Kinh nghiệm nhiều năm lãnh đạo địa phương cộng với 2 năm làm thứ trưởng đã giúp tân Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh (ảnh) tự tin với cương vị mới; đồng thời xác định rất rõ những nhiệm vụ trước mắt và lâu dài cho bộ này. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh chia sẻ:
Ưu tiên hàng đầu của Bộ Kế hoạch - Đầu tư hiện nay là phối hợp với cơ quan có trách nhiệm khác tiếp tục tham mưu cho Chính phủ cụ thể hóa 8 giải pháp đã đề ra nhằm tạo chuyển biến căn bản về kinh tế - xã hội, ổn định tình hình kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát... thực hiện cho được những mục tiêu đã đặt ra năm 2011.
- PV: Thưa ông, bên cạnh nhiệm vụ trước mắt, kế hoạch lâu dài của Bộ trưởng có những điểm nhấn nào?
Bộ trưởng BÙI QUANG VINH: Tôi luôn trăn trở về việc phải làm tốt hơn công tác dự báo, trước mắt để phục vụ việc xây dựng kế hoạch 5 năm và kế hoạch năm 2012. Làm thế nào để năm 2012 giữ được thành quả ổn định, phấn đấu cuối 2012 đưa lạm phát lùi về ở mức xấp xỉ tốc độ tăng trưởng GDP. Đó là mong muốn rất cao của Chính phủ, phải nỗ lực rất lớn để thực hiện. Để làm được điều này và nâng cao chất lượng tham mưu cho Chính phủ, ngoài việc cố gắng huy động lực lượng cán bộ của mình, Bộ Kế hoạch - Đầu tư cần trở thành trung tâm thu hút, kêu gọi các chuyên gia kinh tế, tài chính ở các viện nghiên cứu, các trường đại học, các địa phương và tổ chức quốc tế... tham gia đóng góp; thậm chí đề nghị họ phản biện. Tôi cho rằng nhìn nhận vấn đề từ nhiều khía cạnh, từ cả lý thuyết lẫn thực tiễn là hết sức cần thiết.
- Tình trạng đầu tư công dàn trải, không hiệu quả chính là một “tội đồ”. Bộ trưởng suy nghĩ gì về vấn đề này?
Ở đây tồn tại một mâu thuẫn lớn giữa nhu cầu đầu tư rất lớn của nền kinh tế trong khi nguồn lực lại hạn chế. Tới đây phải đổi mới cơ cấu đầu tư, đổi mới cách làm kế hoạch để nguồn vốn nhà nước được sử dụng chắt lọc và hiệu quả hơn, phát huy vai trò vốn mồi, chất xúc tác để thu hút, khơi dòng những nguồn lực khác. Nguyên tắc chung, nguồn lực nhà nước phải chảy vào những địa chỉ các khu vực kinh tế khác không đầu tư hoặc phục vụ các mục đích an sinh xã hội. Những địa chỉ đầu tư sinh được lợi nhuận thì xây dựng cơ chế chính sách để xã hội hóa. Từ đó, chúng ta mới có thể thực hiện được đột phá thứ 3 mà Thủ tướng đã nêu: xây dựng cơ cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
Nhưng cần nói thêm rằng, hiệu quả không cao của đầu tư công là một nhân tố, nhưng không phải nguyên nhân duy nhất dẫn đến lạm phát. Cho nên giải pháp tiết kiệm chi tiêu công (kể cả chi thường xuyên và vốn đầu tư phát triển là điều kiện cần, nhưng chưa đủ để ngăn ngừa và chống lạm phát.
- Theo Bộ trưởng, qua kết quả kiểm tra tình hình đầu tư công trên địa bàn cả nước, tới đây Bộ Kế hoạch - Đầu tư sẽ tham mưu Chính phủ chấn chỉnh đầu tư công ra sao?
Cốt lõi là sắp xếp lại để tập trung nguồn lực không nhiều ấy cho những công trình dở dang để sớm hoàn thành, phát huy hiệu quả, không dàn trải để rồi tất cả cùng không xong! Nói thì đơn giản vậy chứ thực ra rất khó. Vừa qua chúng ta đã phân cấp mạnh mẽ thẩm quyền quyết định đầu tư cho địa phương. Việc này có cái tốt là địa phương, bộ ngành chủ động, linh hoạt lựa chọn danh mục đầu tư, giảm trình tự thủ tục, thời gian... Nhưng cũng có nhược điểm, khó kiểm soát từ trung ương về sự hợp lý, khó đảm bảo cân đối chung. Hiện các địa phương được quyết định cả chủ trương đầu tư, thậm chí có thể điều chỉnh cả tổng mức đầu tư. Cho nên cần thiết phải đánh giá lại việc phân cấp đầu tư trong thời gian qua. Tôi xin nói rõ vẫn phân cấp chứ không phải thu quyền về trung ương, nhưng theo hướng địa phương được xác định dự án để đề nghị bố trí vốn, nhưng lúc nào làm, vốn bao nhiêu do trung ương quyết, trên cơ sở kế hoạch trung và dài hạn.
- Có nhiều ý kiến cho rằng, do chủ trương phân cấp mạnh mẽ, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đang càng ngày càng ít thực quyền. Nếu sự thật đúng như vậy, ông có thấy buồn?
Tôi không thấy buồn. Chức năng nhiệm vụ của chúng tôi là tham mưu cho Chính phủ, làm sao tham mưu cho tốt, góp phần thực hiện những mục tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra. Chúng tôi không cố ôm nhiều việc để giữ quyền lực!
Anh Thư thực hiện