Biệt thự cổ - Di tích bất động hay di sản sống?

Toàn TPHCM hiện nay có hơn 1.300 biệt thự có từ thời Pháp, trong đó tập trung nhiều ở khu vực quận 1, 3, 5. Đa phần trong số đó có tuổi đời hơn 100 năm, với tuổi đời đó có thể xếp vào hạng công trình cổ.

Tuy nhiên, cách ứng xử với chúng như thế nào, xem ra các cơ quan chức năng, không chỉ ở TPHCM mà Hà Nội, Cần Thơ, Đà Lạt và một vài thành phố khác còn khá lúng túng. Thỉnh thoảng, báo chí lại phản ánh về việc biệt thự Pháp cổ ở chỗ này, chỗ nọ bị đập phá không thương tiếc, nhưng rồi biệt thự vẫn cứ bị đập. Lâu lâu, Hội đồng Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM nhận được dự án của một chủ nhà nào đó đề nghị được phá bỏ biệt thự để xây nhà kiểu mới. Song, chỉ có một số ít trường hợp đặc biệt trong số đó được chấp thuận và phần lớn các đề nghị bị khước từ với câu trả lời chung là chờ ban hành chính sách xem nên như thế nào.

Tuy nhiên, trên thực tế, dường như tất cả các biệt thự đã không còn giữ nguyên hiện trạng. Chúng được cho thuê làm nhà hàng, văn phòng công ty nên đã bị cải tạo, thay đổi chức năng, cấu trúc bị biến dạng, cơi nới, xây mới một số hạng mục, khoảng sân rộng (thường chiếm 60% diện tích khuôn viên) bị xây chèn và bê tông hóa. Một số biệt thự không cho thuê cũng bị xuống cấp, hư hỏng.

 Việc không cho phép người dân phá bỏ biệt thự cũ để xây mới nhằm đáp ứng nhu cầu của chủ nhà khiến cho họ rất bức xúc. Người dân đã bỏ ra hàng trăm, thậm chí hàng ngàn cây vàng mua nhà không chỉ để ở mà còn để kinh doanh. Hơn thế, từ năm 1975 đến nay, nhiều gia đình đã có thêm thành viên mới khi con cái lấy vợ lấy chồng rồi sinh con đẻ cháu. Họ cần chỗ ở đàng hoàng và thoải mái, trong khi biệt thự thấp tầng có sức chứa rất hạn chế. Chưa kể việc cùng một dãy biệt thự, có cái cho phép có cái không khiến bà còn cũng so bì, tâm tư.

Việc bảo tồn các công trình kiến trúc cổ (không phải là cũ) là cần thiết, nhưng cần cân nhắc thật kỹ trước khi ra các quyết định cuối cùng. Trước hết cần kiểm kê, phân loại tất cả các biệt thự, sau đó chọn một số biệt thự thật sự có giá trị về kiến trúc, có thể đại diện tiêu biểu cho một trường phái kiến trúc ở một giai đoạn lịch sử nào đó. Nếu chưa phải là đại diện thì ít nhất nó phải có những nét độc đáo và khác biệt với các công trình khác để giữ lại. Giá trị của một công trình xây dựng cổ không chỉ độc đáo về kiến trúc mà còn được nhân lên nếu nó gắn với các sự kiện chính trị. Các nhân vật lịch sử và hình tượng văn hóa (bản địa hay quốc tế) diễn ra trong khuôn viên của biệt thự đó, những công trình như thế nhất thiết phải giữ lại. Còn những biệt thự khác thuộc loại thường thường, không có gì đặc sắc thì giải phóng để bà con tự do xây dựng theo quy chuẩn quốc gia về nhà phố.

