Đây là một trong những hoạt động do Phòng GD-ĐT quận 3 phối hợp với Trường Đại học Sư phạm TPHCM tổ chức nhằm kịp thời cung cấp kiến thức cũng như những hiểu biết về tâm lý, qua đó giúp đội ngũ các thầy, cô giáo có giải pháp đồng hành cùng học sinh trong mùa dịch.
Mở đầu buổi tập huấn, ThS. Nguyễn Thị Diễm My, giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm TPHCM phân tích những cảm xúc thường gặp ở trẻ khi có người thân mất do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Theo đó, những cảm xúc trẻ có thể gặp phải ở giai đoạn đầu khi mất đi người thân gồm: buồn bã, tức giận, thất vọng, tội lỗi, bất an, lo âu, cô đơn, mệt mỏi, bơ phờ. Trong đó, có trẻ khóc để thể hiện cảm xúc buồn bã, có trẻ không khóc.
Ở giai đoạn này, các em cần thời gian nhất định để hồi phục. Thầy, cô không nên cố động viên bằng những lời an ủi như “Con đừng buồn nữa", "Con hãy vui lên đi” mà thay vào đó cần nói những lời thông cảm, chia sẻ, thấu hiểu cho nỗi đau và sự mất mát của trẻ.
Một số trẻ sẽ có cảm xúc tức giận, dằn vặt bản thân vì mình không giúp gì được cho cha mẹ, lo lắng về tương lai sau này ai sẽ đưa con đi học, ai sẽ ôm con ngủ, cuộc sống của con rồi sẽ thế nào... Tâm lý bất an kéo dài sẽ dẫn đến những ảnh hưởng về mặt sinh lý như trẻ mệt mỏi, bơ phờ.
Giai đoạn đầu này có thể diễn ra trong thời gian ngắn đối với một số trẻ nhưng có thể kéo dài ở một số trẻ khác. Nếu kịp thời được giáo viên nâng đỡ, trẻ sẽ hồi phục. Ngược lại, nếu không thể hồi phục, trẻ sẽ chuyển qua giai đoạn sau là rối loạn về tâm lý ở các mức độ từ nhẹ đến nặng.
Ở giai đoạn này, hình ảnh cha mẹ xuất hiện và lặp đi lặp lại nhiều lần trong trí nhớ khiến trẻ không thể tập trung vào các hoạt động khác, thường xuyên gặp ác mộng khi ngủ khiến trẻ kiệt sức, có cảm giác như sự việc đau buồn được lặp lại trên thực tế khiến trẻ cảm thấy sợ hãi, hoảng loạn, cơ thể có phản ứng sinh lý mạnh mẽ khi tiếp xúc với tác nhân gợi nhớ đến cha mẹ.
Từ đó, trẻ nảy sinh hành vi né tránh những tình huống, hoạt động, đia điểm, những người kích thích nhớ lại sự việc cha mẹ qua đời, thay đổi tiêu cực về niềm tin và cảm xúc, không còn cảm giác được yêu thương và niềm tin về tương lai trở nên mơ hồ, có suy nghĩ rằng thế giới này hoàn toàn nguy hiểm và không thể tin tưởng ai dẫn đến các cảm xúc tuyệt vọng, trầm cảm, mặc cảm tội lỗi…
Ở một số trường hợp, trẻ có xu hướng tìm kiếm kích thích bên ngoài để xoa dịu nỗi đau bên trong như lạm dụng chất gây nghiện, rượu, bia, thuốc an thần, tự xâm hại bản thân, thậm chí tự tử để trốn tránh nỗi đau buồn, nhạy cảm quá mức với các kích thích bên ngoài, dễ cáu kỉnh, có các cơn giận bùng nổ, cảnh giác quá mức với mọi thứ xung quanh...
ThS. Nguyễn Thị Diễm My cho biết, có trẻ có khả năng tự phục hồi, song cũng có trẻ cần sự hỗ trợ nhiều hơn từ giáo viên và người thân. Qua đó cho thấy, ảnh hưởng của dịch Covid-19 không phải yếu tố quyết định việc có gây tổn thương tâm lý cho trẻ hay không mà quan trọng hơn là khả năng nội tại thông qua trải nghiệm mang tính chủ quan của trẻ sẽ quyết định các em có vượt qua được hay không.
Theo PGS.TS Đinh Đức Hợi, TPHCM hiện có hơn 1.500 trẻ mồ côi do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong đó có hơn 600 học sinh tiểu học, 700 học sinh THCS và hơn 200 đối tượng khác. Những ảnh hưởng đó đã và đang đặt ra cho ngành giáo dục một thử thách lớn trong việc đồng hành và giáo dục các em.
Chuyên gia này phân tích, hỗ trợ học sinh chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh không chỉ là nhiệm vụ của giáo viên mà là trách nhiệm chung của cả xã hội nhưng trong đó giáo viên chiếm vai trò đặc biệt quan trọng.
Trong việc đồng hành cùng trẻ, giáo viên phải đảm bảo 4 nguyên tắc gồm: nguyên tắc bảo mật, nguyên tắc tôn trọng, nguyên tắc lâu dài và nguyên tắc phối hợp.
Ở nguyên tắc bảo mật, giáo viên phải bảo mật thông tin cá nhân của học sinh, thông tin về hoàn cảnh gia đình các em cũng như những cuộc tiếp xúc riêng giữa giáo viên và học sinh.
Với nguyên tắc tôn trọng, giáo viên cần biết lắng nghe, đồng cảm và chia sẻ, cho phép trẻ được khóc, không ngăn cản trẻ nhớ về cha mẹ, không bắt trẻ phải vui lên mà nên đồng hành, chia sẻ nỗi đau với trẻ.
Với nguyên tắc lâu dài, giáo viên cần xác định việc nâng đỡ tâm lý cho học sinh là việc làm lâu dài, không thể trong một sớm một chiều, đòi hỏi sự kiên trì chờ đợi đến khi học sinh cảm thấy an toàn và sẵn sàng chia sẻ. Trong nhiều trường hợp, việc hỗ trợ phải chuyển tiếp qua các cấp học tiếp theo.
Ở nguyên tắc phối hợp, quá trình hỗ trợ học sinh cần sự phối hợp, đồng hành của phụ huynh hoặc người thân trong gia đình các em bởi đây là những người có thời gian bên cạnh các em nhiều nhất.
Thêm vào đó, việc nâng đỡ tâm lý cho trẻ cần thực hiện song song với việc nâng đỡ tâm lý cho phụ huynh (vợ mất chồng, chồng mất vợ) bởi tâm lý của cha mẹ sẽ ảnh hưởng rất lớn tâm lý của trẻ.
Việc hỗ trợ học sinh có thể phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội, cá nhân khác để hỗ trợ học sinh trong hoàn cảnh phù hợp. Tuy nhiên, việc phối hợp với các tổ chức, cá nhân khác cần đảm bảo tính bảo mật thông tin cho học sinh, không ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của các em.