Chiều 30-9, gần 1.000 doanh nhân đã tham gia diễn đàn“CEO 3.0: Liên kết sức mạnh Việt – Nói mãi, làm được không?” do Hội Doanh trẻ TPHCM phối hợp với CLB 2030, CLB Doanh nghiệp dẫn đầu và Hội hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức. Bí thư Thành uỷ TPHCM Đinh La Thăng, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã tham dự.
Toàn cảnh hội nghị
Đây được xem là một “hội nghị Diên Hồng” của lãnh đạo TPHCM và đại diện tiêu biểu nhất của đội ngũ CEO Việt Nam để cùng thảo luận, bàn bạc, mổ xẻ những vấn đề tuy cũ nhưng vẫn rất mới, liên quan đến các nội dung về liên kết nhằm tạo ra sức mạnh cộng hưởng, khơi gợi tinh thần tự tôn dân tộc, để cùng thực hiện mong ước cháy bỏng là đưa đưa TPHCM trở lại vị thế kinh tế dẫn đầu trong khu vực.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng, khẳng định: “Đã có đủ điều kiện để thực hiện liên kết và phải làm cho được! Tại sao tôi dám quả quyết như vậy? Tôi có một cơ sở chắc chắn là truyền thống lịch sử của dân tộc chúng ta là lịch sử của sự vượt khó. Tại thời điểm này, bản thân DN và Chính phủ phải ý thức được rằng đang ngồi chung một con thuyền để cùng tiến về phía trước. Vấn đề còn lại phụ thuộc vào quyết tâm của mỗi chúng ta”.
Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng đã đặt ra 4 câu hỏi để các diễn giả và các CEO suy nghĩ và cùng tìm câu trả lời, đó là: Truyền thống yêu nước, truyền thống của Đảng có kết nối và tạo đòn bẩy cho những mục tiêu cụ thể của DN?; Đội ngũ các CEO có thể kết nối với hạ tầng chính sách hiện hành một cách minh bạch được không? Nếu không được thì lý do của nó là gì?; Các DN với nòng cốt là đội ngũ CEO có thể chủ động thích ứng với các tiêu chuẩn của hệ thống Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới? Những bước chuẩn bị cấp bách là gì trong tình trạng hiện tại?; Mục tiêu từ nay đến năm 2020 cả nước có một triệu DN, trong đó TPHCM chiếm một nửa, có thể thành hiện thực và nó cần thêm điều kiện gì để thành hiện thực một cách chắc chắn?
Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng phát biểu tại hội nghị
Kinh nghiệm của những quốc gia thành công là phải tạo ra được một đội ngũ các CEO. Đó là điều không phải bàn cãi, nhưng đội ngũ ấy phải có tinh thần dân tộc rất cao để đặt lợi ích của đất nước lên hàng đầu. Nghĩa là phải có sự đoàn kết chặt chẽ, chia sẻ kinh nghiệm, chia sẻ cơ hội, chia sẻ rủi ro, với phương châm các bên cùng thắng để người thắng lớn nhất chính là đất nước.
“Hôm nay, tôi tha thiết kêu gọi các CEO Việt hãy đoàn kết hơn nữa, trong một cộng đồng trách nhiệm cao nhất với sự phồn thịnh của đất nước, tạo ra sức mạnh ngang với việc dời non lấp biển mà ông cha ta đã làm khi dựng nước. Tôi tin là chúng ta nhất định làm được” – Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng kêu gọi.
Về phần mình, lãnh đạo thành phố khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện và thực hiện tốt hơn nữa các cơ chế, chính sách, các cam kết của lãnh đạo các nhiệm kỳ trước đối với các nhà đầu tư các DN đã, đang và sẽ hoạt động đầu tư, sản xuất – kinh doanh trên địa bàn thành phố. Lãnh đạo thành phố khẳng định niềm tin vào DN thuộc mọi thành phần kinh tế, DN trong nước hay DN có vốn đầu tư nước ngoài cùng đóng góp công sức vì sự phát triển chung của TPHCM. Trước gần 1.000 doanh nhân, Bí thư Đinh La Thăng, cho biết, việc phải làm ngay của lãnh đạo thành phố là tìm mọi cách để đưa TPHCM thoát khỏi nạn ngập lụt. Chỉ như vậy, TPHCM mới tạo được niềm tin nơi người dân và cộng đồng DN.
