Bầu cử tổng thống Mỹ 2016: Dấu ấn của tiền và truyền thông

Như nhiều cuộc bầu cử tổng thống trước đây, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016 cũng mang đậm dấu ấn của đồng tiền và sức mạnh của truyền thông. Ứng viên nào vận động được nhiều tiền nhất và được truyền thông ủng hộ nhiều nhất sẽ có khả năng chiến thắng.
Bầu cử tổng thống Mỹ 2016: Dấu ấn của tiền và truyền thông

Như nhiều cuộc bầu cử tổng thống trước đây, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016 cũng mang đậm dấu ấn của đồng tiền và sức mạnh của truyền thông. Ứng viên nào vận động được nhiều tiền nhất và được truyền thông ủng hộ nhiều nhất sẽ có khả năng chiến thắng.

Truyền thông nghiêng về ai?

Những tưởng là tỷ phú, ông Donald Trump dễ dàng chi tiêu hào phóng cho các phương tiện truyền thông để mang lại lợi thế cho mình. Tuy nhiên, một cuộc thăm dò cho thấy gần 9 trong số 10 người tin rằng các phương tiện truyền thông Mỹ muốn bà Hillary Clinton giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống. Điều này có thể giải thích lý do tại sao ông Trump đã tăng cường các cuộc tấn công nhắm vào các phương tiện truyền thông đến mức giận dữ.

Donald Trump và Hillary Clinton, ai sẽ là Tổng thống tiếp theo của Mỹ?

Tại mỗi cuộc tập hợp, ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump lặp đi lặp lại những cáo buộc rằng các nhà báo “không trung thực”, “bệnh hoạn” và “tiêu cực”. Trường Đại học Suffolk (Mỹ) thăm dò với câu hỏi: “Bạn nghĩ giới truyền thông, bao gồm cả các tờ báo lớn và các đài truyền hình, muốn bầu cho ai: Hillary Clinton hay Donald Trump?”. Có 75,9 % trả lời là bà Clinton, trong khi chỉ có 7,9 % nói truyền thông ủng hộ ông Trump. Cuộc thăm dò của AP/GkF  cho thấy 87% những người ủng hộ ông Trump tin rằng các phương tiện truyền thông có thành kiến ​​đối với tỷ phú này. Carl Cannon, biên tập viên điều hành của trang web chính trị có tầm ảnh hưởng của Mỹ RealClearPolitics, cho biết cuộc bầu cử năm 2016 sẽ được nhớ đến với việc phần lớn các phương tiện truyền thông thừa nhận việc ủng hộ ứng viên đảng Dân chủ.

Mới đây, phóng viên chính trị kỳ cựu của CNN Wolf Blitzer hỏi quản lý chiến dịch của ông Trump là Kellyanne Conway rằng tại sao Trump giận dữ tấn công các phương tiện truyền thông, bà Conway cho rằng phần lớn là vì những gì họ viết trên phương tiện truyền thông xã hội. Theo bà này: “Qua phân tích của chúng tôi, 85% - 95% Twitter của các nhà báo đều tiêu cực đối với Donald Trump. Họ không thấy bất cứ điều gì tốt để nói về ông ấy à?”.  Khi ông Trump gay gắt chống lại các nhà báo, các phương tiện truyền thông lại chống ông mạnh hơn. Hầu hết các tờ báo lớn của Mỹ đều đăng bài xã luận ủng hộ bà Clinton.

Cử tri Mỹ đi bầu cử sớm ở bang Ohio

Trong suốt hai tuần đầu của tháng 10, các quảng cáo của ông Trump xuất hiện trên màn hình TV 491 triệu lần trên toàn nước Mỹ và tỷ lệ xem trung bình 91,8%. Quảng cáo của bà Clinton xuất hiện trên màn hình TV 620,6 triệu lần trên cả nước Mỹ với mức trung bình người xem là 85,8%. Theo iSpot.tv, quảng cáo của ông Trump phát sóng thường xuyên nhất trên Fox, CBS, NBC, ESPN và CNN. Trong khi đó, bà Clinton  tập trung trên các kênh CBS, TNT, NBC, FX và A & E.

