Bộ Xây dựng cần trả lời về trách nhiệm quản lý nhà công, biệt thự

Tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai của các tổ chức

Sau khi Báo SGGP ra ngày 27-5-2009, đăng ý kiến của ĐBQH Lê Như Tiến (Quảng Trị) liên quan đến thực trạng quản lý nhà đất công, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) và Bộ Tài chính đã có các công văn (số 1835/BTNMT-PC ngày 29-5 và 7927/BTC-QLCS ngày 3-6) trả lời đại biểu.

Công văn khẳng định, Bộ TN-MT đã tích cực, chủ động thực hiện và tham mưu cho Chính phủ thực hiện tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục về đất đai, rà soát, kiến nghị sửa đổi các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, thành lập các đoàn kiểm tra việc sử dụng đất của các nông, lâm trường, kiểm tra việc sử dụng đất của các tổ chức được giao đất, cho thuê đất...

Tuy nhiên, bộ thừa nhận thực tế là, việc thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai vẫn chưa được tiến hành triệt để.

Bộ TN-MT sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất những chế tài, cơ chế tài chính phù hợp để đảm bảo tính khả thi của các quyết định thu hồi; tránh tình trạng có quyết định thu hồi, điều chỉnh quy hoạch nhưng dự án vẫn “treo” và ngày càng phức tạp hơn.

Trước mắt, Bộ TN-MT sẽ tập trung chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 618/CT-TTg ngày 15-5-2009 về kiểm kê đất đai và xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2010.

Còn theo Bộ Tài chính, xuất phát từ thực tế sử dụng tài sản công, đặc biệt là nhà đất còn lãng phí, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện sắp xếp lại nhà đất. Toàn bộ trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp được bố trí, sắp xếp lại theo nguyên tắc Nhà nước sẽ thu hồi nhà đất để trống, sử dụng sai mục đích, không có phương án sử dụng hiệu quả.

Thực hiện thí điểm chủ trương này tại TPHCM, Nhà nước đã quyết định thu hồi 162 cơ sở nhà đất với tổng diện tích 609.690m2. Thông qua việc sắp xếp lại cơ sở nhà đất, bán nhà, chuyển nhượng quyền sử dụng đất và chuyển mục đích sử dụng đất đã thu được 14.264 tỷ đồng. Kết quả ban đầu cho thấy chính sách này mang lại kết quả quan trọng cả về kinh tế và xã hội.

Tuy nhiên, quá trình xử lý cụ thể đã phát sinh nhiều vướng mắc như hồ sơ pháp lý không đầy đủ, một số bộ ngành và địa phương chưa quan tâm đúng mức, chưa quyết liệt trong việc xử lý, sắp xếp theo quy định, quy hoạch và phân cấp quản lý đô thị của các tỉnh, thành phố đang trong quá trình điều chỉnh… nên công tác này gặp khó khăn và phải kéo dài.

Vẫn theo Bộ Tài chính, Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (có hiệu lực từ ngày 1-1-2009) khi đi vào thực hiện sẽ góp phần ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hiện tượng vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, trong đó có nhà đất công. Bộ Tài chính đã trình Chính phủ các văn bản quy định và hướng dẫn chi tiết thi hành luật này, đồng thời tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách cụ thể, nhất là về tiêu chuẩn, chế độ; về công khai và xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ĐB Lê Như Tiến cho biết, những nội dung trả lời của hai bộ về tình hình quản lý đất đai - công sản, thực trạng sai phạm, hướng xử lý khắc phục… là khá rõ. “Tuy nhiên, tôi muốn được trả lời cụ thể hơn về trách nhiệm của các bộ và cá nhân các bộ trưởng với tư cách là người đứng đầu các bộ ngành quản lý về đất đai, công sản. Nội dung này chưa rõ. Bên cạnh đó, cho đến thời điểm này tôi vẫn chờ đợi trả lời từ Bộ Xây dựng. Đây là cơ quan quản lý Nhà nước về quỹ nhà công vụ, công sở, biệt thự”, ông Tiến nhận định.

Tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai của các tổ chức

* Hiện nay cả nước có 144.485 tổ chức đang sử dụng trên 7,8 triệu ha, trong đó giao đất không thu tiền là 5,7 triệu ha; giao đất có thu tiền 0,1 triệu ha; thuê đất 1,3 triệu ha; các hình thức khác: 0,7 triệu ha.

* Thống kê các hình thức vi phạm:

- Cho thuê đất trái phép chiếm 0,83% số tổ chức sử dụng đất.

- Cho mượn đất trái phép chiếm 1,14% số tổ chức sử dụng đất.

- Giao đất nhưng chưa sử dụng chiếm 2,85% số tổ chức sử dụng đất.

- Sử dụng không đúng mục đích chiếm 2,29% số tổ chức sử dụng đất.

- Còn 20% tổ chức kinh tế được giao đất không thu tiền sử dụng đất (trước Luật Đất đai 1993) nhưng đến nay chưa chuyển sang hình thức thuê đất.

- Tranh chấp đất đai chiếm 0,82% số tổ chức sử dụng đất.

(Trích công văn số 1835 của Bộ TN-MT)

Anh Thư

Tin cùng chuyên mục