Thời gian qua, dư luận rất quan tâm đến vấn đề có cần thiết tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT nữa hay không? Vấn đề này cũng vừa được Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nêu tại hội nghị bàn tròn về đổi mới giáo dục do MTTQ Việt Nam tổ chức ngày 31-7. Chiều 1-8, Bộ GD-ĐT đã có cuộc gặp gỡ với báo chí để phản hồi. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, người phụ trách về giáo dục phổ thông đã trao đổi quan điểm của Bộ GD-ĐT về vấn đề này.
Tương tự quan điểm xuyên suốt của Bộ GD-ĐT bấy lâu nay, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển tái khẳng định: Kỳ thi tốt nghiệp THPT không chỉ đem lại kết quả để quyết định học sinh đỗ hay trượt tốt nghiệp mà còn có chức năng khuyến khích, tạo động lực cho người học, giúp người học tiến bộ không ngừng. Ngoài ra, kỳ thi còn giúp cung cấp cho giáo viên, nhà quản lý những thông tin phản hồi hữu ích, để các cấp điều chỉnh quá trình dạy học và quản lý để cùng đạt mục tiêu dạy học ngày càng cao.
° Phóng viên: Có cần thiết tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT không khi dư luận cho là thiếu thực chất?
° Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Đây là kỳ thi cuối cùng trong giai đoạn giáo dục phổ thông nên nó càng quan trọng và cần thiết, cho dù sau kỳ thi số thí sinh trượt tốt nghiệp chiếm một tỷ lệ nhỏ. Trong những năm qua, thực hiện tinh thần Chỉ thị 33/2006/CT-TTg ngày 1-8-2006 của Thủ tướng Chính phủ về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục, cuộc vận động “nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, kỳ thi tốt nghiệp THPT đã từng bước được bộ nghiên cứu, cải tiến ở tất cả các khâu từ khâu ra đề, coi thi, chấm thi và nhận xét đánh giá. Với những cải tiến, đổi mới cũng như thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, chất lượng giáo dục phổ thông đã có chuyển biến theo hướng tích cực. Vì vậy, kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT ngày càng chính xác hơn.
° Nhưng xã hội luôn nghi ngờ về kết quả thi tốt nghiệp?
° Cần thẳng thắn nhìn nhận rằng dù Bộ GD-ĐT có họp, chỉ đạo các địa phương làm nghiêm túc, nhưng năm nay tỷ lệ tốt nghiệp THPT nhiều địa phương còn cao chót vót là chưa thực chất. Riêng câu hỏi bao giờ việc dạy và học đúng thực chất, rất khó trả lời chính xác khi nào.
° Không chỉ Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan mà nhiều ý kiến đề nghị bỏ kỳ thi này? Quan điểm của bộ ra sao?
° Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đề nghị ngành giáo dục suy nghĩ, nghiên cứu xem có nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT hay không. Hiện nhiều nước khác vẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, nhằm xác nhận chất lượng và hiệu quả đầu tư quốc gia, còn tuyển sinh vào ĐH-CĐ thường giao quyền tự chủ cho nhà trường. Đơn cử như ở Mỹ, số lượng bang tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT đang ngày càng tăng lên (năm 2005 có 22 bang, đến 2010 có 28 bang). Có nước đã thực hiện việc bỏ thi tốt nghiệp như Nga nay đang cân nhắc việc khôi phục trở lại kỳ thi này. Nhưng cũng có những nước đang cân nhắc việc bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT. Vì vậy việc duy trì hay không kỳ thi tốt nghiệp THPT cần phải được nghiên cứu, cân nhắc rất kỹ.
Ở Việt Nam, do 2 kỳ thi (tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ) rất gần nhau nên gây áp lực lớn cho thí sinh, cho gia đình và xã hội. Bộ GD-ĐT đã và đang tổ chức nghiên cứu; đưa định hướng đổi mới các kỳ thi công nhận tốt nghiệp THPT cũng như tuyển sinh ĐH vào Đề án Đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT, Đề án Đổi mới chương trình và sách giáo khoa sau 2015. Sau khi các đề án này được thông qua, phê duyệt, bộ sẽ công bố phương án đổi mới để xin ý kiến rộng rãi các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trước khi quyết định chính thức.
Còn trong hoàn cảnh hiện nay nếu không thi tốt nghiệp THPT, chất lượng dạy và học sẽ đi xuống.
LÂM NGUYÊN ghi