Nhân dịp đầu năm mới xuân Mậu Tuất, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng đã chia sẻ về những trăn trở để xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động.
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng
° Phóng viên: Sau gần nửa nhiệm kỳ bắt đầu chủ trương Chính phủ kiến tạo, hành động, đến giờ phút này, Bộ trưởng đánh giá kết quả việc thực hiện này thế nào? Có còn tình trạng “trên nóng dưới lạnh” như năm trước?
° Bộ trưởng - Chủ nhiệm MAI TIẾN DŨNG: Chính phủ kiến tạo là tạo hành lang thuận lợi, hoàn thiện thể chế, cơ sở pháp lý để người dân, doanh nghiệp, các cơ quan quản lý Nhà nước phải tuân thủ thực hiện. Cùng với đó, vấn đề hoàn thiện thể chế, chính sách, nhất là môi trường đầu tư kinh doanh được Thủ tướng rất quan tâm và giao cho bộ, ngành, địa phương đi vào từng vấn đề cụ thể. Chính phủ liêm chính là nói không với tiêu cực, yêu cầu cán bộ công chức thực hiện đúng chức trách, nâng cao hiệu quả năng suất và tạo được thuận lợi nhất cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Việc này được Thủ tướng tập trung chỉ đạo ngay khi Chính phủ nhiệm kỳ mới ra mắt. Đến thời điểm này có thể nói, Chính phủ không nợ đọng văn bản hướng dẫn thi hành Luật, pháp lệnh. Đó là điều từ trước đến nay chưa bao giờ có.
Chính phủ cũng đã đặc biệt quan tâm việc phân cấp và đề cao trách nhiệm người đứng đầu của Bộ, cơ quan ngang Bộ. Đặc biệt rất coi trọng vai trò của Bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh thành. Chính phủ tạo điều kiện phân cấp rất thuận lợi triển khai các việc đó.
° Trong nhiệm kỳ này có nét mới là thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ làm Tổ trưởng. Tổ công tác thời gian đầu đã có sức ép lớn từ các bộ, ngành. Thậm chí có bộ ý kiến rằng “anh cũng là Bộ trưởng, tôi cũng là Bộ trưởng, sao anh kiểm tra tôi?”. Cho đến nay có còn câu chuyện đó?
° Thủ tướng quyết định thành lập Tổ công tác của Thủ tướng với nhiệm vụ giúp Thủ tướng đôn đốc các bộ, ngành thực hiện việc Thủ tướng, Chính phủ giao cho các bộ, ngành, địa phương. Đây có thể nói là nhiệm vụ mới, rất nặng nề, chưa có tiền lệ, chưa có thông lệ và chưa có quy định.
Khi Tổ công tác kiểm tra lần đầu ở một số bộ, đúng là có câu chuyện “anh cũng là Bộ trưởng, tôi cũng là Bộ trưởng, tại sao anh kiểm tra, phê bình tôi?”. Thực sự là đắn đo, suy nghĩ rất lớn mà trước khi thực hiện việc kiểm tra của Tổ công tác, chúng tôi đã lường trước được rồi. Chúng tôi cũng nói rõ rằng đây là nhiệm vụ Thủ tướng giao, chúng tôi cũng không có thẩm quyền phê bình Bộ trưởng mà chỉ chuyển tải thông điệp, tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng tới Bộ trưởng. Tổ công tác không có thẩm quyền phê bình. Chúng tôi kiểm tra nhiệm vụ Chính phủ giao chứ không phải là cơ quan thanh tra, kiểm tra, không mang tính bới móc, soi mói mà chỉ muốn chỉ ra rằng những nhiệm vụ ấy phải được triển khai một cách toàn diện, đồng bộ; phải tìm ra lý do chưa hoàn thành để cùng nhau phối hợp.
Ví dụ VPCP cũng sẵn sàng nhận lỗi nếu như VPCP tham mưu cho Thủ tướng giao bộ, ngành thực hiện nhiệm vụ đó không đúng về thời gian hay điều kiện thực hiện thì chúng tôi cũng rút kinh nghiệm. Qua kiểm tra giúp Thủ tướng đánh giá được thực hiện nhiệm vụ của các bộ, ngành. Và quan trọng nhất là hoàn thiện thể chế, chính sách ban hành nếu không đi vào cuộc sống, tổ công tác tổng hợp để báo cáo Thủ tướng rồi điều chỉnh, bổ sung để tốt hơn trong tổ chức thực hiện. Ban đầu là như vậy, nhưng sau một thời gian ngắn thì các Bộ trưởng khác rất mong mỏi Tổ công tác về giúp cho bộ.
° Khi giao nhiệm vụ cho Tổ công tác hơn một năm trước thì Thủ tướng yêu cầu rõ ràng là bắn trúng đích chứ không phải bắn chỉ thiên? Vậy hơn 1 năm qua, theo đánh giá của Bộ trưởng, công việc của Tổ công tác đã bắn được trúng đích như Thủ tướng yêu cầu chưa?
