Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam: Cải cách hành chính để phục vụ dân tốt hơn

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam: Cải cách hành chính để phục vụ dân tốt hơn

Cải cách hành chính là vấn đề lớn được Chính phủ thực hiện rốt ráo trong nhiệm kỳ vừa qua. Đây được xem là một trong những công tác hàng đầu trong quá trình hoàn thiện thể chế nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa của nước ta. Tân Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam (ảnh) đã có cuộc trao đổi với PV Báo SGGP về vấn đề cải cách hành chính trong thời gian tới.

° PV: Trong bài viết mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định “cải cách hành chính là trọng tâm trong khâu đột phá về thể chế”. Xin ông cho biết, sự đột phá này sẽ được thực hiện như thế nào trong thời gian tới?

° Bộ trưởng VŨ ĐỨC ĐAM: Trong nhiệm kỳ vừa qua, cải cách hành chính đã được tập trung chỉ đạo và đạt được kết quả rõ rệt. Tuy nhiên, cải cách hành chính là cả quá trình, phải được thực hiện liên tục với quyết tâm cao. Đã coi là đột phá thì phải làm chắc chắn nhưng mạnh mẽ, dứt khoát; đồng bộ nhưng có trọng tâm, trọng điểm. Là việc phức tạp, nhiều khi nhạy cảm nên phải rất khoa học, sáng tạo và quyết liệt. Đây là việc coi như hệ thống hành chính “sửa mình”, nên phải gương mẫu từ trên xuống, từ trong ra để có sức thuyết phục, lôi cuốn cả hệ thống, cả xã hội tham gia theo đúng tinh thần “chung tay cải cách hành chính”.

Như Thủ tướng Chính phủ đã tuyên bố, thời gian tới, chúng ta cần phải tiếp tục cải cách mạnh mẽ nền hành chính quốc gia trên tất cả các nội dung: thể chế, tổ chức bộ máy, thủ tục hành chính và tài chính công. Phải nâng cao tính minh bạch và khả năng dự đoán của chính sách để vừa giảm thiểu độ rủi ro đối với nhà đầu tư, đồng thời tránh đầu cơ, ngăn chặn tham nhũng và giảm các chi phí giao dịch cho doanh nghiệp. Đồng thời tăng cường sự tham gia của người dân và doanh nghiệp vào quá trình xây dựng chính sách và thể chế; đề cao vai trò phản biện xã hội và trách nhiệm giải trình của các cơ quan quản lý trong việc hoạch định chính sách và đánh giá hiệu quả thực thi.

° Mặc dù Đề án 30 về cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ đã thu được những kết quả rõ rệt, nhưng ý kiến của nhiều người dân, doanh nghiệp vẫn cho rằng: thủ tục hành chính của các cơ quan quản lý Nhà nước hiện vẫn đang rườm rà, nhiêu khê. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

° Đúng là đánh giá tổng thể thì thủ tục hành chính vẫn chưa thực sự thuận tiện. Tuy nhiên cũng cần nhìn nhận rằng thời gian gần đây không ít thủ tục đã được rút gọn, được sửa đổi khá căn bản và người dân, doanh nghiệp dù chưa hoàn toàn thỏa mãn nhưng cũng đã hài lòng hơn và tin tưởng vào giai đoạn tới đây của Đề án cải cách thủ tục hành chính.

Đây chính là động lực khích lệ đồng thời cũng là sự thúc ép cho các cố gắng mạnh mẽ hơn trong thời gian tới đây. Cần phải tập trung tháo gỡ những rào cản hành chính cản trở phát triển sản xuất, gây phiền hà cho người dân. Đó là nhu cầu chính đáng, là đòi hỏi rất cao của doanh nghiệp và người dân, nên dù khó khăn, thì bộ máy chính quyền các cấp vẫn phải nỗ lực thực hiện cho bằng được.

° Nhiều ý kiến cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước phải chuyển đổi mạnh mẽ hơn nữa từ việc quản lý, ban hành chính sách sang việc thực thi và phục vụ người dân. Là người đứng đầu Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng cho biết quan điểm của mình về vấn đề này?

° Bản chất nhà nước của chúng ta là nhà nước của dân, do dân, vì dân. Cán bộ, công chức là công bộc của dân. Chúng ta cũng đang trong quá trình chuyển từ quản lý sang phục vụ. Điều này là tất yếu và đúng là phải chuyển đổi mạnh mẽ hơn. Nói phục vụ không có nghĩa là không quản lý mà quản lý để phục vụ. Văn phòng Chính phủ sẽ cùng với các bộ, ngành nắm sát tình hình thực tiễn, tập trung trí tuệ, lắng nghe ý kiến đóng góp để tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện thành công quá trình chuyển đổi đó, nhằm phục vụ người dân ngày một tốt hơn.

TRẦN LƯU (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục