(SGGP).- Đây là phát biểu chỉ đạo của đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM tại buổi làm việc với Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) về tình hình hoạt động và định hướng phát triển đến năm 2020, những đề xuất, kiến nghị thúc đẩy phát triển thị trường bán lẻ trong nước vào chiều 3-8.
Theo đó, đến năm 2020 Saigon Co.op phải nâng vốn điều lệ lên hơn 1 triệu USD, đồng thời là một HTX kiểu mới, là tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Việt Nam và trong khu vực, là đơn vị trụ cột, góp phần thúc đẩy kinh tế thành phố. Để đạt được mục tiêu này, thành phố sẽ tiếp tục kiến nghị trung ương cho phép Saigon Co.op là đơn vị thí điểm tham gia huy động các nguồn vốn, với giá trị lớn, đáp ứng tốt nhất giai đoạn nước rút về phát triển mạng lưới phân phối nhằm chiếm lĩnh thị trường.
Người tiêu dùng chọn mua các loại trái cây tại siêu thị Co.opmart
Tại buổi làm việc, đồng chí Đinh La Thăng đặt ra nhiều vấn đề đối với Saigon Co.op như mô hình HTX của Saigon Co.op có gì giống và khác so với mô hình HTX của các tỉnh, thành; Đảng ủy Saigon Co.op đã quán triệt Nghị quyết TW 05 ra sao? Trong bối cảnh tỷ trọng doanh thu từ doanh nghiệp bán lẻ trong nước giảm so với doanh nghiệp FDI, Saigon Co.op đã phát triển hết tiềm năng, thế mạnh hay chưa? Làm sao để phát triển và nhân rộng mô hình kinh tế HTX cho TPHCM và cả nước? Làm gì để giảm tỷ trọng bán lẻ truyền thống xuống và nâng tỷ trọng hiện đại lên?...
Ông Diệp Dũng, Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op cho rằng, sở dĩ Saigon Co.op phát triển được như hiện nay là nhờ sự quan tâm của nhiều thế hệ lãnh đạo thành phố, nhưng điều quan trọng là tự thân Saigon Co.op nắm bắt đúng thời điểm để đầu tư, phát triển mạng lưới, cộng với tầm nhìn nhất quán trong kinh doanh và xây dựng thương hiệu. Khó khăn hiện nay là do hoạt động theo mô hình HTX nên việc đầu tư ra nước ngoài không vượt quá 50% vốn điều lệ, nên đành phải bỏ dở một số dự án. Mặt khác, do quy định HTX chỉ có thể huy động vốn từ xã viên và các HTX, nên Saigon Co.op không thể tham gia huy động vốn từ nhiều nguồn lực để tập trung phát triển mạng lưới. Những vấn đề này, Saigon Co.op đã nhiều lần kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật HTX nhưng đến nay chưa có kết quả.
Về kế hoạch chiếm lĩnh thị trường, Saigon Co.op cũng đang làm việc với các sở, ngành chức năng để cùng đầu tư nâng cấp các chợ truyền thống, các cửa hàng tạp hóa. Theo đó, tiểu thương, các hộ kinh doanh có thể trở thành xã viên của Saigon Co.op, ngược lại Saigon Co.op sẽ là nhà cung cấp hàng hóa có chất lượng cho tiểu thương; phối hợp với hội phụ nữ để hình thành ngày càng nhiều các cửa hàng Co.op. Mặt khác, Saigon Co.op cũng tăng cường hợp tác với các đối tác trong nước và nước ngoài để đa dạng hóa mô hình kinh doanh, trong đó có cả hoạt động bán sỉ…
Theo đồng chí Đinh La Thăng, thương hiệu Saigon Co.op với chuỗi siêu thị Co.opmart đã được khẳng định, tạo được sự tín nhiệm với nhiều người tiêu dùng trong nước. Đây cũng là HTX kiểu mẫu của kinh tế tập thể, một trong những thành phần kinh tế trụ cột của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Về định hướng phát triển, đồng chí Đinh La Thăng cho rằng, Saigon Co.op phải xây dựng chiến lược thật cụ thể, chi tiết, cả về cơ chế, chính sách, vốn gắn với thực tế phát triển của kinh tế thành phố. Trong chiến lược đó, phải tính đến việc phát triển trong khu vực vùng TPHCM, chứ không chỉ riêng thành phố. Với mục tiêu và khát vọng của mình, không thể chấp nhận tỷ trọng bán lẻ của doanh nghiệp trong nước ngày càng giảm. Saigon Co.op nói riêng, doanh nghiệp trong nước nói chung phải chạy với tốc lực cao mới có thể thắng trong hội nhập, còn chậm hoặc dừng lại là thua ngay. Đồng chí Đinh La Thăng tin tưởng, nếu thực hiện tốt, Saigon Co.op có thể thắng trên sân nhà, là thương hiệu hàng đầu trong nước và vươn ra thế giới.
Thúy Hải