Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương (BVRHMTW) TPHCM được thành lập vào ngày 17-5-1980, hơn 34 năm qua được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Y tế, bệnh viện đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, chức năng được Bộ Y tế phân công đảm trách công tác chỉ đạo tuyến, Nha học đường các tỉnh thành phía Nam,…
Trong năm qua, bệnh viện đã đến thăm và làm việc tại các tỉnh thành: Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk, Bình Phước, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, TP. Cần Thơ, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau và Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ để đánh giá thực trạng ngành RHM của địa phương và có hướng hỗ trợ nhằm đẩy mạnh công tác khám chữa bệnh.
Thăm và làm việc tại BV đa khoa Phú Tân, tỉnh An Giang.
Năm 2014, bệnh viện đã tiến hành chuyển giao các gói kỹ thuật cho các bệnh viện tuyến dưới như: “Phẫu thuật kết hợp xương gò má bằng đường trán thái dương” - Bệnh viện Bà Rịa, BVĐK Thống Nhất Đồng Nai, BVĐK Đắk Lắk; “Phẫu thuật kết hợp xương hàm dưới vùng góc hàm” và “Phẫu thuật kết hợp xương hàm trên” - Bệnh viện Mắt - Tai Mũi Họng - Răng Hàm Mặt An Giang; “Phẫu thuật kết hợp xương cổ lồi cầu xương hàm dưới” - BVĐK Lâm Đồng.
Bên cạnh đó, một số bệnh viện cũng đã bắt đầu thực hiện các kỹ thuật cao trong lĩnh vực Răng Hàm Mặt như cấy ghép nha khoa, chỉnh hình răng mặt, phẫu thuật chấn thương hàm mặt phức tạp: Đồng Nai, Đắk Lắk, Bà Rịa, Lâm Đồng, Ninh Thuận, An Giang, Đồng Tháp…
Kết quả cho thấy đề án 1816 đã thực sự đem lại nhiều kết quả tốt trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở các đơn vị tuyến dưới. Sau khi được chuyển giao, các bệnh viện tuyến dưới đã có thể tự thực hiện được nhiều kỹ thuật chuyên môn về phẫu thuật hàm mặt và cấy ghép nha khoa, qua đó góp phần giảm tải số bệnh nhân chuyển về Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TP. Hồ Chí Minh, nhất là các bệnh nhân chấn thương hàm mặt.
Đoàn lãnh đạo Bệnh viện RHM Trung ương làm việc tại Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp.
Cán bộ bệnh viện tuyến trên và bệnh viện tuyến dưới cùng trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, tạo mối quan hệ chặt chẽ giữa các đồng nghiệp trong cùng ngành RHM. Tuy nhiên, một số tỉnh thành sự phân bố cán bộ chưa phù hợp với nhu cầu của cơ sở, năng lực chưa đáp ứng với sự phát triển ngành.
Về chương trình Nha học đường, hầu hết các tỉnh thành triển khai khá tốt nội dung giáo dục sức khỏe răng miệng, thực hiện chải răng, súc miệng tại trường và được sự quan tâm của Ủy ban Nhân dân tỉnh, lãnh đạo ngành Y tế, Giáo dục và các ngành liên quan của một số tỉnh thành. Nội dung khám và điều trị dự phòng sớm các bệnh răng miệng triển khai vẫn còn hạn chế do thiếu nhân lực cho công tác dự phòng, thiếu cán bộ chuyên trách, kinh phí hoạt động nha học đường.
Với những kết quả đạt được, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TPHCM sẽ không ngừng phấn đấu giữ vững thành quả và tiếp tục cố gắng phát triển ngành, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao với định hướng năm 2015 là tăng cường công tác đào tạo chuyên môn, nguồn nhân lực, hỗ trợ trang thiết bị các vùng khó khăn, vùng sâu, cung cấp tranh ảnh giáo dục tuyên truyền và nâng cao công tác quản lý ngành, xây dựng chuẩn đánh giá khoa Răng Hàm Mặt giúp các tỉnh thành xác định được năng lực chuyên môn để có hướng phát triển và đặt mục tiêu phấn đấu. “Tất cả vì công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân”.
PHƯƠNG LAN