Phục hồi chức năng chính là cánh cửa đem lại cơ hội cho người khuyết tật, với sự trợ giúp của tổ chức Hội Trợ giúp Người khuyết tật Việt Nam (VNAH) thông qua Chương trình thực thi chính sách và trị liệu cho người khuyết tật (Dự án DIRECT) đã có nhiều nỗ lực phát triển dịch vụ phục hồi chức năng, góp phần giúp người khuyết tật hòa nhập với cộng đồng.
100% cơ sở y tế có nơi phục hồi chức năng
Với 7.168 người khuyết tật (NKT) đang được hưởng chính sách thường xuyên của Nhà nước, trong đó, khuyết tật nặng 4.961 người, đặc biệt nặng 2.207 người. Dù số lượng NKT khá nhiều nhưng thời điểm năm 2015 trên địa bàn tỉnh Bình Phước chưa có Khoa Phục hồi chức năng (PHCN) mà chỉ có 10 Tổ PHCN lồng ghép trong các Khoa Đông y tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh và Trung tâm y tế các huyện/thị. Nhân lực chỉ có 38 bác sĩ, kỹ thuật viên, cán bộ làm công tác PHCN. Trong đó, số lượng bác sĩ làm công tác PHCN là 11, 2 cử nhân vật lý trị liệu, 25 y sỹ y học cổ truyền, y sĩ đa khoa, điều dưỡng trung học đã qua các lớp tập huấn ngắn hạn toàn.
Chính vì vậy, để bảo đảm tốt nhất quyền cho NKT luôn là vấn đề mà tỉnh Bình Phước đặc biệt quan tâm. Năm 2016, với sự trợ giúp của VNAH thông qua Dự án DIRECT, tỉnh thành lập các Khoa Y học cổ truyền - PHCN tại các Trung tâm Y tế huyện thị (trên cơ sở sáp nhập Trung tâm y tế và Bệnh viện Đa khoa huyện, thị theo Quyết định số 2038/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bình Phước). Đến năm 2017, tại tuyến huyện 11 Trung tâm Y tế và 4 Bệnh viện Đa khoa của ngành cao su có các khoa, phòng, tổ phục hồi chức năng. Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh là đơn vị đứng đầu về lĩnh vực này.
Đáng ghi nhận đến nay 100% đơn vị cơ sở y tế tuyến tỉnh và tuyến huyện đã được hỗ trợ trang thiết bị và đào tạo nguồn nhân lực hoạt động PHCN cho NKT. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 215 cán bộ làm công tác PHCN, gồm 11 bác sĩ y học cổ truyền, 25 bác sĩ PHCN, 179 cử nhân, kỹ thuật viên, y sĩ, điều dưỡng vật lý trị liệu. Nhờ đó, từ năm 2016 đến hết năm 2017, Sở Y tế phối hợp VNAH triển khai khám lâm sàng cho 1.423 NKT; hướng dẫn PHCN tại nhà cho 1.258 người, hướng dẫn luyện tập 1.949 lượt người, đồng thời cung cấp 718 dụng cụ chỉnh hình cho 515 người. Tỷ lệ NKT cải thiện các chức năng trong sinh hoạt hàng ngày đạt 60,4% và tỷ lệ hài lòng với dịch vụ do dự án cung cấp là 70%.
Về danh mục kỹ thuật liên quan PHCN được thanh toán BHYT, năm 2015 chỉ có đơn vị Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh được phê duyệt 68 danh mục, thì đến cuối năm 2017 đã có 14 đơn vị y tế trong toàn tỉnh phê duyệt danh mục kỹ thuật về PHCN được BHYT chi trả cho người bệnh. Theo đại diện Sở Y tế Bình Phước, có được kết quả trên là kết quả nỗ lực của các cấp, các ngành chức năng, đặc biệt sự phối hợp với VNAH thông qua Dự án DIRECT, với sự tài trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa kỳ (USAID) đã xây dựng được hệ thống từ cơ sở vật chất đến nguồn nhân lực trong PHCN cho NKT.
Dựa vào cộng đồng
Đây là một trong mục tiêu được tỉnh Bình Phước đặc biệt quan tâm trong quá trình triển khai PHCN cho NKT. 80% các cơ sở PHCN có hoạt động tuyên truyền về phòng ngừa khuyết tật, về PHCN, góp phần nâng cao nhận thức cho các cấp lãnh đạo và cộng đồng. Theo thống kê, đến nay 100% huyện/thị đã triển khai chương trình PHCN dựa vào cộng đồng; 73/111 (chiếm 66%) xã, phường, thị trấn triển khai chương trình PHCN dựa vào cộng đồng.
Đánh giá về công tác PHCN cho NKT, đại diện Sở Y tế Bình Phước cho biết, tuy có nhiều khó khăn về nguồn lực, kinh phí và nhân lực nhưng trong thời gian qua, các cơ sở khám chữa bệnh trong tỉnh đã tích cực thực hiện các kỹ thuật để tiến hành PHCN cho NKT cả về ngoại trú và nội trú. Hiện nay, các cơ sở đã triển khai hơn 113.428 lượt vật lý trị liệu - PHCN, góp phần nâng cao sức khỏe cho người bệnh nói chung và NKT nói riêng.
Cùng với đó, các đợt tập huấn, thăm khám và PHCN đã được tổ chức tốt, với sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở Y tế và Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, Trung tâm Y tế huyện, Phòng Y tế, Hội Nạn nhân da cam tỉnh và huyện, Trạm Y tế xã phường (trong việc mời NKT đi khám và tập tại nhà). Nhờ vậy mà hàng nghìn NKT đã tái hòa nhập với cộng đồng có cuộc sống ổn định.
Ngoài ra, Dự án DIRECT còn phối hợp với Sở Y tế xây dựng kế hoạch PHCN cho NKT cho từng giai đoạn và hàng năm; phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội xây dựng kế hoạch thực thi Công ước về quyền của NKT và kế hoạch trợ giúp NKT hàng năm.