Mỗi buổi chiều về, nhiều cư dân các khu phố ở phường Bình Trưng Đông (quận 2, TPHCM) rủ nhau đi dạo, các em bé tung tăng trên những con đường được trải nhựa hoặc tráng xi măng.
Để có được con đường 42 rộng rãi như hiện nay, người dân đã đồng lòng hiến hàng trăm mét vuông đất mở rộng đường.
Hẻm sạch, đường thông thoáng
Mới hơn 1 năm trước, các con đường ở phường Bình Trưng Đông chỉ toàn ổ voi, ổ gà, bụi đất. Hễ mưa là nước tràn vào nhà dân, kéo theo bùn và rác, vì đường không có cống thoát nước. Cư dân ở đây từng than rằng những con đường này là đường nông thôn giữa lòng thành phố. Không thể kéo dài cảnh nhếch nhác, chính quyền và cư dân phường Bình Trưng Đông đã cùng quyết tâm thực hiện việc tráng toàn bộ các con hẻm. Đến nay, các con hẻm này được “thay áo mới”, đời sống người dân cũng thay đổi nhiều.
“Tôi ở đây gần hết đời người, nhưng bây giờ mới thực sự thấy vui vì nhà cửa sáng sủa, đường sá thoáng đãng, sạch đẹp. Phấn khởi lắm! Được thấy nơi mình sống đã thay đổi khang trang thế này, tôi mừng lắm” - cụ Nguyễn Thị Ba (ngụ tại đường số 6) vui mừng cho biết. Bác Trần Thị Thanh Thủy, Phó ban Điều hành khu phố 5, hồ hởi khoe với chúng tôi: “Mùa mưa sắp tới, đi bộ khắp phường cũng không sợ chân lấm bùn sình nữa rồi. Đường và hẻm trong phường đều đã được trải nhựa hoặc tráng xi măng sạch đẹp”. Đưa chúng tôi đi tham quan một vài tuyến đường, bác Thủy kể tỉ mỉ tình trạng trước kia và những thuận lợi, vướng mắc khi làm từng đoạn đường: “Đoạn đường đó trước đây toàn đá cục to như cái tô, nằm lổn nhổn trên mặt đường… Đoạn kia trước đây có cả chục ổ gà, qua lại luôn bị bùn đất văng đầy người… Còn ở đoạn đường này khi trời mưa nước ngập chảy như thác. Tội nhất là mấy đứa học trò, ba mẹ đi buôn bán từ sớm, phải tự lội bộ hoặc đạp xe đi học, đường trơn trượt, bị ngã là chuyện bình thường. Bây giờ thì đi lại thoải mái rồi!... Cư dân ở con hẻm này đều nghèo và các hộ thưa thớt, nên vận động cả năm mà vẫn không thu đủ kinh phí tráng hẻm. Nhờ vận động kinh phí trong toàn khu phố, bù qua sớt lại, nên chỉ một tháng đã đủ tiền để thi công. Và đoạn đường này trước kia hẹp lắm, đến khi nâng cấp đường, các hộ dân tự nguyện hiến đất, nhờ vậy con đường được rộng rãi thế này”. Nghe những câu chuyện như vậy, cũng có thể hình dung cuộc sống cư dân ở đây đã được cải thiện rất rõ.
Chính quyền và dân cùng làm
Ông Phạm Văn Lành, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Trưng Đông, cho biết: “Bình Trưng Đông là một trong 3 phường nghèo của quận 2. Trước đây, trên địa bàn phường có 10 tuyến đường và 2 hẻm chính, đều là đường đất đá, chưa có hệ thống thoát nước. Ngoài ra, còn có hơn 20 hẻm nhỏ, cũng mặt đường đất đá, đấu nối với các tuyến đường, hẻm lớn. Đến tháng 9-2013, địa phương khởi động chương trình tráng đường, tráng hẻm. Sau 17 tháng đã nâng cấp được 9 đường và 2 hẻm chính, 20 hẻm đấu nối với các con đường và hẻm lớn này đều được cư dân đóng góp kinh phí. Đầu tháng 4-2015, sẽ khởi công tráng đường số 3 là hoàn thành kế hoạch nâng cấp 100% đường và hẻm trên địa bàn”. Được biết, để bảo đảm tiến độ huy động kinh phí và thi công suôn sẻ như vậy, các ban ngành trong phường đã hoạt động rất tích cực, từ khâu khảo sát, lập thiết kế, dự toán kinh phí để trình UBND quận duyệt, đến việc họp dân, thông tin cụ thể đến từng hộ và vận động đóng góp kinh phí. UBND quận hỗ trợ 70% - 90% kinh phí (tùy mức chi phí của từng tuyến đường), 10% - 30% còn lại do người dân đóng góp.
Cư dân trong phường chủ yếu là người nhập cư, sống bằng lao động chân tay, buôn bán nhỏ, nên ban đầu chính quyền địa phương cũng rất lo lắng sẽ khó huy động được đủ kinh phí. Vậy mà chương trình dân sinh này đã nhận được sự đồng thuận rất cao của cư dân, với tình xóm giềng, các hộ dân sẵn sàng chia sẻ, gánh vác cho nhau. Các hộ có hoàn cảnh khó khăn (trong diện hộ nghèo, cận nghèo) thì đóng góp tùy theo khả năng; còn các hộ khá hoặc có diện tích đất rộng sẵn sàng đóng góp cao hơn mức đóng góp bình quân. Nhiều hộ ở trọ, không thuộc diện phải đóng tiền nhưng vẫn hưởng ứng đóng góp để giảm bớt gánh nặng cho hộ nghèo. Đang ở nhà thuê cuối một con hẻm nhỏ ở đường 42, chị Phạm Thị Duyên kể: “Gia đình tôi thuê nhà, không thuộc diện phải đóng góp kinh phí tráng hẻm, nhưng tôi vẫn xin được phụ thêm, vì đường làm xong sạch đẹp thì chúng tôi cũng được đi lại thuận tiện và sạch sẽ”.
Hưởng ứng việc nâng cấp đường và hẻm, tính đến nay, các hộ dân ở phường Bình Trưng Đông đã đóng góp được tổng cộng 26,6 tỷ đồng và hiến hơn 500m2 đất. Nhờ vậy các đường và hẻm trên địa bàn đều khang trang và rộng từ 4 - 6m. Cùng với việc cư dân địa phương đóng góp kinh phí nâng cấp đường và hẻm, cũng phải kể đến sự tham gia tích cực của lực lượng đoàn viên, dân phòng và cư dân trong việc trực tiếp tham gia làm đường nhằm giảm bớt chi phí công thợ, đẩy nhanh tiến độ thi công. Ngoài ra, còn có sự hỗ trợ nhiệt tình của Công ty Điện lực Thủ Thiêm trong việc di dời các trụ điện giữa đường và giữa hẻm, để lối đi thông thoáng, lưu thông an toàn.
THU HƯỜNG