(SGGPO).- Ba dự thảo luật trong lĩnh vực tư pháp, gồm Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), Luật Tạm giữ, tạm giam và Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trong khuôn khổ phiên họp thứ 42, diễn ra ngày 14- 10.
Liên quan đến việc tham gia phiên tòa về hành chính, nhiều ý kiến cho rằng người bị kiện phải có trách nhiệm trực tiếp tham gia vụ án, không được uỷ quyền cho người khác.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện, Luật Tố tụng hành chính hiện hành cũng như dự thảo luật (sửa đổi) đều quy định người bị kiện phải có mặt theo giấy triệu tập của tòa án. Pháp luật cho phép đương sự có thể ủy quyền bằng văn bản cho luật sư hoặc người khác đại diện cho mình tham gia tố tụng. Trong tố tụng hành chính thì quyền này chỉ có thể do chính người đứng đầu cơ quan, tổ chức hoặc người có thẩm quyền thực hiện mới có hiệu quả, bảo đảm khắc phục nhanh chóng những sai sót của cơ quan, tổ chức, cá nhân, bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện. Dự thảo luật đã được chỉnh lý theo hướng trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện.
“Người được ủy quyền phải tham gia vào quá trình giải quyết toàn bộ vụ án, thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người bị kiện theo quy định của luật này. Quy định như trên phù hợp với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương”, ông Nguyễn Văn Hiện trình bày tại phiên họp.
Về vị trí, vai trò của Viện Kiểm sát nhân dân trong tố tụng hành chính, sự tham gia của đại diện viện kiểm sát nhân dân đối với phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ án hành chính; dự thảo luật trình UBTVQH tại phiên họp tiếp thu theo hướng, Viện Kiểm sát nhân dân thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn kiểm sát hoạt động tư pháp, không trực tiếp tiến hành các hoạt động tố tụng; do vậy viện kiểm sát nhân dân là cơ quan tham gia tố tụng chứ không phải cơ quan tiến hành tố tụng.
Tham dự phiên họp, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Nguyễn Hòa Bình đề nghị giữ nguyên như luật hiện hành. Viện Kiểm sát là cơ quan “tiến hành tố tụng”, vì tổng kết thực tiễn cho thấy quy định này không có vướng mắc gì. Sau quá trình thảo luận kỹ càng, UBTVQH đã biểu quyết. Đa số thành viên tham gia biểu quyết mặt tán thành giữ nguyên như luật hiện hành; đồng nghĩa với việc Viện Kiểm sát là cơ quan tiến hành tố tụng.
Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và dự thảo Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, UBTVQH đề nghị bổ sung Cơ quan Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Công an Nhân dân là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
Đối với cơ quan Kiểm ngư là lực lượng chuyên trách của Nhà nước với nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật và thanh tra chuyên ngành thủy sản trên các vùng biển Việt Nam; mặt khác, hiện nay tình hình đánh bắt, khai thác thủy sản trên biển diễn biến phức tạp và do yêu cầu tăng cường bảo vệ chủ quyền biển đảo nên việc giao cho cơ quan Kiểm ngư thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra là đáp ứng yêu cầu của tình hình thực tiễn. Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã bổ sung một điều quy định về quyền hạn điều tra của cơ quan Kiểm ngư; đồng thời tăng thời hạn điều tra cho tất cả các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
Về mở rộng phạm vi điều tra cho Bộ đội biên phòng, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Điều 32 của dự thảo Luật đã bổ sung một số tội danh quy định tại 10 điều của Bộ luật hình sự thuộc thẩm quyền điều tra của Đồn biên phòng thuộc vùng sâu, vùng xa và giao Chính phủ xem xét, quyết định các Đồn biên phòng được coi là ở vùng sâu, vùng xa.
ANH THƯ