Biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng mạnh đến phát triển đô thị

Theo Bộ Xây dựng, hiện nước ta có 772 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa đạt 33,9%, dân số tập trung đông nhất tại vùng đồng bằng sông Hồng (chiếm 22,78% dân số), vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung (chiếm 21,58% dân số).

Theo Bộ Xây dựng, hiện nước ta có 772 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa đạt 33,9%, dân số tập trung đông nhất tại vùng đồng bằng sông Hồng (chiếm 22,78% dân số), vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung (chiếm 21,58% dân số).

Theo dự kiến, đến năm 2015 sẽ có khoảng 840 đô thị, 70 đô thị mới. Việc Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động lớn nhất do thiên tai, bão lũ trên thế giới với khoảng 70% dân số sẽ phải đối mặt với những rủi ro của biến đổi khí hậu (BĐKH) thì tốc độ phát triển đô thị tại Việt Nam hiện nay đang là một thách thức đối với việc làm thế nào để các đô thị Việt Nam thích ứng được với BĐKH.

Kịch bản tác động của BĐKH đến hệ thống đô thị Việt Nam và tác động của nước biển dâng thì sẽ có khoảng 39% diện tích, 35% dân số vùng đồng bằng sông Cửu Long; trên 10% diện tích, 9% dân số vùng đồng bằng sông Hồng và Quảng Ninh; trên 2,5% diện tích, 9% dân số các tỉnh ven biển miền Trung có nguy cơ chịu ảnh hưởng của nước biển dâng. Nhất là các vùng kinh tế trọng điểm, các vùng đô thị lớn, các khu kinh tế tổng hợp đóng vai trò là cực tăng trưởng chủ đạo cấp quốc gia và cấp vùng đang được tập trung đầu tư lớn về cơ sở sản xuất, hạ tầng kỹ thuật, nhà ở… được cảnh báo sẽ chịu ảnh hưởng nặng từ BĐKH.

Có thể kể đến những khu vực đô thị có nguy cơ ngập lụt cao như vùng đồng bằng sông Hồng, với 141 đô thị thuộc 11 tỉnh, thành, dự kiến 5 tỉnh, thành có nguy cơ ngập cao là Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Quảng Ninh. Vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung hiện có 190 đô thị thuộc 14 tỉnh. Theo kịch bản BĐKH, dự kiến toàn bộ 14 tỉnh có nguy cơ ngập lụt, có 41 đô thị có nguy cơ ngập cao, trong đó có các đô thị lớn như Vinh, Huế, Đà Nẵng… Riêng khu vực Đông Nam bộ, dù chỉ có 55 đô thị (thấp nhất so với các vùng trên cả nước) nhưng tỷ lệ đô thị hóa lại là 62%. Với 6 tỉnh, thành hiện có 52 đô thị, dự tính đến 2015 phát triển thành 66 đô thị và dự kiến có 73 đô thị vào năm 2020. Vùng ĐBSCL với 63 đô thị có nguy cơ ngập cao ở các đô thị lớn như Cần Thơ, Cà Mau, Rạch Giá.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng phân chia nhóm đô thị có nguy cơ ngập lụt cao theo vị trí đặc thù. Đó là các tỉnh, thành ven biển, ven sông, các khu vực đô thị đồng bằng có nguy cơ ngập lụt, nước biển dâng, triều cường, mất đất, nhiễm mặn nguồn nước. Dự báo sẽ có khoảng 40 tỉnh với khoảng 128 đô thị có nguy cơ ngập cao, trong đó có 24 đô thị thuộc 15 tỉnh có nguy cơ ngập nặng đến rất nặng, trong đó có các tỉnh, thành phố như Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Hà Tĩnh, Hội An, Vũng Tàu, Vị Thanh, Cà Mau, TPHCM…

Ngoài ra, không chỉ là nguy cơ ngập úng, mà BĐKH còn gây mưa lớn, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tác động nhiều nhất đến phát triển hệ thống đô thị vùng núi phía Bắc, Tây Nguyên và miền Trung. Nhận diện trên 29 tỉnh thuộc các vùng trung du và miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam bộ với khoảng 143 đô thị chịu ảnh hưởng, trong đó có 17 đô thị lớn, trung bình.

Hải Ngọc - Châu Tuấn

Tin cùng chuyên mục