Năm 2014 được coi là năm mở màn của việc thực hiện đổi mới toàn diện giáo dục theo tinh thần Nghị quyết 29 Trung ương đã thông qua. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận chia sẻ những thông điệp về giáo dục Việt Nam năm 2014.
* Phóng viên: Chúng ta vừa đón nhận kết quả Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA), học sinh phổ thông Việt Nam xếp thứ 17/65 nước và vùng lãnh thổ tham gia chương trình đánh giá. Kết quả này dường như đã gây bất ngờ cho cả người làm giáo dục trong và ngoài nước. Bộ trưởng có cảm thấy bất ngờ không?
* Bộ trưởng PHẠM VŨ LUẬN: Tôi cũng hơi bất ngờ vì khi đặt trong sự tương quan với nhiều nước thì trình độ phát triển kinh tế, khoa học công nghệ của chúng ta không so sánh được với họ. Vì thế, kết quả PISA của học sinh Việt Nam trên hoặc ngang bằng với họ là khá bất ngờ. Nhưng từ sâu thẳm lòng mình, tôi vẫn tin vào kết quả này. Kể cả những lúc thảo luận về giáo dục, những nhận định đánh giá thực trạng giáo dục Việt Nam, có nhiều ý kiến phê bình thì chúng tôi bình tĩnh, lắng nghe, chắt lọc và vẫn có niềm tin rằng nền giáo dục Việt Nam có những điểm yếu, có những thiếu sót, khuyết điểm; có hạn chế và có những bức xúc, nhưng vẫn có những điểm mạnh, điểm tốt của nó. Chúng tôi đi một số nước, xem xét thực tế ở các địa phương và có thực nghiệm rất đơn giản. Học sinh Việt Nam đi ra nước ngoài học là học được, thậm chí ở tốp đầu, mà trong đó nhiều em thi trong nước lại trượt đại học.
Tất nhiên là không được chủ quan. Lúc bị phê bình cũng không nên hốt hoảng mà phải bình tĩnh lắng nghe; còn lúc được khen cũng không nên lạc quan, chủ quan. Chúng tôi rất bình tĩnh khi đón nhận kết quả PISA. Có thể kết quả PISA là một trong 10 sự kiện nổi bật của ngành giáo dục trong năm 2013, nhưng chúng tôi tự nhủ rằng vui mấy ngày thế thôi, phải tiếp tục lo nhiều việc khác.
* Vị trí Bộ trưởng Bộ GD-ĐT luôn được coi là vị trí “nóng” vì đòi hỏi rất lớn từ xã hội. Lần đổi mới giáo dục lần này, bộ trưởng coi đó là “trận đánh lớn”, vậy bộ trưởng có cảm thấy trách nhiệm nặng nề?
* Tôi luôn cảm thấy một trách nhiệm nặng nề khi làm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Ngay từ khi kế nhiệm, tôi đã phải tiếp tục ngay nhiệm vụ của vị tiền nhiệm, đó là xây dựng chiến lược phát triển giáo dục. Vất vả, căng thẳng lắm. Sau khi Thủ tướng phê duyệt chiến lược thì làm Luật Giáo dục đại học, rồi đến Quốc hội giám sát chất lượng giáo dục đại học, cũng là một đợt vất vả, căng thẳng nhưng bổ ích. Sau đó lại làm Đề án đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. Khi Trung ương thông qua Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục xong, PISA có kết quả tốt cũng mừng một chút. Nhưng ngay sau đó phải triển khai lực lượng để thực hiện nghị quyết. Nói chung là vất vả lắm, cán bộ ở Bộ GD-ĐT làm đến 7, 8 giờ tối. Tôi động viên anh em: Chúng ta là những người đến đúng lúc để được làm đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục; những người đến sớm hơn muốn làm cũng không được làm, các đồng chí đến sau cũng không còn cơ hội để làm, chỉ chúng ta mới có cơ hội, có vinh dự này. Vì thế, chúng tôi động viên nhau vượt qua thách thức, làm tốt công việc được giao.
