Việt Nam vẫn đang an toàn
- Phóng viên: Thưa đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, tình hình dịch Covid-19 hiện nay đang khiến xã hội lo lắng. Đồng chí đánh giá thế nào về vấn đề này?
* Đồng chí NGUYỄN THIỆN NHÂN: Để hiểu tình hình đất nước thì chúng ta phải hiểu tình hình thế giới. Từ tháng 1-2020, dịch Covid-19 xuất hiện, bắt đầu từ Trung Quốc. Thời điểm đó chưa ai dự báo được sau 7 tháng dịch sẽ diễn biến như thế nào. Từ người mắc đầu tiên đến 1 triệu người mắc trên thế giới mất 93 ngày, nghĩa là hơn 3 tháng thế giới mới có 1 triệu người mắc. Nhưng hiện nay, sau 6 tháng xảy ra dịch, thế giới đã có 17 triệu người mắc. Đặc biệt, trong khoảng 2 tuần gần đây, chỉ 4 ngày thế giới có thêm 1 triệu người mắc. Như vậy, tốc độ ngày càng cao và chưa từng có. Nếu tiếp tục đà này, dự báo từ ngày 5 đến 10-8 sẽ có 20 triệu người mắc. Tình hình dịch vẫn rất phức tạp ở các châu lục. So với tình hình trên thế giới và so với các chỉ số mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố dịch vào ngày 11-3, thì Việt Nam vẫn đang rất an toàn.
Tình hình gần đây có diễn biến mới, tính đến 18 giờ ngày 30-7, Việt Nam có tổng cộng 464 ca mắc Covid-19 (trong đó 276 ca mắc được cách ly ngay khi nhập cảnh). So với giai đoạn trước thì số ca mắc đã gia tăng, nhưng so với thế giới vẫn là rất thấp. Hiện nay thống kê trên thế giới có khoảng 26 nước có dưới 1.000 người mắc, trong đó có 13 nước có số người phải điều trị trên 1 triệu dân không quá 10 người, Việt Nam nằm trong số đó. Việt Nam thuộc nhóm rất đặc biệt, duy trì, giám sát tốt việc chống dịch. Vậy tình hình mới này chúng ta cần phải làm gì? Chúng ta thành công nhờ có 13 giải pháp chống dịch, và 13 giải pháp đó vẫn còn nguyên giá trị, cần phải được tiếp tục thực hiện triệt để trong giai đoạn này. Bài học chống dịch của Việt Nam và quốc tế là chống dịch tốt không phải là nước giàu, GDP đầu người cao; mà là chính quyền, nhân dân phải nhận thức rõ nguy cơ lây nhiễm, biết được cách ngăn chặn và nhà nước, nhân dân đồng lòng.
- Thưa đồng chí, đó là những bài học cụ thể nào?
* Trước hết phải chủ động phòng ngừa sớm, phát hiện kịp thời, cách ly triệt để, điều trị tích cực dưới góc độ dịch tễ học. Khi có nguy cơ thì phải kiểm tra để xác định, không chỉ bác sĩ mà những người trong gia đình, những người tiếp xúc với người nghi ngờ cũng góp phần phát hiện. Tiếp nữa là cách ly triệt để, phát hiện ra F0, thì phải tìm ra F1, F2... Đây là bài học rất quan trọng, TPHCM gọi là cách ly cả gói, phải cách ly cả 3 tuyến: gia đình, quận huyện, cấp thành phố thì mới ngăn chặn được lây lan. Trong điều trị tích cực, bên cạnh khả năng của các bác sĩ trong bệnh viện, phải duy trì lực lượng y tế làm việc lâu dài…
Về mặt tổ chức, cần thực hiện 5 tại chỗ. Thứ nhất là nhiệm vụ tại chỗ, khi có dấu hiệu dịch thì mỗi người trên địa bàn, cơ quan mình phải xác định làm gì để phòng dịch. Chủ tịch phường thì phải truyền thông đến người dân, phải biết chỗ nào bán khẩu trang, phải kiểm tra trường hợp nghi ngờ. Hiệu trưởng phải biết học sinh có được kiểm tra nhiệt độ không, có đeo khẩu trang không... Thứ hai là chỉ huy tại chỗ, chủ động trên địa bàn mình. Thứ ba, lực lượng tại chỗ là con người, y tế và các lực lượng hỗ trợ trong đó có quân đội. Thứ tư là phương tiện tại chỗ, chủ động cơ sở điều trị, cách ly trên địa bàn. Cuối cùng là hậu cần tại chỗ, phải tự nuôi được mình. TPHCM đã từng cách ly cùng lúc 8.000 người trong ký túc xá và phải có hệ thống tiếp tế đáp ứng nhu cầu. Tôi muốn nhấn mạnh: những bài học cũ vẫn nguyên giá trị, nếu làm tốt sẽ ngăn chặn được dịch hoàn toàn. Nếu giai đoạn này có cái mới thì đó là tăng cường công cụ xét nghiệm.