2/3 số cử tri Mỹ trong cuộc thăm dò ý kiến do ​​Rasmussen Reports tiến hành cho biết họ nghĩ rằng các phương tiện thông tin truyền thông đã có quá nhiều quyền lực và ảnh hưởng đối với cuộc bầu cử lần này.

Ai chi tiêu mạnh hơn?

Theo Time, Ủy ban vận động của bà Clinton đã quyên góp được nhiều hơn gấp hai lần số tiền so với ủy ban của ông Trump: 513 triệu USD so với 255 triệu USD. Tổng số tiền tài trợ của ông Trump khoảng 312 triệu USD, trong khi con số này của bà Clinton là 702 triệu USD tính đến ngày 19-10. Tòa án Tối cao của Mỹ không cho phép ông Trump chi 600 triệu USD tiền riêng của ông trong chiến dịch tranh cử.

Trong tháng 10, ông Trump và bà Clinton đã chi hết trên 80% số tiền vận động của mình. Trong chiến dịch của bà Clinton, khoản chi cho phương tiện truyền thông đầu tháng 10 chiếm phần lớn chi tiêu trong tranh cử tổng thống năm 2016 của đảng Dân chủ. Tiền chi cho phương tiện truyền thông, bà Clinton chi 158 triệu USD, đa số  từ  Công ty Beltway. Chi tiêu của ông Trump cho vé máy bay và chỗ ở là 26 triệu USD, bà Clinton chỉ tốn khoảng 19 triệu USD cho việc này.

Bà Clinton dành 62 triệu USD trả lương cho đội ngũ nhân viên vận động chiến dịch, trong khi số tiền này của ông Trump là 38 triệu USD.

Bà Clinton còn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ đương kim Tổng thống Barack Obama, người đã dành rất nhiều thời gian và sức lực để vận động cho bà. Vào đêm trước ngày bầu cử, ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Hillary Clinton và gia đình cùng vợ chồng Tổng thống Obama sẽ tới Philadelphia với hàng ngàn ủng hộ viên. Bang Pennsylvania là chiến trường quan trọng đối với cả hai ứng cử viên tổng thống. Các cuộc thăm dò mới nhất cho thấy bà Clinton dẫn trước ông Trump ở bang Pennsylvania, mặc dù đã thu hẹp hơn so với đầu tháng 10, khoảng 3,4 điểm phần trăm so với Trump.

“Đặc sản” phiếu đại cử tri

Cử tri Mỹ không trực tiếp bầu tổng thống mà họ dùng phiếu phổ thông để chọn các đại cử tri trong bang, những người ủng hộ ứng cử viên mà họ muốn trở thành tổng thống. Đây là quy trình bầu cử tri đoàn. Nước Mỹ có 50 tiểu bang và thủ đô Washington D.C. Mỗi nơi có một cử tri đoàn với số lượng thành viên được phân bổ dựa trên dân số địa phương. Tổng số có 538 đại cử tri. Một tháng sau khi bỏ phiếu đại cử tri, Quốc hội Mỹ nhóm họp hai viện để tuyên bố người đắc cử. Nếu một ứng cử viên tổng thống nhận được ít nhất 270 số phiếu đại cử tri tổng thống, người chủ tọa (thường là phó tổng thống đương nhiệm) tuyên bố ứng cử viên đó là tổng thống đắc cử.

Vấn đề lá phiếu đại cử tri luôn là đề tài gây nhiều tranh cãi trong nền chính trị Mỹ và nhiều chính khách (trong đó có bà Clinton hồi làm thượng nghị sĩ) từng đề nghị hủy bỏ cơ chế phiếu đại cử tri, bởi nó làm mất giá trị sự tồn tại lá phiếu phổ thông. Trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2000, ứng cử viên đảng Dân chủ là Al Gore giành đa số phiếu phổ thông (nhiều hơn ông Bush khoảng 5.000 phiếu)  nhưng lại thua về phiếu đại cử tri. Kết quả là ông Bush đắc cử tổng thống. Tuy nhiên, việc bầu tổng thống qua lá phiếu đại cử tri cũng có rất nhiều ưu điểm giúp nó đứng vững hơn 200 năm qua và được xem là một phần quan trọng của nền dân chủ Mỹ.

