“Ba năm về trước, tôi làm từ thiện theo cách của mình. Mình có cái áo không mặc nữa, mình đem đi cho, ai mặc thì mặc, không quan tâm người ta có cần hay không, phát mì tôm, phát gạo... cũng vậy. Cho đến một ngày, tôi thấy có người mang gạo từ thiện để nấu cho… heo ăn”, chị Nguyệt Đình Khôi, người sáng lập Chương trình từ thiện Y Tâm, chia sẻ về quá trình làm từ thiện của mình.
Nhận thấy cho “con cá” chưa chắc người ta đã cần, chị Nguyệt Đình Khôi chuyển sang cho “cần câu”. Cũng như Y Tâm, nhiều tổ chức, chương trình từ thiện tại TPHCM đang có bước chuyển hướng.
Gạo từ thiện đổ cho… heo
Y Tâm kêu gọi các nhà tài trợ mỗi tháng được 3 tấn gạo, phát định kỳ tới các hộ gia đình. Một ngày, chị Khôi vô tình mở bao gạo 25kg ra kiểm tra, nấu thử thì bản thân mình… không nuốt nổi. Hạt cơm rời rồng rộc, khô cứng. Chị rà lại các gia đình được nhận gạo thì thấy có người đổ cho chó, cho heo ăn, có người mang ra tiệm đổi lấy gạo khác.
“Nhiều người có suy nghĩ đi làm từ thiện thì không cần tặng gạo ngon và thường chỉ mua loại rẻ nhất. Không chỉ gạo, các mặt hàng khác cũng vậy, có khi lại hết hạn sử dụng rồi. Là người vận động, chúng tôi không thể từ chối”, chị Khôi chia sẻ.
Người khiếm thị tìm kiếm việc làm trong Ngày hội việc làm. Giới thiệu việc làm là cách hỗ trợ người khiếm thị tự lập, ít phải phụ thuộc vào người khác
Không những lãng phí vì tặng thứ người được tặng không cần, một hệ quả khác của việc tặng quà là tạo tâm lý ỷ lại ở người nhận. Chị Khôi cho hay, đến ngày 5 hàng tháng mới phát gạo nhưng một số gia đình chưa đến ngày đã gọi điện báo “hết gạo rồi”. Có gia đình khác không nằm trong danh sách được nhận gạo nhưng lại thắc mắc “tại sao không cho nhà tôi”. Cảm thấy mệt mỏi, áp lực, Y Tâm co hẹp chương trình tặng gạo và chuyển sang tặng các gia đình vật nuôi để họ tạo thu nhập. Từ đó, không ai xin hay thắc mắc hơn thiệt nữa.
Dẫn chứng trường hợp Hào Anh được cộng đồng cho gần 1 tỷ đồng nhưng không biết cách sử dụng hợp lý, những người làm công tác xã hội cho rằng, việc từ thiện của chúng ta đang theo lối mòn, cứ cho những gì ta có và có khi cho quá nhiều nên người nhận đâm ra ỷ lại, không còn thấy ý nghĩa gì trong việc được nhận quà nữa. Để cho một cách thiết thực thì người cho cần tìm hiểu xem người nhận mong muốn cái gì rồi tùy năng lực, hoàn cảnh mà hỗ trợ phù hợp.
Cần có sự tham gia của chính người nhận
Bước chuyển đổi đến với Y Tâm cách đây 3 năm. Chị Nguyễn Thị Nhạn (quê Sóc Trăng), người khuyết tật cả tay và chân, luôn nghĩ mình đã tàn phế và có tư tưởng tiêu cực về cuộc sống. Được Y Tâm tặng chiếc máy may, chị Nhạn nỗ lực học nghề, sau 4 tháng đã may được miếng lót nồi. Sau đó, mỗi ngày chị may được 5 miếng, bán 3.000 đồng/miếng. Cuộc sống của chị Nhạn cũng thay đổi hoàn toàn, giờ đây chị cười nói suốt ngày, không ủ rũ, sầu muộn nữa. “
Trường hợp chị Nhạn giúp chúng tôi nhận thấy việc cho cần câu quan trọng gấp bội lần so với cho con cá”, chị Khôi đúc kết. Sau đó Y Tâm thay đổi cách hỗ trợ, một mặt duy trì các hoạt động từ thiện phát quà, phát cơm với mục đích tạo cơ hội để các bạn trẻ tham gia, một mặt chú trọng thực hiện các dự án hỗ trợ cộng đồng dài hơi, mang “cần câu” đến tặng người yếu thế để họ có thể tự lập. “Cần câu” có thể là sinh kế hay cây cầu giúp người dân đi lại thuận lợi hơn.