Ý thức tự giác là cực kỳ quan trọng
- Như vậy, cần phát huy thành công trong chống dịch của giai đoạn trước cho giai đoạn này như thế nào, thưa đồng chí?
* Chúng ta thành công nhờ có Đảng, Chính phủ chỉ đạo kịp thời. Chúng ta cũng triển khai truyền thông quyết liệt đến từng gia đình, người dân; hạn chế tụ tập đông người; tập trung cách ly người từ nước ngoài về dù rất vất vả vì số lượng lớn. Khi phát hiện người mắc thì phải tầm soát những người tiếp xúc. Bên cạnh đó, bổ sung cơ sở y tế để cách ly, thiết lập các bệnh viện dã chiến. Chúng ta bắt buộc đeo khẩu trang; dừng cấp thị thực cho người nước ngoài vào Việt Nam; đóng cửa những dịch vụ không thiết yếu. Ban hành các quy định về sản xuất kinh doanh, cung cấp dịch vụ an toàn, bệnh viện an toàn, giao thông an toàn. Phát huy năng lực của các bệnh viện để hỗ trợ điều trị; những ca khó bệnh viện tại chỗ không làm được phải có hỗ trợ, như hiện nay cán bộ y tế từ Hà Nội, TPHCM hỗ trợ Đà Nẵng. Cùng đó là sự tham gia tích cực, hiệu quả cao của quân đội trong việc cách ly. Đặc biệt là huy động được toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, sự tham gia của nhân dân với văn hóa của người Việt là chia sẻ. Đó là những biện pháp đã thực hiện trong chống dịch thời gian qua, tùy mức độ chúng ta sẽ khởi động lại ở giai đoạn này.
- Đồng chí có thể chỉ ra những giải pháp nào cần ưu tiên trong giai đoạn chống dịch hiện nay?
* Địa phương nào có nguy cơ, có tiếp nhận người mắc thì phải bắt buộc người dân đeo khẩu trang, đây là biện pháp hiệu quả nhất, rẻ tiền nhất, dễ làm nhất. Bên cạnh đó, vẫn duy trì sản xuất, kinh doanh, vui chơi nhưng hạn chế tụ tập đông người. Vẫn có thể làm hội chợ, triển lãm nhưng giãn cách ra, không quá đông, quá dồn dập. Chính quyền và toàn dân phải cảnh giác phát hiện người từ nơi khác đến địa phương mình, ở với mình mà có nguy cơ lây nhiễm. Đồng thời, chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng cơ sở cách ly, tùy theo thực tế đưa người Việt Nam từ nước ngoài về, có thể hàng chục ngàn người... TPHCM có kinh nghiệm là, 1 người F0 cách ly 280 người thì mới giữ được an toàn. Hiện số người cần cách ly là rất lớn, cần kiểm soát chặt không để quá tải. Lực lượng y tế, bác sĩ phải sẵn sàng. Ở TPHCM, lực lượng bác sĩ khoa truyền nhiễm có thể điều trị 600 - 800 người mắc nhưng luôn dự báo để chuẩn bị lực lượng nếu số người mắc tăng gấp 2-3 lần. Lực lượng bác sĩ không phải thuộc chuyên khoa phải được bồi dưỡng ngắn hạn để có thể luân phiên làm nhiệm vụ.