Trong phần đối thoại giữa chính quyền với DN, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, cho biết: ông rất chạnh lòng khi nhìn thấy khu công nghệ cao của thành phố chưa có nhiều DN trong nước đầu tư. Liên kết là vấn đề không mới, chúng ta đã làm nhưng chưa đạt hiệu quả cao vì nhiều lý do. Trong bối cảnh hiện nay, cũng cần xem trọng sự liên kết giữa chính quyền và DN bằng những hành động thật cụ thể cho cả 2 phía để có thể cao chất lượng tăng trưởng cũng như sức cạnh tranh của DN và TPHCM.
“Tôi rất trăn trở khi nhìn vào bảng xếp hạng 40 thương hiệu mạnh nhất Việt Nam thì TPHCM chỉ có 10 thương hiệu. Thực tế này cho thấy, thương hiệu Việt Nam chưa mạnh, sản phẩm Việt Nam cũng chưa mạnh. Để đất nước mạnh thì địa phương như TPHCM cần có nhiều thương hiệu mạnh. Do vậy, chủ trương phát triển đội ngũ 500.000 DN không chỉ chăm chắm xây dựng thương hiệu lớn, mà cần phải có các cơ chế chính sách tốt để tạo một tầng lớp DN khởi nghiệp mới. Mới ở đây là một đội ngũ DN phải không ngừng đổi mới, sáng tạo, có tầm nhìn toàn cầu, có tinh thần tự tôn dân tộc, tuân thủ pháp luật. Đây chính là điều kiện, là nền tảng chắp cánh cho DN lớn mạnh” – Chủ tịch Nguyễn Thành Phong chia sẻ.
Nhiều ý kiến phát biểu tại diễn đàn đều cho rằng, cả nhà nước và DN phải hiểu được con trường cạnh tranh phía trước là thông qua thế giới số, nghĩa là phải chuẩn bị cả phần mềm lẫn phần cứng để hoạt động hiệu quả cả chân tay lẫn bộ óc. Nói cách khác, kinh tế tri thức và dịch vụ đang chi phối kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam. Không quốc gia nào, DN nào có thể sống đơn độc không có mối liên kết, liên hệ nào với môi trường bên ngoài.
Theo Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa: “Chúng ta phải nâng cao địa vị chính trị của DN nhưng không phải đưa vào Hiến pháp, mà phải đối xử công bằng. Nhà nước cần chặt đứt quan hệ thân mẫu, sự phân phối nguồn lực không cân bằng. Ở quốc tế thì Nhà nước làm thuyền trưởng trong việc ký kết, đàm phán các hiệp định. Còn trong nước thì làm tốt vai trò trọng tài công minh và làm sao để trở thành đội ngũ công bộc tiếp sức cho DN chứ đừng bắt chẹt hay trấn lột DN. Với các DN, phải tuân theo ba quy tắc: sự tự tôn dân tộc, đạo đức kinh doanh, tôn trọng pháp luật”.
Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư U&I nói: “DN Việt Nam hoàn toàn liên kết và liên kết thành công. Hiện đã có hàng trăm dự án được U&I liên kết đã làm được và làm rất tốt. “Lửa” mà Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng truyền cho giới doanh nhân hôm nay, chắn chắn sẽ tạo sự lan toả mạnh mẽ trong cộng đồng DN và sẽ còn nhiều dự án, nhiều lĩnh vực được liên kết. TPHCM đã và đang có được một đội ngũ lãnh đạo năng động, sáng tạo sẽ tạo điều kiện cho DN thắp sáng khát vọng của mình. Nếu có ý kiến đối với Chính phủ, tôi chỉ xin thêm một số tính từ vào cụm từ “Chính phủ kiến tạo” như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đề ra, đó là “Minh bạch, công bằng, hiệu quả và có trách nhiệm giải trình”.
Thuý Hải