Tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII có rất nhiều câu chuyện xúc động về ý chí, nghị lực phi thường vượt khó để đạt tới thành công. Dù mỗi người một vị trí khác nhau, nhưng những gì họ đã làm, dù bình dị hay to lớn, đều có một ý nghĩa đặc biệt đối với sự phát triển chung của toàn xã hội.
Học Bác, hết mình phục vụ nhân dân
Năm nay đã 84 tuổi, sức khỏe cũng đã yếu đi nhiều, nhưng ở ông vẫn toát lên tác phong nhanh nhẹn, quyết liệt của một người lính. Ông là đại tá Nguyễn Hữu Lệ (cán bộ hưu trí xã Long Toàn, Duyên Hải, Trà Vinh). Điều mà ông học ở Bác lớn nhất là tinh thần hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Vì thế, ông đã tình nguyện hiến đất, góp tiền để làm đường, làm cầu, xây trụ sở ấp cho nhân dân. Ông đã hiến tặng 120m² đất để xây dựng trụ sở ấp cho bà con có chỗ sinh hoạt cộng đồng. Ông cũng đã hỗ trợ 40 triệu đồng để xây đường bê tông và cầu nhỏ cho bà con, đám nhỏ trong xóm đi lại được thuận lợi.
Việc hiến đất, làm đường của ông xuất phát từ đáy lòng, nhất là tình cảm ông dành cho những đứa trẻ làng quê. “Chúng phải đi học trên đường lầy lội, cực lắm, thương lắm”, ông tâm sự. Việc làm của ông nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của vợ và các con, dù những người con của ông, cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn, phải lao động vất vả, tay lấm chân bùn quanh năm. Thời trai trẻ, ông làm việc ở Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Trà Vinh, rồi làm ở Ban Nội chính tỉnh. Về hưu, ông tiếp tục tham gia hội cựu chiến binh và chỉ thực sự “nghỉ hưu” từ năm 2003, khi mà sức khỏe không còn dẻo dai nữa. Tuy thế, ông vẫn tham gia nhiều việc ở thôn ấp, vào tổ tự quản để góp phần giữ gìn bình yên cuộc sống của bà con. 84 tuổi đời, 60 năm tuổi Đảng, ông vẫn còn nguyên nhiệt huyết xung trận của một người lính. “Nếu dân còn cần, Nhà nước còn cần, tôi còn hiến đất, góp tiền, cống hiến hết sức mình”, ông nói.
Không chấp nhận cuộc sống quẩn quanh
Bà Chu Thị Mai (xã Quang Thanh, huyện Nguyên Bình, Cao Bằng) là đại diện duy nhất của dân tộc Dao Tiền vinh dự tham gia Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc. Có thể những thành tích của người phụ nữ dân tộc thiểu số này không “đình đám” như những đại biểu khác nhưng lại vô cùng ấn tượng, đặc biệt có ý nghĩa.
Bà kể, khi về làm dâu, không chấp nhận cuộc sống nghèo khó, quẩn quanh như bao người khác, bà đã làm được việc tưởng chừng không thể là cai nghiện thuốc phiện cho bố chồng. Sau đó, bà lao vào làm việc bằng mấy người khác, trồng lúa, trồng ngô, nuôi trâu, nuôi gà với mong ước cháy bỏng là thoát nghèo. Mong ước đó thành sự thật vào năm 1996. Từ đó đến nay gia đình có thu nhập ổn định 50 triệu đồng/năm, bà nhiều lần được tuyên dương vì thành tích xóa đói giảm nghèo.
Ở những tỉnh miền núi, đa phần tấm gương điển hình đều gắn với thành tích xóa đói giảm nghèo. Nhưng với bà Mai, bà trở thành người nổi tiếng ở huyện Nguyên Bình không chỉ vì dám… cả gan “bắt” bố chồng cai nghiện hay chuyện làm kinh tế giỏi, mà bà còn nổi danh vì thành tích vận động người dân kế hoạch hóa gia đình. “Ở vùng quê nghèo, người dân suốt đời quẩn quanh, tối tăm là do không biết làm kinh tế, lại sinh nhiều con. Tôi muốn thoát ra khỏi cảnh đó”, bà Mai tâm sự. Dám nghĩ, dám làm, bản thân bà sinh 2 con gái nhưng đã tiên phong đi đình sản. Bà tham gia công tác dân số, thành lập các tổ cộng tác viên dân số đến từng xóm để vận động bà con đình sản, thực hiện đúng việc chỉ có 1 - 2 con. Xã Quang Thanh nhiều năm nay không còn trường hợp nào sinh con thứ 3. Nhờ thế, cuộc sống của người dân nơi đây giờ đã khấm khá hơn rất nhiều, không còn cảnh mờ mịt như xưa.
Dũng cảm quên mình
Đại tá Nguyễn Xuân Thiêm, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Nghệ An là đại diện duy nhất của lực lượng vũ trang báo cáo thành tích tại đại hội lần này. Câu chuyện của ông, với những giờ phút cam go chiến đấu một mất một còn, sự mất mát càng khiến mọi người thấm thía hơn sự hy sinh của các chiến sĩ công an trong thời bình.
“Chỉ từ trong chiến đấu, chúng ta mới hiểu thêm đến tận cùng nghĩa tình đồng đội, mới hiểu hai từ đồng chí thiêng liêng khi nguy hiểm cận kề”, đại tá Thiêm tâm sự. Trận đánh trong chuyên án 526L sẽ còn làm ông nhớ mãi. “Rạng sáng ngày 26-5-2010, tôi cùng 9 chiến sĩ trẻ thực hiện kế hoạch phá chuyên án 526L, tại khu vực núi bản Cò Phào, xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương, Nghệ An. Khi chúng tôi đã quật ngã 3 tên cầm đầu, thu 1 quả lựu đạn, 1 súng AK và 2 bánh heroin, bất ngờ một nhóm đối tượng khác từ trên núi xả súng xuống đội hình chúng tôi nhằm giải thoát đồng bọn”, ông kể. Đại úy Nguyên Đức Cường, thượng sĩ Lê Viết Hùng bị trúng đạn khi đang vật lộn với tội phạm nhưng họ vẫn cắn răng chịu đựng để tước lựu đạn và ghì chặt đối tượng cho đến khi được đồng đội hỗ trợ. “Khi tôi ra lệnh phải nằm xuống để sơ cấp cứu, 2 đồng chí mới buông tay. 10 đồng chí vào trận, 3 đồng chí bị thương. Trận đánh lại diễn ra lúc 3 giờ sáng, giữa rừng sâu. Chúng tôi đã gọi tên nhau át cả tiếng súng. Hoàng Anh Tuấn, một trinh sát xuất sắc, lúc đó đã cố gọi tên: Cường ơi, Hùng ơi, Long ơi và nức nở khóc vì quá thương đồng đội. Khóc nhưng Tuấn vẫn xông lên bắn về phía hỏa lực địch. Còn Cường máu chảy đầm đìa nhưng vẫn bình thản nói: Chú ơi, chú cứ bình tĩnh mà chỉ đạo anh em, không được để đối tượng chạy thoát”, ông Thiêm xúc động nhớ lại.
Suốt 48 giờ ông đã không khóc, không hề chợp mắt, chỉ đến khi các chiến sĩ được cứu sống, ông mới òa khóc. Ông khóc vì khâm phục tinh thần chiến đấu dũng cảm của đồng đội mình, khóc vì giữa thời bình mà máu đồng đội vẫn đổ. Khóc vì mừng vui và vì máu của đồng đội ông đã đổ không uổng phí…
Lâm nguyên