Hoạt động khai thác tài nguyên dầu khí vùng lãnh hải Bình Thuận trong những năm gần đây mang lại giá trị kinh tế to lớn cho nền kinh tế quốc gia, trong đó có sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Thuận; song cũng tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường biển. Vào thời kỳ cuối mùa gió Đông Bắc (tháng 3) đến mùa gió Tây Nam (từ tháng 5 đến tháng 9), sự cố tràn dầu từ khu vực khai thác dầu khí ngoài khơi phía Đông Nam có thể ảnh hưởng vào khu vực ven bờ biển Bình Thuận và đảo Phú Quý.
Thực tế, từ năm 2006 đến nay, đã xảy ra 5 sự cố tràn dầu tại vùng biển và ven bờ tỉnh Bình Thuận. Đó là dầu vón thành cục trôi vào biển Bình Thuận 2 lần (tháng 5-2006, ngày 17-2-2010); dầu thô vón cục trôi dạt vào huyện đảo Phú Quý cũng 2 đợt (tháng 6-2007, cuối năm 2012); riêng vụ chìm tàu chở dầu Đức Trí ngày 2-3-2008 đã làm 1.700 tấn dầu FO loang tràn trên biển.
Khi dầu tràn trôi dạt vào bờ gây tổn hại về kinh tế, thiệt hại về môi sinh và môi trường. Nó đã tác động ít nhiều đến các hoạt động kinh doanh du lịch, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp, môi trường, tài nguyên sinh vật, rừng phòng hộ ven biển, sinh vật phù du… Ở một số khu vực nhạy cảm, tác động của tràn dầu có thể kéo dài trong nhiều thập kỷ.
Bởi vậy, Bình Thuận đã chủ động xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu và đã được Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn thông qua. Cùng với đó, Ban Chỉ huy ứng phó sự cố tràn dầu đã sớm ra đời với sự tham gia của 23 sở ngành, huyện, thị, thành phố để ứng phó kịp thời sự cố tràn dầu ngoài khơi trong phạm vi dưới 20km, trên 20km, xuất hiện dầu trên bờ, tràn dầu trên sông, cửa sông, cảng…
Thông qua tuyên truyền cho ngư dân đánh bắt hải sản trên biển phát hiện sớm mảng dầu loang, triển khai nguồn lực ứng phó (đội tàu Bộ đội Biên phòng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…) sẵn có ở địa phương, nhanh chóng thu hồi dầu loang bằng phương pháp cơ học để tránh không cho dầu lan rộng về phía bờ…
Riêng sự cố dầu loang từ một số giàn khoan dầu khí ngoài khơi trôi dạt vào bãi biển xã Ngũ Phụng, huyện đảo Phú Quý từ đầu năm 2013 đã được Ban Chỉ huy ứng phó sự cố tràn dầu phối hợp huyện Phú Quý thu gom vào hàng ngàn bao ni lông dày 3 lớp, chứa tại bãi rác địa phương để xử lý; không gây ô nhiễm môi trường, tránh ảnh hưởng đến đời sống bà con huyện đảo.
HOÀNG KHANG