Với những biệt thự sau khi được chọn lựa kỹ càng để bảo tồn từ phía cơ quan chức năng thì cũng phải có cách ứng xử phù hợp. Nếu muốn giữ lại toàn vẹn kiểu như bảo tàng thì nhà nước bỏ tiền mua lại toàn bộ một biệt thự đơn lẻ hay một dãy liền kề theo cách thỏa thuận với chủ nhà rồi đưa vào hệ thống quản lý nhà nước theo quy định. Với những biệt thự có giá trị mà chủ sở hữu là tư nhân thì việc đưa vào danh mục bảo tồn, hay cao hơn là công nhận di sản các cấp (đặc biệt, quốc gia, tỉnh - thành) thì phải được sự đồng thuận của người dân. Bởi vì trong Luật Di sản văn hóa có quy định trong hồ sơ xếp hạng di tích phải có “đơn đề nghị được xếp hạng của cá nhân là chủ sở hữu”, tức là chủ nhà của biệt thự có đồng ý hay không. Nếu người dân không muốn mà cứ đưa tất cả các biệt thự tư nhân vào danh mục bảo tồn hay xếp hạng để không cho người dân thay đổi hiện trạng có vẻ không ổn, coi chừng vi phạm luật. Hơn nữa, Điều 32 của Hiến pháp năm 2013 cũng ghi rõ quyền sở hữu tư nhân về nhà ở được pháp luật bảo hộ. Do vậy, việc áp đặt chủ quan của người khác lên công dân là điều hết sức cẩn trọng.

Kinh nghiệm thành công ở các nước như Singapore, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản cho thấy, nhà nước muốn giữ lại một nhà dân, một công trình của cộng đồng (đình, chùa, miếu…) làm di sản kiến trúc, lịch sử - văn hóa thì đưa ngay công trình đó thành “di sản sống” (khác với di tích, chỉ được giữ nguyện trạng, không có bất cứ tác động nào làm thay đổi trạng thái như đã có). Lúc này, nhà nước bỏ toàn bộ chi phí hay một phần và hợp tác với chủ nhà để bảo tồn, trùng tu biệt thự, sau đó đưa vào khai thác thương mại hay sử dụng phục vụ mục đích văn hóa có thu phí. Một biệt thự cổ trở thành điểm tham quan trong một tour du lịch hay trở thành một bảo tàng, trong đó có các bộ sưu tập chuyên đề, thậm chí trở thành nhà hàng để cho khách vừa thưởng thức ẩm thực địa phương vừa tham quan các nét đắc sặc của kiến trúc và nghe, đọc những ký ức văn hóa, sự kiện đã từng diễn ra ở trong căn biệt thự đó. Như thế, biệt thự đã trở nên một thực thể “sống” theo 2 nghĩa, thứ nhất là lúc nào cũng ấm hơi người, vì có nhiều người tới lui, thứ hai là thực thể đó được sống vì nó được hòa vào dòng chảy kinh tế thị trường. Hơn nữa, chủ nhà và các thành viên trong gia đình có công ăn việc làm, có thu nhập tốt và một phần trong số tiền lời thu được từ bán vé, bán đồ lưu niệm, bán đồ ăn được trích ra cho việc bảo trì, tôn tạo di sản.

Rất nhiều thành phố trên thế giới làm điều này thành công không chỉ một vài tòa nhà đơn lẻ mà cả một quần thể như thành phố di sản văn hóa thế giới Penang (Malaysia). Ở Việt Nam cũng đã có những ví dụ tốt cho “Nhà nước và nhân dân cùng làm” với di sản tư nhân như ở Hội An. Khi người dân nhận thấy họ sẽ thu nhận được lợi ích kinh tế và lợi ích xã hội từ biệt thự mình sở hữu và từ các di sản cộng đồng thì họ sẽ vui vẻ hợp tác, còn không họ sẽ khổ vì di sản, như bà con ở làng cổ Đường Lâm làm đơn xin trả lại danh hiệu di sản là một trong nhiều ví dụ điển hình.

Đừng biến danh hiệu di sản thành vòng kim cô gây khó cho người dân.

Tin cùng chuyên mục