Bệnh “vôi ve”

- Sao bỗng nhiên Tấm Cám gây ồn ào quá.

- Vì lụt lội nên giá tăng? Hay chất lượng không đảm bảo?

- Không, là chuyện trong sách giáo khoa lớp 10 thôi. Bỗng dưng kết cục truyện được cải biên, với lý do tình tiết Cám bị Tấm làm mắm gửi cho dì ghẻ ghê rợn quá. Bởi vậy người ta chế tạo ra một cái kết khác hiền hơn.

- Cổ tích mà, người xưa nghĩ sao thì kể vậy. Cớ gì mà thay?

- Thay cấp kỳ, vì người biên soạn nghĩ bằng ý nghĩ thời nay chứ đâu phải thời xưa. Vì vậy họ phải chế tạo ra nội dung khác cho nó phù hợp với sự tân thời.

- Đúng là toàn suy nghĩ kiểu “giống ngắn ngày”. Dạy cho học trò truyện cổ tích, là để để tụi nhỏ biết mấy ngàn năm trước người ta sống ra sao, tưởng tượng thế nào. Sửa truyện Tấm Cám, chắc phải sửa hết các truyện khác cho đẹp kiểu hiện đại à? Chú Cuội lên cung trăng bằng phi thuyền, hay Sọ Dừa phải chỉnh hình thẩm mỹ?

- Thì cứ dòm coi, đâu có chỗ nào di tích còn nguyên vẹn. Cứ xuống cấp nặng là người ta đập bỏ xây mới, còn cái nào xuống cấp nhẹ thì sơn sửa bằng xi măng, gạch đá nhìn... mới tinh! Sau một đợt trùng tu, coi như đi đời di tích luôn. Sửa “hiện vật” được, cớ gì không sửa truyện được?

- Đúng là chưa kiếm ra thuốc chữa, cho cái bệnh khoái “vôi ve”. 

TƯ QUÉO

Tin cùng chuyên mục