° Việc đó cũng đạt được mong đợi ban đầu của Thủ tướng. Kiểm tra không phải cưỡi ngựa xem hoa mà kiểm tra phải có mục tiêu theo từng thời kỳ. Ví dụ đầu nhiệm kỳ Chính phủ mới thì cái đầu tiên quan trọng nhất là phải rà soát lại toàn bộ thể chế, hoàn thiện thể chế, đơn cử trước đây nợ đọng văn bản nhưng giờ không được nợ nữa. Hay vào giữa năm 2017, khi Thủ tướng chỉ đạo tăng trưởng thì Tổ công tác giúp Thủ tướng đi thực tế xuống các Tập đoàn, địa phương và thấy rằng cần có sự tháo gỡ tăng trưởng. Tháng 8-2017, khi Thủ tướng đưa ra Nghị quyết 75 và 115 của Chính phủ về cắt giảm chi phí chính thức và phi chính thức cho doanh nghiệp, cắt bỏ rào cản trong kiểm tra chuyên ngành và các điều kiện liên quan, Tổ công tác đã đi thực tế ở hải quan Hải Phòng, rồi khu vực 3 của TPHCM, đi xuống các bộ, ngành có liên quan đến thủ tục kiểm tra chuyên ngành…
Có thể nói, bước đầu Tổ công tác đã đạt kỳ vọng của Thủ tướng. Tất nhiên chúng tôi cũng mong muốn làm rất nhiều, nhưng vì thời gian chỉ mới có hơn 1 năm thôi. Yêu cầu với Tổ công tác là phải thận trọng, đóng giá rất chuẩn, làm sao khách quan, công tâm, minh bạch, rõ ràng.
° Qua thực tế kiểm tra, Bộ trưởng đánh giá thế nào về tình trạng bên dưới “lờ” chỉ đạo của trên. Ví dụ có trường hợp Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu bị phê bình vì 3 lần lờ yêu cầu chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ. Hay Bệnh viện Ung Bướu TPHCM khi Chính phủ yêu cầu xem xét lại việc đấu thầu vẫn tiếp tục đưa các thiết bị vào triển khai?
°Nói Chính phủ minh bạch, công khai, Chính phủ phục vụ mà không cung cấp đầy đủ, công khai thông tin với người dân thì không thể hiện điều đó.
Tuy nhiên, cũng có một số nơi thực hiện chưa nghiêm túc việc này. Ở đây muốn nói đến trách nhiệm của người đứng đầu khi có ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ nhưng không thực hiện. Ngay cả việc đấu thầu thiết bị y tế của bệnh viện Ung bướu TPHCM, dù Bộ Y tế đã ý kiến nhưng bệnh viện vẫn không dừng lại mà chỉ đạo đơn vị trúng thầu tiếp tục lắp đặt thiết bị, đó là việc thực hiện không nghiêm. Thủ tướng tiếp tục giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với TPHCM yêu cầu kiểm tra và báo cáo kết quả. Hay vấn đề liên quan đến Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, có thông báo rồi nhưng cũng không đối thoại, không tham gia giải quyết trực tiếp, vẫn để doanh nghiệp ý kiến lại nhiều lần là không đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng. Trách nhiệm ấy trước hết của người đứng đầu, lẽ ra phải đối thoại, gặp gỡ, trao đổi để hiểu và chia sẻ với nhau thẳng thắn.
° Thông điệp của Chính phủ năm 2018 là gì? VPCP sẽ thực hiện hóa những mục tiêu đó thế nào?
° Năm 2018 Chính phủ tiếp tục đặt vấn đề kỷ cương, kỷ luật, khắc phục tình trạng trên nóng dưới lạnh, trên chuyển dưới chưa chuyển. Cùng với đó khắc phục tình trạng công chức không hoàn thành nhiệm vụ ở bộ, ngành, địa phương.
Năm 2018 cũng cần tranh thủ thời cơ, thách thức, tạo ra một bước phát triển nhanh, bền vững, tạo ra chuyển động toàn bộ. Có thể nói, hiện nay niềm tin của thị trường, niềm tin của xã hội được nâng lên rất nhiều. Cộng với việc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lợi ích nhóm, quyết liệt tinh giản biên chế; đẩy mạnh tự chủ của đơn vị sự nghiệp hướng tới giảm dần chi thường xuyên để tăng cho đầu tư phát triển... là điều kiện để năm 2018 chúng ta đạt tăng trưởng như kỳ vọng. Nếu chúng ta quyết tâm ngay từ những ngày đầu, tháng đầu, cộng với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, tạo ra những động lực để phát huy những cái đạt được và khắc phục những tồn tại thì hoàn toàn có thể hoàn thành nhiệm vụ của 2018 với mục tiêu tăng trưởng GDP phải đạt 6,7%. Quan trọng hơn, tăng trưởng phải là tăng trưởng bền vững, tăng trưởng chất lượng chứ không phải là tăng trưởng để tạo ra những gì bất ổn lâu dài.
° Xin cảm ơn Bộ trưởng!