
Biến đổi khí hậu (BĐKH) đã được xác định là một trong những mối đe dọa đến sự tồn vong của loài người, do đó các nhà khoa học đã không ngừng nghiên cứu, xây dựng mô hình xác định nguyên nhân và dự báo diễn tiến của BĐKH. Trong báo cáo năm 2013, Ủy ban Liên chính phủ về BĐKH (IPCC) đã xác định hoạt động con người là nguyên nhân chính (95%) gây ra BĐKH toàn cầu.
Chất thải rắn sinh hoạt phát sinh khí nhà kính
Tại các đô thị như TPHCM, các chất thải chính phát sinh bao gồm chất thải rắn sinh hoạt, chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại, chất thải y tế, chất thải rắn xây dựng, bùn thải. Trong các loại chất thải nói trên, chất thải rắn sinh hoạt có khối lượng phát sinh lớn nhất và là nguồn phát sinh khí nhà kính chính (nguyên nhân chính gây BĐKH). Nguồn phát thải khí nhà kính của hệ thống quản lý chất thải rắn sinh hoạt TP chủ yếu phát sinh từ quá trình xử lý chất thải. Xác định và tính toán các nguồn phát thải khí nhà kính trong quản lý chất thải theo hướng dẫn của IPCC và hỗ trợ từ GEC - Trung tâm môi trường toàn cầu Nhật Bản, tổng lượng phát thải khí nhà kính từ quá trình xử lý chất thải rắn trên địa bàn TP trong năm 2013 là khoảng 800 tấn CO2td (CO2 tương đương) từ khí metan sinh ra từ bãi chôn lấp, từ khí metan và NO2 sinh ra từ quá trình làm compost, từ quá trình đốt chất thải không thu hồi năng lượng. Tuy nhiên lượng phát thải này chỉ mới tính đến lượng phát thải thực tế từ bãi chôn lấp, trong khi các bãi chôn lấp của TP sẽ còn phát thải trong 15 năm thậm chí 20 năm sau khi ngưng chôn lấp. Nếu tính toán trên tổng lượng chất thải được xử lý năm 2013 thì tổng lượng phát thải khí nhà kính khoảng 2,5 triệu tấn CO2td trong trường hợp xấu nhất là không có bất kỳ giải pháp nào được áp dụng đặc biệt là tại các bãi chôn lấp.

Chất thải rắn sinh hoạt là nguồn phát sinh khí nhà kính lớn nhất, nguyên nhân chính gây BĐKH. (Trong ảnh: Bạn trẻ làm ra những vật dụng có ích từ các loại phế liệu). Ảnh: HUY LÊ
Quản lý chất thải ứng phó với BĐKH trên thế giới đang đi theo quan điểm xem chất thải là tài nguyên, nhằm hướng tới mục tiêu “không chất thải”, tức là tăng cường tái chế và thu hồi năng lượng từ chất thải bằng những công nghệ mới và có hiệu quả như thu hồi khí bãi chôn lấp, ủ kỵ khí thu khí phát điện, đốt chất thải phát điện, khí hóa chất thải, tái chế cao su, nylon, nhựa thành dầu, sản xuất compost…
Tuy nhiên, công nghệ xử lý chất thải hiện nay của thành phố chưa ứng dụng công nghệ thu hồi năng lượng, mà chỉ mới áp dụng công nghệ compost. Với lượng chất thải rắn phát sinh khoảng 7.000 tấn/ngày và công nghệ xử lý chủ yếu là chôn lấp như hiện nay, TP đang lãng phí một lượng lớn “tài nguyên chất thải” là nguồn cung cấp nguyên liệu và năng lượng xanh cho sản xuất. Nếu TP có thể áp dụng các công nghệ có hiệu quả cao không chỉ giảm phát thải khí nhà kính mà còn biến lượng chất thải này thành một nguồn nguyên liệu có giá trị, đặc biệt là đối với chất thải thực phẩm (chiếm khoảng 80% khối lượng chất thải rắn đến công trường xử lý). Đối với chất thải thực phẩm, công nghệ xử lý hiệu quả nhất được biết đến hiện nay là công nghệ ủ kỵ khí sinh khí đốt phát điện, với hiệu quả phát điện ước tính khoảng 160 kW điện/tấn chất thải xử lý (nguồn Bộ Tài nguyên và Môi trường), nếu lượng chất thải thực phẩm của TP được xử lý hết mỗi ngày TP sẽ có thêm 6,5 MW/ngày, tương đương với lượng điện sử dụng của khoảng 500 hộ gia đình. Bên cạnh đó, để xử lý các loại chất thải có nhiệt lượng cao, công nghệ đốt chất thải phát điện cũng đang được cân nhắc xem xét áp dụng tại thành phố nhằm thu hồi năng lượng từ chất thải.
Giảm thiểu và phân loại tại nguồn
Dưới tác động của BĐKH, quỹ đất của TP sẽ bị thu hẹp đặc biệt là các khu vực an toàn ít bị ảnh hưởng của ngập lụt. Trong khi chất thải của TP sẽ vẫn tiếp tục tăng theo tốc độ tăng trưởng kinh tế và dân số, ước tính đến năm 2030, tổng lượng chất thải rắn phát sinh khoảng hơn 10.000 tấn/ngày sẽ gây thêm áp lực cho quỹ đất của TP. Các công nghệ biến chất thải thành tài nguyên đã được áp dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới từ những công nghệ phức tạp như khí hóa và đốt chất thải phát điện, đến những công nghệ đơn giản như compost, ủ kỵ khí sinh khí phát điện. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng chưa có một cơ chế hỗ trợ cụ thể, rõ ràng cho các công nghệ này, đặc biệt là việc kinh doanh tín chỉ carbon giảm phát thải để nâng cao tính khả thi về mặt kinh tế cho các dự án xử lý chất thải theo công nghệ mới giảm phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, dù áp dụng theo bất kỳ công nghệ nào thì việc giảm thiểu chất thải và phân loại chất thải rắn tại nguồn cũng là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu. Các giải pháp này là các giải pháp ít tốn kém mà đem lại hiệu quả cao nhưng sự thành công lại phụ thuộc vào sự tham gia và nhận thức của cộng đồng, do đó đòi hỏi việc triển khai đồng bộ, phù hợp và lâu dài các chương trình nâng cao nhận thức cộng đồng, đặc biệt là các phương tiện truyền thông đại chúng.
Hiện nay, TPHCM đã triển khai một số chương trình nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng để giảm thiểu chất thải phát sinh như chương trình giảm thiểu sử dụng túi nylon, chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn… Việc chủ động và tích cực tham gia của người dân như sử dụng sản phẩm hợp lý, ưu tiên các sản phẩm xanh ít phát thải, giảm lượng thức ăn thừa, tái sử dụng các loại bao bì… sẽ là đóng góp lớn để giảm chất thải phát sinh, đồng thời cũng là giảm phát thải khí nhà kính nhằm ứng phó với BĐKH.
KIM NGÂN
(Văn phòng Biến đổi khí hậu TPHCM)