Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với đồng chí Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương, xung quanh các vấn đề về trên.
Đồng chí TRẦN VĂN NAM: Trong nhiệm kỳ, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền, cùng sự đồng lòng của các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đạt được kết quả khá toàn diện. Ước tính đến cuối năm 2020 sẽ hoàn thành 16/18 chỉ tiêu nghị quyết đại hội đề ra, trong đó có 6 chỉ tiêu vượt, 10 chỉ tiêu đạt, 2 chỉ tiêu chưa hoàn thành (số bác sĩ/10.000 dân và số giường bệnh/10.000 dân). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 535.585 tỷ đồng, tăng bình quân 13,3%/năm, vốn ngân sách nhà nước chiếm 14,48%. Kinh tế duy trì mức tăng trưởng cao, bình quân 9,3%/năm; thu ngân sách tăng 11,2%/năm; chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tăng 9,64%/năm. Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện; trong đó, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trên 11 tỷ USD. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có gần 44.000 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đăng ký gần 380.000 tỷ đồng; thu hút gần 4.000 dự án FDI với tổng số vốn trên 34 tỷ USD từ 64 quốc gia và vùng lãnh thổ (chiếm 9,1% vốn FDI của cả nước và đứng thứ 2 cả nước về thu hút vốn FDI). Công tác quy hoạch, đầu tư phát triển đô thị được quan tâm; tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt 82%; chương trình xây dựng nông thôn mới về đích trước hơn 1 năm so với kế hoạch.
An sinh xã hội được đảm bảo, đời sống người dân từng bước được cải thiện và nâng cao, với thu nhập bình quân dự kiến đạt 155,7 triệu đồng vào cuối năm 2020; giải quyết việc làm hàng năm cho hơn 46.000 lao động; tỉnh nhiều năm liền không còn hộ nghèo theo tiêu chí của Trung ương. Tỉnh quan tâm đầu tư mới 92 công trình trường học, với tổng vốn gần 5.000 tỷ đồng, gồm 77 công trình vốn ngân sách với gần 4.500 tỷ đồng và 15 công trình xã hội hóa với trên 500 tỷ đồng, cùng 80 cơ sở giáo dục ngoài công lập do doanh nghiệp đầu tư.
- Bình Dương luôn nằm trong tốp đầu cả nước về thu hút đầu tư, vậy theo đồng chí, đâu là điểm nhấn trong lĩnh vực này?
Trong nhiệm kỳ này, Bình Dương tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư. Trước hết, tỉnh tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, kêu gọi đầu tư hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; đồng thời quan tâm phát triển mô hình nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động… Đặc biệt, Bình Dương đã chú trọng đổi mới mô hình phát triển, với việc hợp tác, triển khai Đề án xây dựng thành phố thông minh, chính thức gia nhập vào Hiệp hội Đô thị khoa học thế giới WTA và Diễn đàn cộng đồng thông minh thế giới (ICF)…
Trong thu hút đầu tư, ngày càng có sự chọn lọc kỹ hơn, ưu tiên thu hút các dự án sản xuất công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, dịch vụ chất lượng cao; hạn chế tối đa, dần đi đến chấm dứt thu hút các dự án có khả năng gây ô nhiễm môi trường và thâm dụng lao động. Đây chính là những giải pháp trọng tâm, có tác động mạnh mẽ đến thành công của tỉnh trong thu hút đầu tư thời gian qua, giúp Bình Dương đang trở thành điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
- Phát triển nhanh về kinh tế, Bình Dương có gặp phải các vấn đề xã hội như quá tải hạ tầng giao thông, trường lớp, bệnh viện… hay không? Và tỉnh đã quan tâm giải quyết các vấn đề này như thế nào?
Do kinh tế phát triển nhanh, nhất là về công nghiệp, tạo ra lưu lượng phương tiện vận tải rất lớn nên hạ tầng giao thông vẫn chưa theo kịp, còn xảy ra hiện tượng ùn tắc giao thông tại một số tuyến đường huyết mạch. Dân số cơ học tăng nhanh dẫn đến tình trạng quá tải hệ thống trường học và cơ sở y tế, tạo áp lực lớn cho việc giải quyết các vấn đề xã hội.
Trong nhiệm kỳ tới, tỉnh tiếp tục tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, cân đối ngân sách địa phương, tăng cường thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước. Tỉnh tiếp tục rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục; đầu tư trang bị cơ sở vật chất, bảo đảm chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo; xây dựng, phát triển ngành y tế từng bước hiện đại, đồng bộ từ tuyến tỉnh đến cơ sở; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đưa vào sử dụng bệnh viện đa khoa 1.500 giường; tiếp tục đầu tư xây dựng các công viên, hoa viên, các địa điểm giải trí, sinh hoạt cho nhân dân.
- Theo đồng chí, cần có cơ chế như thế nào để tăng mối liên kết vùng, phát huy lợi thế của các tỉnh thành trong giải quyết những thách thức chung đang gặp phải?
Phải đặt quy hoạch, chiến lược phát triển từng tỉnh, thành phố trong tư duy phát triển vùng, gắn với vai trò “đầu tàu”, “hạt nhân phát triển” vùng của TPHCM. Cần lập danh mục những công trình kết cấu hạ tầng động lực của vùng trong các đề án, quy hoạch của các bộ ngành, đi đôi với phương án về vốn đầu tư trong kế hoạch trung, dài hạn. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương thực hiện, không để tình trạng thiếu cơ chế, thiếu vốn kéo dài như thời gian qua (trước mắt, Trung ương xem xét sớm triển khai đầu tư các tuyến đường Vành đai 2, Vành đai 3, Vành đai 4 theo quy hoạch cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam). Xem xét tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách để lại cho địa phương, hoặc tăng phân bổ đầu tư cho địa phương từ nguồn ngân sách phải nộp về Trung ương đối với TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu để đầu tư các công trình, dự án trọng điểm mang tính liên kết vùng, tạo ra cực phát triển trọng điểm thúc đẩy nền kinh tế của cả nước.