Theo Bộ GTVT, khi tổ chức lại Tổng cục Đường bộ Việt Nam thành 2 cục sẽ giảm 1 đầu mối cấp tổng cục nhưng lại tăng 2 đầu mối cấp cục. Tuy nhiên, nếu xét về số lượng đầu mối tổ chức trực thuộc, thì cơ cấu tổ chức mới của Bộ GTVT tại dự thảo Nghị định vẫn giảm 5 đầu mối (4 đầu mối cấp vụ, 1 đầu mối cấp cục).
Bên cạnh đó, việc tổ chức lại Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ giảm 5 cục trực thuộc tổng cục. Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam về cơ bản sẽ chuyển nguyên trạng về Cục Đường bộ Việt Nam.
Bộ GTVT cho biết, việc "xóa bỏ" Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tách thành 2 cục quản lý chuyên ngành nhằm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về chuẩn hoá điều kiện, đảm bảo không có sự chồng chéo quản lý, phù hợp với mục tiêu phát triển mạnh mẽ hệ thống đường cao tốc với những đặc thù trong công tác quản lý.
Trước đó, hồi đầu tháng 6-2022, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã trình Bộ GTVT đề án tổ chức lại Tổng cục Đường bộ Việt Nam thành Cục Đường bộ Việt Nam và Cục Đường bộ cao tốc Việt Nam.
Theo đó, Cục Đường bộ Việt Nam có khối tham mưu gồm 7 phòng ban hành chính; 7 chi cục thực thi quản lý nhà nước; 11 đơn vị sự nghiệp.
Cục Đường bộ cao tốc Việt Nam sẽ có khối tham mưu gồm 5 phòng: Tổ chức - hành chính; Pháp chế - thanh tra - an toàn; Quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc; Kế hoạch - tài chính; Quản lý đầu tư xây dựng và 3 chi cục quản lý đường bộ cao tốc 1, 2, 3 cùng 1 đơn vị sự nghiệp là Trung tâm Điều hành giao thông đường bộ cao tốc (ITS).
Số biên chế cơ quan hành chính năm 2022 của Tổng cục Đường bộ Việt Nam là 728, sẽ điều chuyển 558 biên chế cho Cục Đường bộ Việt Nam (121 biên chế khối cơ quan, 437 biên chế khối chi cục) và 170 biên chế cho Cục Đường bộ cao tốc Việt Nam (65 biên chế khối cơ quan, 105 biên chế khối chi cục).