Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 6-2, lãnh đạo Bộ GTVT đã trả lời chất vấn của báo chí xung quanh nhiều vấn đề đang gây bức xúc dư luận hiện nay.
Về việc đổi giờ học, giờ làm trên địa bàn TP Hà Nội, Thứ trưởng Lê Mạnh Hùng thừa nhận, mặc dù kết quả bước đầu rất khả quan về tác động tích cực của việc đổi giờ học, giờ làm cụ thể giao thông trên nhiều tuyến đường thông thoáng hơn, tình trạng ùn tắc trong giờ cao điểm giảm hẳn, tuy nhiên thời điểm Hà Nội chọn để bắt đầu thực hiện đổi giờ làm là ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nên chưa phản ánh đúng thực trạng quá tải giao thông nội đô, vì vậy, cần có thêm thời gian kiểm chứng mới có thể đánh giá chính xác.
Dự kiến ngày 10-2, Bộ GTVT sẽ có cuộc họp với UBND TP Hà Nội để đánh giá kết quả bước đầu và nếu có những bất cập lớn có thể sẽ điều chỉnh phù hợp hơn với thực tế.
Về vấn đề tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt tăng mạnh với hàng loạt vụ TNGT đường sắt xảy ra trong những ngày đầu năm 2-2012, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) Nguyễn Đạt Tường cho biết, ngành đường sắt đang gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát và kiềm chế tai nạn với mật độ đường ngang dân sinh dày đặc và ý thức người tham gia giao thông kém như hiện nay. Tổng Công ty ĐSVN sẽ tăng cường hơn nữa việc phối hợp với các địa phương trong việc kiểm soát hệ thống đường ngang, cụ thể là tăng cường người gác chắn ở những đường ngang có mật độ phương tiện lớn hoặc những đường ngang thường xảy ra tai nạn.
Hiện ngành đường sắt đang nỗ lực cùng các địa phương tìm kiếm các nguồn kinh phí tăng cường việc xây dựng hàng rào hộ lan ở các cung đường nóng cũng như tăng cường nhân viên gác chắn tại các đường ngang dân sinh. Bộ GTVT cũng chỉ đạo trong tháng 2-2012, Tổng Công ty ĐSVN có nhiệm vụ trọng tâm là chỉ đạo các đơn vị quản lý đường sắt phối hợp với chính quyền địa phương trong việc giải tỏa hành lang ATGT đường sắt.
Về vấn đề phân luồng xe đi đường Hồ Chí Minh, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, việc bắt buộc toàn bộ xe khách Bắc - Nam chạy tuyến cố định có hành trình trên 1.000km và 30% xe có hành trình 300 - 1.000km phân luồng đi đường Hồ Chí Minh là do quốc lộ 1 đang quá tải, buộc phải sửa chữa nâng cấp. Trước khi phân luồng bắt buộc qua tuyến đường Hồ Chí Minh, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã khảo sát lại toàn diện tuyến đường đoạn Hà Nội – Vinh, sửa chữa toàn bộ những vị trí mặt đường hư hỏng, bong tróc, sình lún, bổ sung hệ thống biển báo hiệu giao thông và hệ thống dịch vụ đi kèm như trạm xăng dầu, trạm dừng nghỉ đường bộ...
Khảo sát của Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng cho thấy, dù đường Hồ Chí Minh từ Hà Nội đi Vinh dài hơn 60km so với đoạn quốc lộ 1 tương ứng nhưng chi phí chạy xe ít hơn, đặc biệt là với xe chạy đường dài. Cụ thể, xe con có thời gian hành trình giảm 1 giờ và giảm chi phí 35.000 đồng/lượt; xe khách nhỏ cũng giảm được 1 giờ chạy xe và bớt được 300.000 đồng. Xe khách loại lớn giảm được 1 giờ 56 phút và giảm gần 600.000 đồng chi phí...
Trước thông tin về việc quy định phân luồng đã có hiệu lực 1 tuần nhưng phần lớn các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải chưa triển khai thực hiện, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết đang yêu cầu sở GTVT 22 tỉnh, thành phố liên quan có trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát doanh nghiệp thực hiện và sẽ kiên quyết thực hiện đến cùng quy định này.
Bích Quyên