TPHCM là một đô thị lớn, sôi động, kinh tế phát triển nhanh cùng với tăng trưởng dân số và sự ra đời của nhiều doanh nghiệp (DN). TPHCM đang tiếp tục mở rộng nhanh chóng ra các khu vực ngoại vi trung tâm và mật độ đô thị ngày càng tăng.
Việc gia tăng áp lực đối với không gian xây dựng đô thị dẫn tới các khu vực đất để xây dựng các không gian xanh và hệ thống nước tự nhiên cũng bị cắt giảm. Do hệ thống nước tự nhiên và thảm thực vật tự nhiên bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa nên ngập lụt xảy ra thường xuyên hơn do lượng mưa và dòng chảy của sông cao.
Song song với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, hai vấn đề cũng đồng thời xảy ra tuy chậm hơn nhưng đang dần tác động tới sự phát triển tương lai của TP. Trước hết là biến đổi khí hậu (BĐKH) dẫn đến nhiệt độ trung bình tăng lên, đặc biệt tại khu vực đô thị lõi của TP, và mực nước biển dâng lên. Kế tiếp là hiện tượng lún sụt xảy ra tại nhiều khu vực trong TP ảnh hưởng tới các công trình xây dựng và làm sâu sắc thêm hiện tượng ngập lụt do mưa lớn, triều cường. BĐKH sẽ ảnh hưởng bất lợi tới TPHCM trong những thập kỷ tới.
Lượng mưa được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong mùa khô và tăng lên trong mùa mưa. Nhiệt độ trung bình được dự báo sẽ tăng thêm 10C cho đến năm 2020 và tăng lên 2,60C cho đến năm 2100. Mực nước biển dự kiến sẽ tăng 30cm cho đến năm 2050 và tiếp tục tăng lên khoảng từ 65cm đến 100cm vào năm 2100. Những tác động của BĐKH sẽ đe dọa TPHCM. Cụ thể, hiện tượng tăng nhiệt độ dẫn đến tình trạng nhiệt độ trung tâm TP cao hơn so với vùng ngoại vi, nông thôn và suy giảm chất lượng không khí và nước. Thay đổi chế độ mưa và lượng mưa dẫn đến hiện tượng ngập lụt sẽ ngày càng thường xuyên trong mùa mưa, thiếu nước trong mùa khô. Thay đổi dòng chảy của hệ thống sông ngòi dẫn đến sự gia tăng tần suất vỡ bờ bao và lũ lụt. Mực nước biển dâng dẫn đến nguy cơ ngập lụt và nhiễm mặn tăng lên.
Trong các tác động này, cần nghiên cứu và đánh giá đầy đủ về hiệu ứng đảo nhiệt. Có thể hiểu đảo nhiệt đô thị là hiện tượng nóng lên ở khu vực trung tâm của TP hay sự chênh lệch giữa nhiệt độ của đô thị lõi và với khu vực ngoại ô, nông thôn xung quanh. Các yếu tố ảnh hưởng tới hòn đảo nhiệt đô thị gồm hiện tượng bức xạ nhiệt; ánh sáng mặt trời khi chiếu xuống mặt đất vừa diễn ra quá trình hấp thu nhiệt và quá trình bức xạ nhiệt tạo ra năng lượng bức xạ nhiệt trực tiếp và năng lượng bức xạ khuếch tán.
Kết hợp với hiệu ứng khí nhà kính, khu vực đô thị trung tâm được bê tông hóa sẽ có nhiệt độ tăng cao hơn so với khu vực ngoại vi nông thôn. Hiện TPHCM có gần 500.000 ô tô các loại, trên 6 triệu xe gắn máy các loại và khoảng 1.300 xe buýt, trên 5.000 xe phương tiện giao thông cơ giới. Lượng nhiên liệu dùng cho giao thông mỗi ngày được đốt cháy và một phần nhiệt năng trực tiếp thải vào không khí với nhiệt độ của lượng khí thải tại đầu ống thải đều trên 1000C.
Một đô thị đông dân với dân số từ 5 - 8 triệu người trở lên, quá trình tiêu thụ năng lượng sẽ càng cao thường tạo ra nhiệt độ trung bình cao hơn so với vùng nông thôn ngoại vi từ 7 - 80C. Để hạn chế hiệu ứng hòn đảo nhiệt đô thị, chúng ta cần xây dựng đô thị xanh và môi trường xung quanh nhằm từng bước tăng diện tích cây xanh tính trên đầu người.
Hạn chế khu vực đất trống bằng cách trồng thảm cỏ, xây dựng đại lộ với hàng cây xanh, thảm cỏ, tạo các dòng kênh xanh trong TP và hình thành vành đai xanh của TP từ nội ô đô thị ra tới ngoại vi nông thôn. Quy hoạch và phát triển hệ thống giao thông công cộng, đặc biệt là hệ thống xe buýt sử dụng xăng dầu sang dùng khí CNG, đẩy mạnh việc nghiên cứu và sử dụng xăng sinh học với lộ trình hợp lý để giảm thiểu dần lượng khí thải từ giao thông gây hiệu ứng khí nhà kính.
Việc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn năng lượng với việc từng bước giảm mật độ dân cư tại đô thị trung tâm ra các đô thị vệ tinh được kết nối bằng các phương tiện giao thông công cộng như tàu điện ngầm, xe điện. Việc hình thành các công viên với hồ điều tiết và các đài phun nước cũng sẽ góp phần cải thiện khí hậu các tiểu khu vực trong đô thị trung tâm.
NGUYỄN VĂN CHIẾN
(Văn phòng Thích ứng với BĐKH TPHCM)