* Vấn đề chấn chỉnh kỷ cương trong lĩnh vực giáo dục vừa qua có vẻ được làm mạnh. Bộ cũng muốn xử lý người đứng đầu trong các cơ sở giáo dục khi vi phạm. Điều này được dư luận ủng hộ, vậy có tiếp tục thực hiện việc này trong thời gian tới?
* Chấn chỉnh kỷ cương có nhiều cái khó nhưng cũng có nhiều thuận lợi. Trong việc này, chúng tôi nhận được sự ủng hộ, chia sẻ của xã hội rất nhiều. Ví dụ sau khi chúng tôi ban hành những vấn đề chấn chỉnh học thêm dạy thêm, lạm thu, TP Đà Nẵng đã kỷ luật, luân chuyển hiệu trưởng vi phạm đi chỗ khác; Hà Nội yêu cầu các nhà trường xin lỗi và hoàn trả tiền cho người học. Đó là những ủng hộ rất quý báu đối với ngành. Vừa rồi, chúng tôi và UBND TPHCM phải tổ chức cho sinh viên ĐH Hùng Vương chuyển sang các trường khác thi tốt nghiệp vì học xong rồi không tổ chức thi được, vì không có con dấu, ban giám hiệu không hoạt động. Việc này chúng tôi cũng nhận được sự phối hợp rất chặt chẽ của UBND TPHCM và các sở ban ngành TP. Hay Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng giao Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng quản lý các trường đào tạo ĐH ngoài công lập trên địa bàn; UBND TP Hà Nội chỉ đạo thanh tra các trường ĐH ngoài công lập trên địa bàn...
Chúng tôi không đơn thương độc mã, các lực lượng, các cấp chính quyền, các địa phương cùng vào cuộc ở các mức độ khác nhau, từng bước một cùng với ngành GD-ĐT để chấn chỉnh các sai phạm, yếu kém. Đó là điều kiện tiên quyết để đảm bảo thành công trong việc chấn chỉnh kỷ cương giáo dục. Hy vọng cả xã hội, các ngành các cấp các địa phương sẽ vào cuộc quyết liệt hơn nữa.
* Có một điều mà bất cứ ai cũng mong muốn, đó là thu hẹp khoảng cách giáo dục giữa miền núi và miền xuôi. Nhiều chính sách của Đảng, Nhà nước cũng đã được ban hành để kéo ngắn khoảng cách này. Bộ trưởng tâm đắc chính sách nào?
* Đó là chính sách dành cho giáo viên là người Kinh lên công tác ở vùng miền núi, dân tộc. Chúng ta có phụ cấp thu hút các thầy cô giáo người miền xuôi lên miền núi làm việc, theo thiết kế 5 năm sau sẽ được về, về thì không được hưởng phụ cấp thu hút nữa. Nhưng thực tế, nhiều thầy cô sau 5 năm không về xuôi được, phần do không còn chỗ trống để về, phần do nhiều thầy cô không muốn về mà ở lại gắn bó với nơi làm việc mới. Thầy cô phải ở lại và phụ cấp thu hút bị cắt sau 5 năm. Trong khi đó, một cô giáo mới ở dưới xuôi lên công tác, được hưởng phụ cấp thu hút nên lương cao hơn nhiều so với giáo viên đã có thâm niên ở miền núi. Đó là một bất cập. Chúng tôi đã đấu tranh cho việc này. Rất vui là sau một thời gian kiên trì đề xuất, Chính phủ đã quyết định giữ nguyên phụ cấp thu hút cho giáo viên vùng miền núi. Tôi nhớ lại những chuyến công tác lên miền núi vào dịp cận tết, có những cô giáo đi bộ cả chục kilômét đường rừng ra gặp tôi, mang theo cơm nắm, chai nước để cùng ngồi ăn với nhau. Xúc động lắm những tấm lòng giáo viên như vậy.
PHAN THẢO thực hiện