Bệnh viện bất an

Báo động
Bệnh viện bất an

Bệnh viện là một môi trường đặc biệt, yêu cầu phải an toàn, nhằm bảo đảm tốt nhất việc cứu chữa, chăm sóc người bệnh. Thế nhưng, thực tế môi trường bệnh viện lại đang trở nên rất lộn xộn, bất an, xảy ra cả những vụ trộm cắp, lừa đảo, truy sát, phá hoại, bắt cóc, không chỉ ảnh hưởng tới người bệnh mà còn đe dọa tính mạng của bác sĩ.

Khu vực đăng ký khám bệnh tại các bệnh viện lớn đông bệnh nhân, tạo cơ hội cho kẻ gian trà trộn để móc túi, lừa đảo.

Khu vực đăng ký khám bệnh tại các bệnh viện lớn đông bệnh nhân, tạo cơ hội cho kẻ gian trà trộn để móc túi, lừa đảo.

Báo động

Chuyện xảy ra tại Bệnh viện Mắt Trung ương (Hà Nội). Ôm con hớt hải chạy đi tìm hai người phụ nữ đã cầm sổ y bạ và tiền đóng viện phí, nhưng không tìm thấy, chị Nguyễn Thị Thu nức nở kể: “Tôi đưa con từ tận Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) lên đây để khám mắt. Tới phòng khám thấy đông quá, định quay ra chờ xếp hàng thì có hai chị có vẻ lịch sự, cầm tay tôi bảo đưa sổ khám bệnh để họ vào nói với bác sĩ ưu tiên cho khám trước, chứ chờ đến chiều cũng chẳng xong. Tin tưởng, tôi liền đưa sổ khám bệnh, chừng 5 phút sau, một chị quay ra vui vẻ nói với tôi, y bạ đã đưa vào trong rồi, chờ 10 phút nữa là bác sĩ gọi vào. Bây giờ đưa chị ấy 200.000 đồng để đi nộp luôn viện phí cho đỡ phải chờ đợi, lòng vòng. Thế nhưng, suốt hơn 1 giờ sau khi tôi đưa tiền cho họ đi nộp viện phí, vẫn chẳng thấy con tôi được gọi vào khám. Tôi vào hỏi bác sĩ thì được biết họ đâu có đưa y bạ vào”.

Thực tế, những vụ cò mồi, lừa đảo người bệnh như vậy vẫn đang xảy ra tại nhiều bệnh viện lớn ở Hà Nội, TPHCM. Mới đây, lực lượng bảo vệ Bệnh viện Bạch Mai phối hợp với công an đã bắt quả tang đối tượng Vũ Quốc Bảo (31 tuổi, ở Can Lộc, Hà Tĩnh) mặc áo blouse giả danh bác sĩ vào tận Khoa Chẩn đoán hình ảnh để lừa gạt thu tiền của người bệnh. Tiến hành điều tra, công an xác định Bảo đã thực hiện được hơn 20 vụ lừa đảo ở nhiều bệnh viện dưới danh nghĩa bác sĩ và thạc sĩ y khoa.

Tình hình an ninh trật tự trong nhiều bệnh viện không chỉ lộn xộn bởi các đối tượng cò mồi, lừa đảo, mà còn trở nên bất an, mất trật tự bởi các đối tượng lưu manh, côn đồ, trộm cắp cũng thường xuyên hoạt động tại bệnh viện. Đầu tháng 1-2014, một đối tượng nữ giả làm người nhà bệnh nhân bắt cóc một cháu bé sơ sinh tại Bệnh viện Quận 7 (TPHCM). Và mới đây nhất, ngày 17-3-2014, một vụ bắt cóc trẻ sơ sinh cũng đã xảy ra tại Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương (TPHCM).

An ninh, trật tự tại các bệnh viện đang đến mức báo động. Không chỉ lừa đảo, trộm cắp, bắt cóc gây thiệt hại cho người bệnh mà nhiều đối tượng lưu manh, côn đồ còn gây náo loạn, đập phá bệnh viện, hành hung cán bộ y tế, ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường khám chữa bệnh, gây tâm lý hoang mang, lo sợ cho cả người bệnh lẫn y bác sĩ. Đã có không ít vụ việc nghiêm trọng xảy ra ở Thái Bình, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Cà Mau, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nội…, bác sĩ bị côn đồ hành hung ngay tại bệnh viện.

Quá tải và cơ chế lằng nhằng

Trước tình trạng trên, GS-TS Đào Văn Dũng, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề xã hội - Ban Tuyên giáo Trung ương, cho biết: Chưa có thống kê chính thức về số vụ lừa đảo, trộm cắp, hành hung, phá hoại trong bệnh viện, nhưng có thể thấy thực tế số vụ việc ngày càng tăng lên, xảy ra ở hầu hết các bệnh viện từ trung ương tới cơ sở. Thậm chí, hầu như tại 100% bệnh viện ở các tỉnh, TP lớn có tình trạng kẻ gian hoạt động trộm cắp và lừa đảo người bệnh. Không ít người khi vào bệnh viện vừa là bệnh nhân cũng vừa là nạn nhân. Bệnh nhân chưa kịp chữa trị thì tiền bạc, giấy tờ tùy thân đã bị lấy mất, khiến gia đình rơi vào cảnh nghèo khó, cùng cực.

PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết: “Các bệnh viện lớn có số lượng bệnh đông là điều kiện thuận lợi phát sinh các sự việc gây mất an ninh trật tự. Trong đó nổi lên là tình trạng cò bệnh viện, trộm cắp, lừa đảo hoạt động tinh vi, liều lĩnh hoạt động theo băng nhóm. Nếu bị phát hiện bọn chúng sẵn sàng lật lọng, đe dọa, thậm chí hành hung người bệnh và nhân viên y tế. Nguyên nhân dẫn tới tiêu cực, mất an ninh trật tự trong bệnh viện là do nhiều bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải, nhưng các biện pháp đảm bảo an ninh chưa được quan tâm đúng mức. Đặc biệt, việc giải quyết các sự cố, tai biến về y khoa tại nhiều bệnh viện chưa được xử lý tốt, chưa giải thích cặn kẽ thấu đáo cho người bệnh, dẫn tới sự bức xúc của người nhà bệnh nhân. Bên cạnh đó, thái độ ứng xử, y đức của một số y bác sĩ, nhân viên y tế cũng chưa đúng mực, gây bức xúc cho người bệnh, người nhà bệnh nhân, ảnh hưởng tới hoạt động bệnh viện”.

GS-TSKH Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, chỉ rõ: Chính cơ chế hiện hành giao giám đốc bệnh viện quyền tự chủ tài chính nên giám đốc nào cũng muốn thu hút thêm bệnh nhân dù bệnh viện quá tải, trong khi quá tải lại là căn nguyên khiến bệnh viện và bệnh nhân đều mất an toàn. Còn TS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đào tạo và phát triển cộng đồng, cho rằng hiện nay hệ thống tổ chức của các bệnh viện công tại Việt Nam có nhiều điểm không thuận lợi cho việc đảm bảo an ninh trật tự: “Nguyên nhân trực tiếp của việc mất an ninh tại bệnh viện là do sự mập mờ trong quản lý, lẫn lộn công - tư trong bệnh viện công. Bên cạnh đó là sự thiếu giám sát độc lập, tình trạng độc quyền một mình một chợ và thiếu tôn trọng bệnh nhân của nhiều bệnh viện công”.

QUỐC LẬP

Tin cùng chuyên mục