giới quan sát quốc tế cho rằng, tỷ lệ từ các cuộc thăm dò dư luận khó phản ánh được hiện trạng, đó là chưa kể đến vấn đề cử tri khi bầu cử tổng thống còn thay đổi phiếu bầu của mình và việc 2 phe tả, hữu cầm quyền cũng dễ dàng xảy ra.
VIỆT ANH (tổng hợp)