Một bài học quan trọng là về truyền thông. Truyền thông để mỗi người dân phải ý thức rằng giữ cho mình là giữ cho gia đình, cộng đồng, địa phương. Trong chống dịch Covid-19, ý thức tự giác là cực kỳ quan trọng. Truyền thông phải nói rõ chúng ta đang kiểm soát tốt nhưng đang có nguy cơ bước vào làn sóng thứ 2. Nếu không kiểm soát tốt có thể 2 tuần nữa số người phải điều trị sẽ cao bằng thời điểm ngày 30-3.
- Khi dịch quay lại phức tạp trong cộng đồng, TPHCM đã kích hoạt hệ thống phòng chống dịch ra sao?
* Ngay từ khi có thông tin về ca mắc tại Đà Nẵng, Ban chỉ đạo phòng chống dịch của TPHCM đã họp và có thông báo, quan sát, giám sát phát hiện kịp thời người từ Đà Nẵng về, khuyến cáo họ tự cách ly. Trong 2 tuần qua, TPHCM có hơn 10.000 người từ Đà Nẵng trở về được cách ly ở địa bàn dân cư, nếu có biểu hiện bệnh thì sẽ cách ly tập trung. TPHCM cũng đã tăng cường truyền thông đến người dân, đã xác định 3 ngày vừa qua phải đeo khẩu trang ra đường. Lượng khẩu trang dự trữ của TPHCM đủ cho nhu cầu trong nhiều tháng tới, cả khẩu trang vải và khẩu trang y tế cho người làm công tác y tế.
Một nhiệm vụ quan trọng sắp tới là phải tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT theo phương châm trường học an toàn. TPHCM cũng đã rà soát, xác định khách sạn đủ công suất sẵn sàng tiếp nhận chuyên gia nước ngoài đến cách ly trước khi về nơi làm việc. Nâng dần năng lực hệ thống cách ly này theo dự báo lượng chuyên gia về TPHCM, cùng với đó là nâng công suất cách ly của ngành y tế, quân đội, hiện đã rà soát và đủ công suất.
Trong tuần qua, TPHCM họp ban chỉ đạo 2 lần, yêu cầu 3 ngày/lần các sở, ngành, quận, huyện phải báo cáo, khi cần sẽ giao ban hàng ngày. Từ thực tiễn chống dịch của TPHCM, một điều cần được quan tâm là, nếu phát hiện người nước ngoài đi trên đường phải giám sát ngay. Nếu họ không có hồ sơ nhập cảnh phải đưa đi cách ly, rồi phải điều tra nơi ở đêm hôm trước để làm vệ sinh dịch tễ, khoanh vùng cục bộ. Điều này ở nhiều địa phương làm chậm, phát hiện ra họ, đưa họ đi cách ly nhưng không truy soát hành trình trước đó, dẫn đến khó khăn cho công tác truy vết sau này.
Có một điều đáng lưu ý là hiện đang có thông tin virus SARS-CoV-2 không hẳn lây qua giọt bắn, mà là lây qua không khí, vì vậy cần phải bảo đảm không gian thông thoáng. Cần nghiên cứu kỹ thông tin này để tăng cường thông gió. TPHCM đã giao Sở Y tế TP nghiên cứu kỹ để khuyến cáo tới người dân, điều đó càng cho thấy tầm quan trọng của việc đeo khẩu trang.
- Xin cảm ơn đồng chí!