 Ngày bầu cử tổng thống và phó tổng thống Mỹ được Hiến pháp Mỹ quy định vào ngày thứ ba ngay sau ngày thứ hai đầu tiên của tháng 11, sớm nhất rơi vào ngày 2-11 và trễ nhất là ngày 8-11 (như trong cuộc bầu cử năm 2016).

Bầu cử tổng thống và phó tổng thống được tổ chức mỗi 4 năm, trong những năm chia hết cho 4. Bầu cử Hạ viện và Thượng viện được tổ chức 2 năm một lần; hạ nghị sĩ có nhiệm kỳ 2 năm, trong khi thượng nghị sĩ có nhiệm kỳ 6 năm. Vì vậy, cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra cùng lúc với bầu 1/3 thượng nghị sĩ và toàn bộ hạ nghị sĩ. Sau đó 2 năm sẽ bầu lại toàn bộ hạ nghị sĩ và bầu 1/3 thượng nghị sĩ và 2 năm tiếp theo sẽ lặp lại bầu tổng thống, toàn bộ hạ nghị sĩ và 1/3 thượng nghị sĩ. Tổng thống và phó tổng thống tuyên thệ thường là vào ngày 20-1 năm sau.


Liên danh Phó Tổng thống của ông Donald Trump là Michael Richard  Pence, Thống đốc bang Indiana từ năm 2013. Ngày 15-7, Donald Trump tuyên bố chọn Pence làm ứng cử viên phó tổng thống. Ngay sau khi công bố, ông Pence nói rằng ông “rất ủng hộ chính sách của Donald Trump tạm đình chỉ nhập cư từ các nước có nhiều tổ chức khủng bố và “hoàn toàn” ủng hộ đề nghị của ông Trump xây dựng một bức tường giáp Mexico”.

Timothy Michael  Kaine, Thượng nghị sĩ bang Virginia được bà Clinton chọn là ứng viên phó Tổng thống vào ngày 22-7. Ông sinh ra ở Saint Paul, bang Minnesota, lớn lên ở bang Missouri và thi đậu bằng luật của Trường Luật Harvard trước khi bước bắt đầu giảng dạy và trở thành giảng viên tại Đại học Luật Richmond. Ông Kaine từng làm Thống đốc Virginia từ năm 2005 - 2010. Ông từng là Chủ tịch của Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ từ năm 2009-2011. Ông Kaine sẽ giúp bà Clinton thu hút được phiếu của cử tri người Mỹ gốc Phi và người Mỹ Latinh, nhờ ông từng là lãnh đạo của tổ chức dân quyền, thị trưởng của một thành phố của người da màu và cộng đồng nói tiếng Tây Ban Nha.

Hai ứng viên tổng thống Mỹ chạy đua giành phiếu cử tri
 

Theo AP, trước thời điểm bầu cử Mỹ chính thức diễn ra vào ngày 8-11, hai ứng cử viên tổng thống là Hillary Clinton và Donald Trump đang nỗ lực để tăng thêm những điểm vận động tranh cử vào phút chót tại các bang: Michigan, North Carolina, Florida, North Carolina, Nevada, Pennsylvania và Virginia. Tại sự kiện ở Reno (Nevada), ông Trump đã phải dừng phát biểu và được các đặc vụ Mỹ hộ tống vào trong khán đài do có báo cáo về một đối tượng mang súng trong đám đông người ủng hộ.

Truyền thông Mỹ dự báo vị tổng thống Mỹ tiếp theo dù thuộc đảng nào đều có nhiều nguy cơ phải đối mặt với các cuộc điều tra pháp lý do phe đối lập thúc đẩy. Theo báo The Hill, nhiều thành viên đảng Cộng hòa đã cảnh báo các văn kiện tố cáo sẽ được đưa ra nếu bà Clinton đắc cử. Trong khi đó, phe Dân chủ cũng sẵn sàng đưa ra những yêu cầu điều tra riêng đối với ông Trump ngay khi ông thắng cử.


 PHƯƠNG NAM

Huy Quốc (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục