Theo dự đoán, giá vàng vẫn có xu hướng tăng cao, thậm chí có thể đạt ngưỡng 2.000 USD/ounce trong năm nay. Vàng liên tiếp tạo ra những cơn sốt mới như từng diễn ra ở miền Tây nước Mỹ hồi thế kỷ 19, khi hàng loạt quốc gia quyết định khai thác những mỏ vàng nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên, văn hóa và hàng đoàn người kéo nhau lên rừng xuống biển để tìm vàng?
Đào vàng ngay trên di sản văn hóa
Vàng lên ngôi cũng là lúc cuộc đua khai thác nguồn tài nguyên này bắt đầu tăng tốc. Mới đây, dư luận những nước có liên quan trong khu vực Đông - Trung Âu lại nóng lên với tin, trong vài tháng tới, Chính phủ Romania sẽ có những quyết định liên quan đến việc cấp phép khai thác vàng ở vùng Rosia Montana. Ngoài trữ lượng vàng và bạc rất lớn (khoảng 330 tấn vàng và 1.200 tấn bạc), Rosia Montana còn là địa phương giữ được những giá trị văn hóa và kiến trúc cổ xưa nhất ở Romania, với nhiều di tích lịch sử gần 2.000 năm tuổi có tầm di sản thế giới.
Tuy nhiên, nếu được khai thác, đây sẽ là mỏ vàng lộ thiên lớn nhất ở châu Âu và sự hoạt động của nó đi kèm những quan ngại lớn, không chỉ vì dự án này sẽ tàn phá mọi giá trị văn hóa, lịch sử trong vùng, mà còn vì chất cyanide dùng trong công nghệ chiết xuất vàng có thể gây hại khôn lường về mặt môi trường.
Cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, một tập đoàn Romania - Canada (mang tên EUROGOLD) đề xuất một đại dự án nhằm biến Rosia Montana trở thành nơi khai thác vàng trên mặt đất lớn nhất châu Âu, nhưng cái giá phải trả là khoảng 2.000 cư dân trong vùng sẽ phải chuyển đi nơi khác. Tất cả nhà cửa cùng những di sản vô giá - như 4 nhà thờ, nghĩa trang, nhiều di tích kiến trúc cổ từ thời La Mã và 5 rặng núi - sẽ bị phá hủy hoàn toàn trong vòng 15 năm, với khoảng 20 tấn thuốc nổ dinamit được sử dụng mỗi ngày. Mặc dù “dự án khủng” ở mỏ vàng lộ thiên trên chỉ được dự thảo trong vòng 15 năm nhưng những tác hại môi trường để lại sau đó không thể lường trước được.
Mới đây, Công ty khai thác mỏ KSL vừa phát hiện một kho vàng nguyên chất chứa khoảng 15 tấn, trị giá khoảng 9 tỷ bảng Anh tại một trong những vùng nghèo nhất nhưng cổ xưa nhất của châu Âu tại Lausitz, phía Đông nước Đức. Ngay lập tức, một cuộc khảo sát địa chất được tiến hành trên diện tích hơn 100km² trước khi bắt tay vào khai thác. Hiện nay, khoảng 800 thợ mỏ đang đảm nhiệm công việc khai thác tại mỏ và ước tính con số này có thể tăng gấp đôi. Các cơ quan truyền thông của địa phương cũng tỏ ra vui mừng bởi ngành công nghiệp khai thác vàng có thể cung cấp việc làm cho rất nhiều người dân. Công ty KSL đã đồng ý chia sẻ một phần lớn lợi nhuận từ việc liên doanh khai thác khoáng sản với các khu vực nghèo khó gần mỏ vàng.
Thấy người ăn khoai, vác mai đi đào
Giá vàng thế giới ở mức cao đang kích thích giới chủ mở lại các mỏ vàng cũ đóng cửa 10 năm trước và gia tăng công suất các mỏ vàng mới. Vì lợi nhuận rất lớn nên các công ty khai thác vàng tranh đua đấu thầu, bên cạnh sự bùng phát của nạn khai thác vàng lậu. Cơn sốt vàng lan từ Guatemala sang Argentina đi ngang qua các nước Peru, Colombia, Ecuador, Mexico, Chile và Brasil. Có lẽ cuốn vào guồng máy đào vàng cuồng nhiệt nhất là các công ty khai thác vàng ở Australia.
Theo ước tính của Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ (USGS), trữ lượng vàng của Australia chiếm 11% toàn thế giới. Các mỏ trong nước này sản xuất 266 tấn vàng, trị giá 12,43 tỷ USD trong năm 2010. Năm ngoái, vàng trở thành mặt hàng xuất khẩu có doanh số lớn thứ năm tại Australia (sau sắt, dầu thô, phôi nhôm và khí đốt hóa lỏng).
Hoạt động tìm kiếm và khai thác vàng ở Australia đang diễn ra nhộn nhịp và không quá lời nếu nói nước này đang trải qua cơn sốt vàng mới. Không chỉ có giới chủ hay các công ty khai thác mỏ, ngày càng nhiều người Australia từ bỏ các công việc lương cao để mong có cơ hội giàu lên nhanh chóng bằng nghề đào vàng. Cứ nghe một “điểm nóng” nào có vàng lập tức có người hăm hở mang máy dò kim loại đến để thử vận may. Họ cần mẫn và nhẫn nại dò tìm vàng tại những cánh rừng, con sông ở khắp vùng thôn quê Australia. Khi giá vàng tăng liên tục trong một năm trở lại đây, địa danh Hill End, cách Sydney 260 km, lại rộ lên trong giới đào vàng nghiệp dư. Năm 1951, dân số ở đây chỉ có khoảng 200 người, bỗng phình lên tới 20.000 người sau khi người ta tìm thấy vàng ở đây, trở thành nơi đầu tiên ở bang New South Wales thu hút làn sóng tới đào vàng. Tuy nhiên, khác với cơn sốt vàng đầu tiên cách nay 60 năm, lần này dân đào vàng thường đi “có đôi có cặp”, nhất là những cặp vợ chồng già. Với sự trợ giúp của công nghệ, việc tìm vàng cũng dễ dàng hơn. Nhiều người dùng tới những máy dò kim loại như Minelab GPX 480, giá khoảng 6.500 USD để tìm vàng. Không chỉ nhắm đến làng Hill End, gần đây người đãi vàng còn kéo đến con sông Turon, thuộc hạt Sofala.
Nô lệ thời hiện đại
Cuộc đổ xô đi tìm vàng cũng ồn ào náo nhiệt ở Campuchia, sau khi người ta phát hiện mỏ vàng được cho là lớn nhất nước này nằm ở tỉnh Mondulkiri, thuộc miền Đông Bắc. Từng đoàn người Campuchia sống bằng nghề đi tìm vàng đã lũ lượt kéo đến khu vực này để khai thác lậu. Song nghề đào vàng của họ đang sắp kết thúc do các tập đoàn khai thác vàng lớn của thế giới đang để mắt đến mỏ vàng được cho là lớn nhất Campuchia này.
Ở Mông Cổ cũng vậy, cuộc bùng nổ khai thác mỏ đã phá hủy cuộc sống truyền thống của người dân du mục nước này. Ước tính mỗi năm hàng ngàn người dân du mục đã từ bỏ đồng cỏ, đàn gia súc để lao vào cuộc tìm kiếm vàng và các kim loại quý. Nhiều người kéo cả gia đình, từ trẻ em đến người già, lang thang khắp các khu mỏ bị bỏ hoang để mót vàng sau khi các công ty khai thác lớn bỏ đi... Ước tính hiện có khoảng 10.000 công nhân khai thác mỏ bất hợp pháp ở Mông Cổ, họ xuất hiện như những bóng ma và được mô tả là những ninja. Theo khảo sát của Chương trình môi trường LHQ (UNEP), tổng số công nhân khai thác mỏ thủ công cả hợp pháp và bất hợp pháp ở Mông Cổ lên đến 100.000 người.
Thực tế, song song với hoạt động khai thác hợp pháp của các công ty lớn, còn có những nhóm do các tay làm ăn đi đêm với vài nhân viên chính quyền địa phương, nhượng các vùng đất được bảo vệ cho việc khai thác tìm vàng để hưởng phần trăm lợi nhuận. Những tay này tuyển lựa nhân công từ những người đang rơi vào cảnh tuyệt vọng và bị vàng quyến rũ. Họ phải sống trong rừng già, chen chúc nhau trong các chòi hay lều tạm bợ, không điện nước, không nhà vệ sinh và hoàn toàn không có an ninh. Để dụ dỗ họ, người ta đã tìm cách cung cấp các trò giải trí rẻ tiền với những thiếu nữ trẻ bị lừa bắt làm gái điếm. Sau đó, họ phải gánh chịu bệnh tật, đặc biệt là các loại bệnh truyền nhiễm.
Đầu tư 1.000 USD mới được 1 ounce vàng Có nhiều nguyên nhân khiến giá vàng tăng cao như nạn đầu cơ thao túng thị trường, USD mất giá, khủng hoảng nợ công ở châu Âu... Nhưng theo Hiệp hội vàng thế giới, một nguyên nhân quan trọng là các mỏ vàng đang dần khánh kiệt và giá thành khai thác tăng cao. Theo tờ Economist (Anh), cách đây 10 năm, để khai thác được 1 ounce vàng, người ta phải bỏ ra hơn 200 USD. Nhưng tới năm 2010, giá thành khai thác tăng lên 857 USD/ounce và hiện đã trên 1.000 USD/ounce. Số liệu của Công ty tư vấn đầu tư GFMS cho biết, kể từ năm 1999 tới nay, hàm lượng vàng chứa trong quặng khai thác cũng suy giảm gần 30%. Chính vì vậy, các thợ mỏ phải đào rất sâu mới khai thác được. Hiện nay các mỏ vàng dễ khai thác ở Nam Phi, nước sản xuất vàng lớn nhất thế giới, hầu như đã khánh kiệt, không còn tồn tại một mỏ nào. Trữ lượng vàng chưa khai thác hiện nay chỉ còn khoảng 26.000 tấn sản lượng vàng khai thác trên thế giới từ 2000 tới 2006 đã giảm 6,7%. Nam Phi, nước luôn giữ kỷ lục sản lượng cao nhất thế giới trong 10 năm qua, đã giảm sản lượng khai thác. Năm 2006, sản lượng đạt 291 tấn, năm 2007 chỉ còn 272 tấn, giảm 8% so với năm 2006. Các nước có sản lượng khai thác vàng cao như Mỹ, Australia... cũng lần lượt suy giảm. Trước đây ở độ sâu 39m, bình quân mỗi tấn quặng cho 2,59 gram vàng, sau đó phải tiếp tục đào sâu tới 70m mới có vàng và mỗi tấn quặng cho 1,1 gram vàng. Mấy năm gần đây, thông thường phải đào sâu trên 100m, thậm chí có mỏ phải đào sâu tới 4.000m mới có quặng chứa vàng, dù chất lượng không bằng vàng nằm ở gần mặt đất. |
Xuân Hạnh (Tổng hợp)