Bình ổn thị trường cuối năm

Gần 1 tháng sau thời gian giãn cách, nhiều hoạt động kinh tế - xã hội ở các địa phương phía Nam đã dần sôi động trở lại, kéo theo nhu cầu tiêu thụ hàng hóa cũng tăng lên. Trong bối cảnh đó các bộ ngành, địa phương đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để không đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, bảo đảm đáp ứng đầy đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu của người dân. 

Nhu cầu mua sắm tăng trở lại

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, sau gần 1 tháng mở cửa trở lại nhìn chung thị trường hàng hóa và mua sắm của người dân ở các tỉnh, thành như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An… đã nhộn nhịp hơn. Đặc biệt, từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128, quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 đã giúp việc lưu thông hàng hóa giữa các địa phương được thuận lợi hơn, từ đó thúc đẩy mua sắm, tiêu thụ hàng hóa. Điển hình là trong dịp 20-10 gần đây, sức mua quà tặng và hoa tại TPHCM đã tăng rõ rệt so với thời điểm trước đó, thậm chí nhiều cửa hàng bán hoa còn quá tải, không phục vụ hết được các đơn đặt hàng cho khách. 

Doanh nghiệp chủ động nguồn hàng cho mùa mua sắm cuối năm
Với sự khởi động của thị trường trong những ngày qua, Bộ Công thương dự báo, thời gian tới, nhu cầu mua sắm cuối năm tăng cao sẽ giúp thúc đẩy sức mua của thị trường nội địa, tạo ra động lực tăng trưởng cho các tháng cuối năm. Do đó, bộ này đang tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất lớn trong các khu, cụm công nghiệp nhằm khôi phục nhanh nhất các hoạt động sản xuất, kinh doanh, duy trì chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng. Cùng với đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ Công thương đang gấp rút thực hiện là từng bước mở lại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, cơ sở, hộ kinh doanh trên cơ sở đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 nhằm tạo môi trường cho kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa, từ đó thúc đẩy phát triển sản xuất. 

Song song đó, Bộ Công thương sẽ triển khai các chương trình bình ổn, kích cầu như: triển khai thực hiện Chỉ thị tổ chức đón Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2022, kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường năm 2021 và dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán 2022, chương trình “Tháng khuyến mãi tập trung quốc gia”. Ngoài ra, tổ công tác đặc biệt của Bộ Công thương tại 3 miền Bắc, Trung, Nam cũng đang bám sát diễn biến thị trường và nhu cầu hàng hóa thiết yếu của địa phương để kịp thời có sự điều tiết, không để đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất trong bất cứ tình huống nào. 

Chủ động vào cuộc

Trên thực tế, từ đầu tháng 10-2021 các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm, hàng hóa thiết yếu chủ lực ở khu vực phía Nam thuộc các nhóm hàng dầu ăn, nui, mì, bánh kẹo, thực phẩm… đã tăng công suất trở lại, đồng thời có kế hoạch tăng nguồn hàng các tháng cuối năm. Đơn cử như Tập đoàn Kido, từ khi “bình thường mới” trở lại đã khẩn trương đề ra kế hoạch cho mùa mua sắm cuối năm. Cụ thể, đối với ngành dầu ăn, Kido đã chủ động nguyên liệu và đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng nhu cầu cao của người tiêu dùng cuối năm và mùa Tết, mục tiêu sản lượng tăng 30%. Đối với ngành kem và bánh kẹo, Kido đã tận dụng thời gian giãn cách tập trung nghiên cứu R&D, vừa hết giãn cách, doanh nghiệp này đã tung hàng loạt sản phẩm mới đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. 

Cùng với việc mở lại sản xuất, chuỗi cung ứng hàng hóa cũng vô cùng quan trọng, do vậy nhiều địa phương đã tích cực kiểm tra, giám sát và cho mở lại các điểm kinh doanh chợ truyền thống; cho phép chuỗi dịch vụ ăn uống được bán tại chỗ thay vì chỉ bán mang đi như trước đây. Tại TPHCM, từ đầu tháng 10-2021 tới nay đã có hàng chục chợ truyền thống ở khắp các quận, huyện được phép kinh doanh trở lại. Bên cạnh đó, TPHCM cho biết sẽ mở dần loại hình dịch vụ ăn uống tại chỗ và dịch vụ khác theo Bộ tiêu chí an toàn của từng lĩnh vực thành phố đã quy định. 

Tương tự, tại Long An, bà Châu Thị Lệ, Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh, cho biết, tính đến ngày 20-10, trên địa bàn tỉnh đã có 80% doanh nghiệp đã hoạt động lại theo trạng thái “bình thường mới”. Đối với chuỗi cung ứng bán lẻ, các hệ thống siêu thị đều mở cửa bình thường, chợ truyền thống cũng có trên 50% được hoạt động. Qua đó góp phần giúp thị trường, giá cả hàng hóa trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, hàng hóa dồi dào, phong phú đảm bảo đủ cung cấp nhu cầu mua sắm của người dân. 

“Sắp tới, chúng tôi sẽ phấn đấu mở lại tất cả chợ truyền thống, các cơ sở dịch vụ ăn uống phục vụ tại chỗ để phục vụ nhu cầu người dân. Ngoài ra, chúng tôi tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh kết nối hệ thống phân phối hiện đại trong nước để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân”, bà Lệ nói thêm. Ngoài 2 địa phương trên, các tỉnh như Sóc Trăng, Cần Thơ, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu… cũng đã làm việc với doanh nghiệp, nhà bán lẻ để chuẩn bị phương án cung ứng hàng hóa thiết yếu, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp cuối năm.

Tin cùng chuyên mục