Biện pháp tu từ

Một nhà băng bảo “Sẽ vận dụng linh hoạt gói hỗ trợ ưu đãi lãi suất 6%”. Cái này phải “dịch” ra sao?

Một nhà băng bảo “Sẽ vận dụng linh hoạt gói hỗ trợ ưu đãi lãi suất 6%”. Cái này phải “dịch” ra sao?

– Phải tùy ngữ cảnh mới dịch đúng. Nhưng nếu nói về tỷ lệ phân bổ nguồn vốn, thì phải hiểu đó là sự… co giãn. Theo quy định của nhà băng cấp trên, sẽ có tối đa 30% gói vốn vay ưu đãi dành cho doanh nghiệp, còn 70% dành cho người mua nhà vay. Nhưng linh hoạt có nghĩa là tới nhà băng ở dưới, tỷ lệ này có thể là 4-6, hoặc 5-5 chưa biết chừng.

– Vì sao?

– Bởi đâu có gì đảm bảo cho tỷ lệ 3/7 được thực hiện? Thủ tục cho người mua nhà vay ngặt đủ kiểu, thế nào phần vốn đó cũng dư. Thế là nước cứ “linh hoạt” chảy về chỗ “trũng”!

– Là ra vậy. Dịch câu này nữa coi: “Chênh lệch thu chi lũy kế của toàn hệ thống ngân hàng năm 2012 chỉ bằng 40% năm 2011”?

– Nghĩa của câu đó là “mức lãi của hệ thống ngân hàng năm 2012 chỉ bằng 40% so với năm trước”. Người ta phải chế tạo ra cái cụm từ “chênh lệch thu chi âm - dương”, để thay cho lỗ - lãi. Bởi khi kinh tế khó ngặt, cứ báo cáo rằng nhà băng lãi nhiều quá, sợ… phản cảm!

– À, nhớ rồi, doanh nghiệp còng lưng vay, còn nhà băng cười khoe lãi lớn. Nhưng thay từ ngữ, đâu có thay được bổn chất vấn đề?

– Cái này thì đoán mò thôi: trong các biện pháp, luôn rất cần biện pháp… tu từ!

TƯ QUÉO

Tin cùng chuyên mục