Chiều 14-6, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là thành viên cuối cùng của Chính phủ đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội. Sau phần báo cáo cập nhật về một số vấn đề kinh tế - xã hội, Phó Thủ tướng đã lần lượt trả lời nhiều câu hỏi chất vấn thêm của đại biểu Quốc hội. Trong đó đáng chú ý là những vấn đề lớn từ các kỳ họp trước như dự án bauxite, Vinashin, Vinalines, hay tái cơ cấu kinh tế tiếp tục được nhiều đại biểu nêu ra.
Vì sao không cho phá sản Vinashin?
Chất vấn Phó Thủ tướng, ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) làm “nóng” nghị trường khi cho rằng Vinashin, Vinalines để lại cho nền kinh tế “những món nợ xấu khổng lồ” lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng, hàng trăm triệu USD. “Xin Phó Thủ tướng cho biết kết quả, đặc biệt là hiệu quả tái cơ cấu những doanh nghiệp này, lộ trình đề ra có đảm bảo hay không?” - ĐB Lê Như Tiến hỏi. Nhận xét đây là câu hỏi “lớn và khó”, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết dù tái cơ cấu Vinashin diễn ra trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế, nhưng đến nay đã giúp tập đoàn này ổn định và quản lý tốt hơn. Trong 3 năm qua, Vinashin đã đóng 170 tàu lớn, trong đó xuất khẩu 60 tàu với tổng giá trị trên 1 tỷ USD. “Nếu như chúng ta không tiếp tục sản xuất thì số lỗ có thể tăng thêm ít nhất 10.000 tỷ đồng nữa” - Phó Thủ tướng cho biết.
|
Về tái cơ cấu lại nợ, Vinashin đã được 19 ngân hàng trong nước giảm khoảng 70% nợ. Còn số ngoại tệ 750 triệu USD và 600 triệu USD mà Vinashin vay nước ngoài cũng đã đàm phán trở lại và giảm được 30%. Đây là tiền đề quan trọng để tái cơ cấu tập đoàn này. Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, hiện nay Vinashin vẫn đang lỗ rất nặng, kết quả tái cơ cấu vẫn còn chậm, còn nhiều khó khăn thách thức. “Cũng có ý kiến đặt vấn đề tại sao không cho phá sản Vinashin? Điều này phải xét xem giữa phá sản và tái cơ cấu thì cái nào có lợi hơn. Vinashin là một tập đoàn 100% vốn nhà nước, nếu để phá sản thì nhà nước cũng phải trả nợ thay. Mà như thế chúng ta vừa mất tiền, vừa mất uy tín và đặc biệt là sẽ kéo theo hơn 30.000 gia đình người lao động bị ảnh hưởng, không ổn định được cuộc sống. Như thế xét đến cùng tái cơ cấu vẫn có lợi hơn” - Phó Thủ tướng kết luận. Phó Thủ tướng cũng cho biết: “Tái cấu trúc Vinalines có xu hướng tốt hơn, phục hồi nhanh hơn, tuy nhiên, hiện nay vẫn còn lỗ, khó khăn... nhưng chúng tôi tin sẽ vượt qua được!”.
Trong khi đó, ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) quan tâm với hiệu quả 2 dự án bauxite ở Tây Nguyên: “Có những đánh giá khác nhau về hiệu quả, chấp nhận lỗ 5 năm hay 7 năm và cơ sở vòng đời của dự án 30 năm tùy thuộc rất nhiều vào giá thị trường của alumin. Việc đánh giá hiệu quả về tài chính cũng như hiệu quả về kinh tế - xã hội nói chung vẫn chưa yên tâm?”. Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Chính phủ đã có văn bản báo cáo gửi cho ĐBQH và gợi ý ông Trần Xuân Hòa, Chủ tịch Tập đoàn Than - Khoáng sản TKV báo cáo thêm cho QH. Tuy nhiên, điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng không đồng tình vì cho rằng TKV là chủ đầu tư của dự án nên báo cáo sẽ không khách quan, đề nghị Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải thay mặt Chính phủ nói về vấn đề này. Theo Phó Thủ tướng, Bộ Công thương phối hợp với các bộ ngành liên quan đã thực hiện đánh giá cẩn thận và kỹ càng dự án, có tính đến điều kiện về thị trường. Do khủng hoảng kinh tế thế giới, nhu cầu về sử dụng nhôm và alumin của thế giới giảm, nên giá cũng bị giảm. Điều này tác động đến hiệu quả của dự án.
Phó Thủ tướng phân tích: “Như báo cáo của Bộ Công thương, với tính toán hết sức bảo thủ, tính đến dự báo giá alumin cho vòng đời kinh tế của dự án là 30 năm. Với dự án Tân Rai giá tính toán là 379 USD/tấn, thấp hơn dự báo của các công ty tư vấn trên thế giới (khoảng 450 USD). Tính với mức giá thấp như vậy, nhưng dự án Tân Rai vẫn còn hiệu quả, mặc dù thời gian lỗ lũy kế bị kéo dài từ 3 năm lên 5 năm và hiệu quả thu hồi vốn cũng bị kéo dài”. Kết luận vấn đề, Phó Thủ tướng nói: “Chính phủ sẽ tiếp thu ý kiến của ĐB Trần Du Lịch để chỉ đạo các bộ và chủ đầu tư theo dõi đánh giá thường xuyên về dự án, tổ chức quản lý tốt để bảo đảm hiệu quả của dự án”.
