Tại TPHCM, những chiêu trò giả bệnh, lê lết tại các tuyến đường, ngõ chợ, cổng chùa… không còn lấy được lòng thương hại của người dân. Nay, dân ăn xin chuyên nghiệp đã dùng những chiêu mới, giả vờ người lương thiện nhất thời lâm cảnh khó và các kiểu xin xỏ mới, tinh vi hơn.
Kịch bản lâm nạn giữa đường
Nhận được thông tin của bạn đọc qua đường dây nóng Báo SGGP về việc xuất hiện một số đối tượng giả bộ xe hết xăng để xin tiền người đi đường, chúng tôi đã có mặt tại tuyến đường Lê Thánh Tôn (quận 1) để xác minh. Chỉ qua 3 ngày quan sát, chúng tôi đã 2 lần bắt gặp một cặp nam nữ dắt xe gắn máy (biển số mờ 3197) trên đường Lê Thánh Tôn và Lý Tự Trọng liên tiếp xin tiền những người qua đường bằng cách kể tình cảnh xe hết xăng trong khi lỡ đường không mang tiền. Vì thấy số tiền không đáng kể, lại giúp được người gặp cảnh khó giữa đường, nên nhiều người sẵn sàng giúp.
Qua quan sát, mỗi ngày, cặp đôi này xin được vài trăm ngàn đồng. Họ thường chọn những đoạn đường không có trạm xăng để xin tiền. Tại trạm xăng trên đường Võ Thị Sáu (gần ngã 3 Võ Thị Sáu – Đinh Tiên Hoàng, quận 1) chúng tôi cũng bắt gặp một người đàn ông đi xe Dream màu tím thường xuyên xin tiền của những người ghé vào đổ xăng với tình cảnh lỡ đường hết tiền, hết xăng.
Một nhóm sinh viên Trường Đại học Ngoại thương phản ánh về việc một người đàn ông tên gọi Ba Toàn, trọ cùng xóm với họ trên đường Bùi Đình Túy (quận Bình Thạnh) đã chuyển từ kiếm sống lương thiện sang ăn xin có kịch bản. Vì sơ hở, ông này bị mất cắp xe đạp bán dạo đĩa phim và toàn bộ vốn liếng. Trong túi chỉ còn 15.000 đồng đủ mua 1kg gạo, ông Toàn đánh liều xin một sinh viên 2.000 đồng để mua thêm rau. Cậu sinh viên không đắn đo, giúp hẳn 5.000 đồng.
Thấy dễ kiếm tiền từ lòng hảo tâm của người khác, ông lại tiếp tục xin tiền nhiều người khác. Gần một năm nay, với chiêu thức cầm bịch gạo trên tay, ông Ba Toàn chuyển hẳn sang nghề “xin tiền mua rau”. Dù bà con trong xóm trọ đã cùng quyên góp tiền mua xe đạp và giúp ít vốn để ông quay lại nghề bán đĩa dạo, nhưng chỉ được vài ngày ông lại bỏ để đi “xin tiền mua rau” khỏe hơn.
Gần đây, tại cổng các bệnh viện: Nhân dân 115, An Bình, Trung tâm Chẩn đoán Hòa Hảo…, xuất hiện những người khỏe mạnh nhưng lười lao động, chọn nghề đi xin với kịch bản bị mất cắp hết tiền bạc không thể chữa bệnh và về quê. Chúng tôi đã gặp một người đàn ông chừng 50 tuổi, cầm tấm phim chụp X quang để đi xin tiền những người đứng chờ khám bệnh tại Bệnh viện 115. Ông than với giọng mệt mỏi của người bệnh: “Chú thiếu 20.000 đồng tiền xe khách để về Cần Thơ mà không ai cho”.
Ông ta vừa quay ra thì cô bán nước gần đó nói: “Ông này chuyên tới các bệnh viện, giả dạng khám bệnh hết tiền về quê để xin tiền, cứ xoay vòng ba bốn hôm trở lại đây xin tiền một lần. Hôm trước tôi có việc đến Trung tâm Hòa Hảo, cũng thấy ổng xin tiền ở đó”. Nghe vậy, chúng tôi theo sau quan sát thì thấy sau khi lân la trong bệnh viện xin được tiền của một số người, ông này tiến về phía một phụ nữ ngồi đợi sẵn trên chiếc xe máy cách bệnh viện chừng 80m và cả hai lên xe chạy đi.
Lòng nhân ái bị tổn thương
Những kẻ ăn xin có kịch bản này kiếm tiền khá dễ, tự đưa ra số tiền muốn xin, lại không phải hóa trang lê lết dưới đường bẩn thỉu nên từ đó ngày càng có thêm nhiều kẻ lười biếng sử dụng các chiêu này để lừa gạt kiếm tiền. Đây là hành vi lừa đảo, tuy mức độ gây thiệt hại cho người bị lừa không lớn nhưng tạo ra hệ lụy thật đáng buồn: khiến lòng nhân ái, sự thương cảm, tinh thần lá lành đùm lá rách của người dân bị tổn thương. Cư dân thành thị ngày càng phải cảnh giác đến mức trở nên vô cảm khi thấy người gặp cảnh khó thật vì e lòng nhân ái của mình bị lợi dụng.
Trao đổi với PV Báo SGGP về nạn biến tướng ăn xin, ông Lê Chu Giang, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐTB-XH TPHCM), cho biết: “Năm 2012, sở đã thu gom khoảng 400 lượt người ăn xin để đưa vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội. So với năm 2009 thu gom 3.500 lượt người ăn xin, năm qua tình trạng ăn xin nhìn chung đã giảm. Tuy nhiên, nay lại xuất hiện các dạng ăn xin khác như đóng kịch xe hết xăng để xin tiền, hay giả bộ xin tiền đi xe đò… đã được sở chỉ đạo các phòng LĐTB-XH quận rà soát từng địa bàn. Nếu phát hiện trường hợp nào có dấu hiệu lừa gạt, sẽ khuyến cáo, làm việc với địa phương nơi đối tượng cư trú. Trường hợp tiếp tục tái phạm, sẽ đưa vào quản lý tập trung và dạy nghề tại các trung tâm”.
Cũng theo ông Lê Chu Giang, để giải quyết tình trạng ăn xin một cách căn cơ, Sở LĐTB-XH TPHCM cũng đã thành lập đường dây nóng với số điện thoại (08) 35533258 hoặc (08) 39320274 để người dân gọi đến khi phát hiện ăn xin. Phát tờ rơi, chuyển thông báo tới từng tổ dân phố về địa chỉ liên lạc của các phường - xã và 24 quận - huyện, đường dây nóng của Trung tâm Bảo trợ xã hội, Phòng Bảo trợ xã hội để người dân có nhiều nơi phản ánh khi bắt gặp ăn xin gây phản cảm. Sở sẽ tiếp tục đề nghị các phường rà soát những trạm xăng thường xảy ra tình trạng xin tiền và yêu cầu họ khuyến cáo với khách hàng. Nếu để tình trạng đó tiếp tục xảy ra, cơ quan chức năng sẽ làm việc với quản lý trạm xăng để giải quyết dứt điểm.
“Phải nói rằng vai trò của người dân trong việc xóa sổ nạn ăn xin vẫn là quan trọng nhất. Chúng tôi rất cần sự phối hợp của người dân” - ông Lê Chu Giang kêu gọi.
THU HƯỜNG