Để người nhận không ỷ lại, thậm chí mặc định có mạnh thường quân đến là sẽ cho họ một cái gì đó, anh Phạm Tâm Tuấn Khương, người sáng lập Bếp sẻ chia, cho biết Bếp sẻ chia rất hạn chế phát bánh kẹo, tặng quà cho các em thiếu nhi. Khi biết 10% học sinh ở một trường học ở Tây Ninh không có tiền đóng 400.000 đồng tiền quỹ vệ sinh, nước uống, quỹ các loại, Bếp sẻ chia đã đóng giùm. Nhưng chính Bếp sẻ chia cũng không biết mình có thể đóng giúp được trong bao lâu. Sau đó, Bếp sẻ chia đã làm hệ thống nước sạch tặng nhà trường và nhà trường cam kết miễn tiền quỹ cho các em khó khăn này.
Ở một mái ấm khác, thay vì tặng quà, Bếp sẻ chia tổ chức một trận bóng đá. Người tham gia chính là các em có hoàn cảnh khó khăn, các em thi đấu chính là cách góp sức ủng hộ các em có hoàn cảnh khó khăn khác nữa. “Các em chỉ biết nhận thôi. Vấn đề là cách làm của mình, làm sao để lá rách đùm nhau, để các em biết nhận và sẻ chia chứ không chỉ có nhận không. Khi đó, người nhận sẽ không đòi hỏi nhiều về vật chất nữa”, anh Khương chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Nữ, người sáng lập Tủ sách ước mơ, thì cho biết Tủ sách ước mơ thường tặng các nhà trường một tủ sách với điều kiện, nhà trường phải cử người tổ chức các hoạt động đọc sách. Có trường hợp, ban đầu trường cam kết, sau đó không làm, để sách nằm im trong tủ và Tủ sách ước mơ đã đến lấy lại sách. Theo chị Nữ, khi cả hai bên cùng làm, càng kéo được sự tham gia nhiều của các đối tượng thụ hưởng thì càng hạn chế việc ỷ lại.
Bớt tư duy từ thiện
Chúng ta phải chấp nhận rằng, hiện nay xã hội Việt Nam đang đứng ở xã hội từ thiện. Bản thân tôi chẳng hạn, nếu tôi nói tôi đang làm từ thiện thì dễ hơn là nói tôi đang làm công tác xã hội. Nhắc đến “từ thiện” ai cũng hiểu liền, không phải mất 10 phút “đứng hình” rồi phải chờ giải thích như khi nói “công tác xã hội”.
Với các doanh nghiệp cũng vậy. Doanh nghiệp thường chỉ muốn đơn giản là cho người đến các mái ấm dạy học, sơn lại tường, tổ chức ca hát vui chơi với các em. Tôi thì không đi theo hướng nhận quần áo, mì tôm, gạo… để đi cho. Dù tôi biết việc mang quà tới tặng rồi đi về thì rất dễ. Khi gặp doanh nghiệp hay những người có tấm lòng thơm thảo, tôi đều cố thuyết phục họ cùng chúng tôi đi theo một hướng khác, không phải từ thiện mà là làm dự án bài bản hơn, hỗ trợ làm sao để người được hỗ trợ tự lực vươn lên. Nhưng rất khó để khuyến khích các doanh nghiệp tìm hiểu xem các dự án, chương trình dài hơi làm gì, như thế nào.
Chúng tôi vẫn kiên trì thuyết phục, ngồi lại với doanh nghiệp để tìm ra được giải pháp tốt nhất là cần hiểu rõ bản thân các em nhỏ cần gì, sau đó đồng hành một quá trình đến khi có thành tựu. Và hiện tại, chúng ta đang có cả chục mô hình như vậy. Chỉ có cố gắng thay đổi mới thúc đẩy cùng nhau xây dựng một xã hội bớt tư duy từ thiện đi và có những hoạt động hiệu quả bền vững hơn.
