Cuối cùng, giá điện đã tăng, sau nhiều kiến nghị, trì hoãn. Với quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân tăng 8,92% lên 948,5 đồng/kWh từ ngày 1-3, Chính phủ đã thực hiện bước đi đầu tiên trong việc “thả” giá điện theo cơ chế thị trường. Công bằng mà nói, việc tăng giá điện là lộ trình tất yếu để thu hút đầu tư vào ngành điện, nhất là khi giá bán điện của VN thuộc loại thấp nhất khu vực. Điều xã hội quan tâm nhất hiện nay là liệu giá điện tăng, chất lượng có tăng?
Với cơ chế thị trường, giá tăng thì yêu cầu với chất lượng dịch vụ sẽ phải tăng. Thế nhưng ngay khi đã có quyết định tăng giá điện, ngành điện vẫn không bảo đảm sẽ chấm dứt tình trạng thiếu điện mà “chỉ đỡ hơn” (?). Vậy thì ngành điện có sòng phẳng và có trách nhiệm với người tiêu dùng trong việc cung ứng sản phẩm theo nguyên tắc “tiền nào, của nấy”?
Khi chịu trả tiền điện với giá cao, người tiêu dùng liệu có quyền đòi hỏi những sự cố cắt điện không báo trước do EVN cố tình huy động quá định mức cho phép, gây quá tải, ngắt điện tự động phải bị phạt, đền bù thỏa đáng cho thiệt hại của người dân, doanh nghiệp?
Trong lộ trình hướng đến một thị trường điện cạnh tranh, người nghèo vẫn được ưu đãi bằng một cơ chế bù giá mới mà cụ thể là những hộ tiêu thụ dưới 50kWh đầu sẽ được bù giá 35%-40%. Tuy nhiên, vấn đề được quan tâm là làm thế nào để cơ chế này đến đúng đối tượng. Theo cơ chế bù giá mới, người nghèo sẽ được giảm trừ tiền điện bằng cách khấu trừ trực tiếp vào hóa đơn tiền điện hàng tháng. Bậc thang đầu tiên (dưới 50kWh), được Nhà nước bán điện dưới giá thành. Từ 51-100kWh, bán bằng giá thành.
Từ 100kWh trở lên, mới bán theo giá thị trường (có tính lợi nhuận). Ngoài ra, giá bán buôn cho từng bậc thang ở khu vực nông thôn còn được giảm trừ 25%-30% tổn thất điện năng và chi phí quản lý vận hành lưới điện. Tuy nhiên, nhiều hộ gia đình ở nông thôn, do nghèo nên không có đồng hồ điện riêng, mà thường nhiều hộ xài chung, hoặc “bắc nhờ” qua hộ khá giả. Mức tiêu thụ điện năng trong trường hợp này sẽ tăng, và số điện tiêu thụ vượt mức tại tổng được chia đều cho các hộ, như vậy, người nghèo vẫn phải sử dụng điện giá cao.
Để thực hiện đúng ý nghĩa của việc điều chỉnh giá điện lần này là “hỗ trợ đúng và trúng đối tượng”, EVN cần có sự khảo sát cụ thể các hộ nghèo để thực hiện cơ chế bù giá điện cho chính xác. Việc rà soát lại danh sách hộ nghèo, tránh tình trạng một số địa phương vì chạy theo thành tích, đã giảm bớt hộ nghèo, hay chọn “nhầm” hộ nghèo, như việc hỗ trợ tiền tết không đúng đối tượng vừa qua cũng rất cần thiết.
Đ.NGUYỄN