Xử lý khoảng 105.000 tỷ đồng nợ xấu trong năm 2013
Báo cáo và giải trình thêm một số vấn đề mà QH và cử tri cả nước quan tâm, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết từ nay đến cuối năm, Chính phủ sẽ tập trung triển khai các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp thông qua tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay, đơn giản hóa thủ tục, thực thi các chương trình hỗ trợ nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên.
“Thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng đến cuối năm 2013 là 12%, bình quân hàng tháng sẽ có thêm khoảng 40.000 tỷ đồng vốn tín dụng cho nền kinh tế” - Phó Thủ tướng nói. Về xử lý nợ xấu, phấn đấu đến cuối năm, sẽ xử lý được khoảng 105.000 tỷ đồng nợ xấu, đưa tỷ lệ nợ xấu về mức an toàn vào năm 2015. Với gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng, các bộ, ngành, địa phương sẽ khẩn trương xử lý các vướng mắc để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn này, phấn đấu đến hết năm 2013 giải ngân được khoảng 15.000 - 20.000 tỷ đồng. Về chính sách thuế, Chính phủ tiếp tục thực hiện việc giãn, hoãn thuế với tổng số tiền trong năm 2013 ước khoảng 37.700 tỷ đồng.
Trả lời ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) về đề án tái cơ cấu kinh tế còn chậm, cử tri băn khoăn nguyên nhân do lợi ích nhóm hay do cơ chế chính sách, theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, có 4 nguyên nhân khiến tái cơ cấu kinh tế chậm gồm: thể chế, thị trường, nhân lực và điều hành. Về giải pháp đẩy nhanh tái cơ cấu, sắp tới Chính phủ sẽ ban hành nghị định về kế hoạch đầu tư trung hạn, đi liền với các giải pháp giám sát chống thất thoát lãng phí trong đầu tư, hoàn thiện thể chế về đầu tư. Tái cơ cấu các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện quyết liệt theo đề án được duyệt, đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, hoàn thành việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính trước năm 2015...
BẢO MINH
Rà soát các dự án thủy điện nhỏ, vừa, lớn
Kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, Quốc hội đánh giá cao và rất hoan nghênh những nỗ lực của Chính phủ, của các bộ trưởng trong triển khai nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước và cùng với các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và đồng bào cử tri, đồng bào trên cả nước phấn đấu nỗ lực vượt qua những khó khăn và đạt được một số kết quả tích cực trong giai đoạn khó khăn chung này. Cũng trong phát biểu kết luận, Chủ tịch Quốc hội đã giao nhiệm vụ cho các tư lệnh ngành. Cụ thể, trong lĩnh vực nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT phối hợp với các bộ, ngành sau phiên chất vấn tiến hành các giải pháp cần thiết để tiếp tục đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, giải quyết cả về lượng, về chất để đảm bảo cho ngành nông nghiệp phát triển toàn diện, bền vững và sau kỳ họp tạo ra một bước chuyển biến tích cực hơn đến cuối năm và năm sau, giúp cho tình hình kinh tế - xã hội của đất nước ổn định hơn. Trong đó cần chú ý vào công tác quy hoạch vùng, ngành và các sản phẩm nông nghiệp; quản lý chặt chẽ theo pháp luật để kiên quyết chống những hiện tượng tiêu cực, bất cập hiện nay trong sản xuất nông nghiệp, trong lưu thông các sản phẩm đầu vào cũng như đầu ra của sản xuất nông nghiệp…
Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, kỳ họp tới, Quốc hội sẽ nghe lại quy hoạch và nghe rà lại quy hoạch, rà lại các dự án thủy điện nhỏ, vừa, lớn để Quốc hội cho ý kiến chủ trương tiếp tục việc này thế nào đến cuối năm nay. Cuối năm, Quốc hội cũng sẽ nghe kỹ hơn và sẽ căn cứ vào tờ trình của Chính phủ để xem xét, quyết định chủ trương liên quan tới việc này, trong đó có dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A.
NGỌC QUANG
| |
|
Không áp dụng tình tiết phạm tội lần đầu để giảm án tham nhũng
* Áp dụng song song hình thức tử hình bằng xử bắn và tiêm thuốc độc
Sáng 14-6, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn trực tiếp trước Quốc hội (QH). Ông Nguyễn Hòa Bình là vị “tư lệnh ngành” cuối cùng trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5 lần này. Trước khi ông đăng đàn, đã có hơn 20 đại biểu (ĐB) đăng ký đặt câu hỏi.