Ông PHẠM TRƯỜNG SƠN, (Trung tâm Hỗ trợ phát triển cộng đồng LIN)
Từ từ thiện sang công tác xã hội
Làm từ thiện là xuất phát từ cái tâm muốn làm việc tốt và có xu hướng ban phát, cho, tặng, hỗ trợ. Từ thiện nghiêng về cho cái gì mình có. Tình nguyện cũng xuất phát từ cái tâm muốn làm việc tốt của bản thân, làm không bị bắt buộc và không vì lợi ích cá nhân. Người làm từ thiện, tình nguyện rất nhiều, các hoa hậu, diễn viên, người nổi tiếng, doanh nhân, sinh viên… Tương tự như vậy nhưng công tác xã hội là hoạt động mà người làm công việc này được đào tạo bài bản, có chương trình, quy trình rõ ràng và có phương pháp đầy đủ để tìm hiểu, phân tích nhu cầu của chính thân chủ, từ đó trợ giúp họ giải quyết vấn đề của họ, đồng hành một quá trình cho đến khi họ có sự thay đổi, từng bước vươn lên tự lực trong cuộc sống. Việc làm này đòi hỏi dài hơi hơn và hiệu quả bền vững hơn là từ thiện, tình nguyện. Đây cũng là một nghề được chính thức công nhận từ năm 2010 ở Việt Nam.
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 400 tổ chức phi chính phủ, vài ngàn tổ chức địa phương và các câu lạc bộ, đội nhóm từ thiện, tình nguyện thì không thống kê hết được. Tuy nhiên, không có sự kết nối nên công tác xã hội và việc làm từ thiện, tình nguyện còn mỗi người làm một cách khác nhau. Từ thiện, tình nguyện và công tác xã hội có mối liên hệ chứ không phải đối chọi nhau. Tại các quốc gia trên thế giới, nghề công tác xã hội được công nhận từ cả 100 năm trước, nhưng trước đó cũng xuất phát từ từ thiện. Việt Nam đang đi theo hướng đó, rất tiếc là hơi chậm, song chậm còn hơn không.
Làm từ thiện cũng phải được tập huấn, đào tạo
Nhiều người đi làm từ thiện bằng cái tâm nhưng không biết quy định thế nào, có khi vô tình vi phạm quyền trẻ em. Tình trạng khá phổ biến hiện nay là sử dụng hình ảnh các trẻ em bị dị tật, bị bệnh, để kêu gọi giúp đỡ. Khi đăng các ảnh bi thương, chúng ta có băn khoăn rằng sau này lớn lên, người trong ảnh sẽ “sốc” vì hình ảnh của mình từng dùng để xin tiền?
Trong việc làm từ thiện, đạo đức là quan trọng, quan trọng nữa là kỹ năng, làm sao mang lại lợi ích cho cộng đồng mà không gây hại cộng đồng của mình; cho như thế nào là vừa phải để kích thích người ta tự phát triển chứ không phải vô tình triệt khả năng tự lực rồi quay sang trông đợi vào người khác hoài. Chứ mang đến cho rồi để lại hậu quả thì còn nguy hiểm nữa. Làm từ thiện thì có cần được đào tạo, tập huấn để làm từ thiện hay không? Tôi nghĩ là cần.
Người làm từ thiện là người vừa có tâm, có tài chính. Trong khi công tác xã hội cần vận động nguồn lực của tất cả cộng đồng để trợ giúp dài hơi cho đối tượng. Tại sao chúng ta không kết hợp cả hai? Những người làm công tác xã hội được đào tạo, có kỹ năng, có phương pháp có thể kết nối với người làm từ thiện để hướng dẫn và cùng làm hiệu quả hơn, chứ không chỉ làm bằng cái tâm.
Bà NGUYỄN THỊ NGỌC BÍCH (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu - Tư vấn công tác xã hội và phát triển cộng đồng - SDRC)
ĐƯỜNG LOAN