ĐB Đỗ Thị Hoàng (Quảng Ninh) cho rằng việc phát hiện và xử lý các vụ án về chức vụ tham nhũng và kinh tế chưa tốt, án treo nhiều, gây hoài nghi về tính nghiêm minh của pháp luật và hỏi ngành có biện pháp gì để chấn chỉnh. Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình thừa nhận: “Quả thật, án kinh tế nhiều và xử treo cũng nhiều, tạo ra suy nghĩ là chưa quyết tâm chống tội phạm kinh tế”. Cụ thể, tỷ lệ án treo với tội phạm kinh tế và tham nhũng là 30%, cao hơn các loại khác (bình quân khoảng 21%). Tuy nhiên, ông Nguyễn Hòa Bình giải thích, với các vụ án kinh tế, do chính sách hình sự chú trọng việc thu hồi tài sản chiếm đoạt trái phép, phi pháp, nên khi đã khắc phục hậu quả tịch thu tiền tài sản, hàng hóa thì yêu cầu phạt tù không đặt ra cao.
Với án tham nhũng, tỷ lệ án treo cao, song ông Bình cho rằng, hầu hết các vụ được xử án treo đã vận dụng đúng pháp luật. Số vụ xử không đúng pháp luật chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 0,065% trên tổng số vụ án xét xử. Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao cho biết đã kháng nghị 39 trường hợp án treo do cấp dưới xử, tòa chấp nhận 26 trường hợp, còn lại đang xem xét.
“Tới đây sẽ kiểm soát chặt chẽ quá trình xây dựng cáo trạng có đề xuất án treo. Với án tham nhũng, nếu cấp dưới đề xuất xử treo thì phải thỉnh thị cấp trên kiểm tra. Chúng tôi chỉ đạo hai tình tiết không được vận dụng giảm nhẹ là có nhân thân tốt và phạm tội lần đầu. Với tham nhũng thì không có trường hợp tham nhũng rồi lại tiếp tục phạm tội, nên không vận dụng tình tiết phạm tội lần đầu”, Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình nói. Tuy nhiên, theo ông, vẫn có một số trường hợp tòa án cấp dưới xét xử lại nhưng kết quả có khi trở lại như bản án đã bị kháng nghị. Đây là một vấn đề lớn trong tố tụng liên quan đến việc quy định của pháp luật, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã kiến nghị với QH trong việc sửa đổi Hiến pháp và sắp tới đây sẽ đưa vào sửa đổi các luật theo hướng quy định tòa án cấp dưới có nghĩa vụ phải tuân theo đường lối xét xử của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao.
Trả lời chất vấn về sự chậm trễ trong việc xử lý một số vụ việc lớn, theo ông Nguyễn Hòa Bình, đây cũng là loại án phức tạp, thủ đoạn tinh vi, nhiều vụ phải phụ thuộc vào giám định tài chính, chất lượng xây dựng… trong khi việc đó rất khó khăn. “Tất nhiên kéo dài cũng là không nên”, ông Bình thừa nhận.
Tham gia giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cũng cho rằng, đối tượng có chức vụ quyền hạn thường có nhiều thủ đoạn che giấu, xóa chứng cứ. Do vậy, quá trình giám định cũng kéo dài và chi phí khá lớn, trong khi một số cơ quan trưng cầu giám định cũng có biểu hiện né tránh. Vấn đề thứ ba là việc điều tra các vụ án tham nhũng có yếu tố nước ngoài cũng gặp rất nhiều khó khăn, vì chúng ta chưa ký hiệp định tương trợ tư pháp với nhiều nước trên thế giới.
Liên quan đến hình thức thi hành án tử hình, ông Nguyễn Hòa Bình cho biết sẽ đề nghị sửa luật theo hướng cho phép áp dụng hai hình thức song song: xử bắn hoặc tiêm thuốc độc. Lãnh đạo Bộ Công an thông tin thêm, bộ này đã khẩn trương triển khai hình thức tiêm thuốc độc và xây dựng 5 cơ sở để thi hành. Về nguồn thuốc độc để thi hành án, bộ đã kiến nghị Chính phủ quyết định thay thế bằng thuốc sản xuất trong nước. Quyết định sẽ có hiệu lực từ ngày 27-6-2013, sau đó sẽ tiến hành ngay việc thi hành các bản án còn tồn đọng.
ANH THƯ
Sớm công bố lộ trình tăng lương tối thiểu vùng
Tiếp tục trả lời chất vấn của ĐB Quốc hội trong buổi sáng 14-6 câu hỏi của ĐB Trần Thanh Hải (TPHCM) về việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2013, công bố ngày 4-12-2012, chỉ có 26 ngày để chuẩn bị, gây khó cho doanh nghiệp và việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng trong năm 2014 tới đây, còn tái diễn tình trạng này không, Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, năm nay, bộ vẫn tiếp tục các bước để thực hiện lộ trình tăng lương tối thiểu vùng từ 1-1-2014. Bộ LĐTB-XH đã phối hợp Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam xây dựng kế hoạch nâng lương tối thiểu vùng trình Chính phủ trên tinh thần sớm trong năm 2013 để năm 2014 áp dụng và không ảnh hưởng đến kế hoạch hoạt động của doanh nghiệp.
NGỌC QUANG