Cissy Đinh, biên tập viên ở một tạp chí tại Trung Quốc đã chọn việc tạo một account (tài khoản) trên micro - blogging (blog siêu ngắn) tại mạng xã hội Weibo trong những ngày đầu năm mới. Cô Đinh nói: “Nếu không thể tạo tài khoản mới trên blog, tôi sẽ bị lạc hậu”. Cissy Đinh không phải là một trường hợp cá biệt. Hiện nay, tại quốc gia có dân số đông nhất thế giới này đang xuất hiện trào lưu tham gia vào các mạng xã hội do chính các công ty internet của Trung Quốc sáng lập, tạo thành sự bùng nổ làn sóng cư dân mạng đông nhất từ trước tới nay.
Con số này đang dừng lại ở mức 384 triệu người. Họ thường xuyên online, viết trên các trang mạng xã hội, nhắn tin cho bạn bè và chia sẻ các video clip trên QQ - một cổng tin nhắn trên Qzone và Youku. Rất ít trường hợp sử dụng song song cả 2 mạng Trung Quốc và nước ngoài. Có những cư dân mạng sử dụng MSN để liên lạc với bạn bè nước ngoài và sử dụng QQ để nhắn tin trong nước. Nhưng con số này không đáng kể.
Không giống như nhiều quốc gia trong khu vực, cư dân mạng Trung Quốc rất ưa chuộng “hàng nội địa”. Trung tâm thông tin mạng internet Trung Quốc (CNNIC) cho biết, số website dịch vụ mạng xã hội của Trung Quốc đã vượt qua con số 1.000 và tiếp tục tăng. Hầu hết trong số những người tham gia các mạng xã hội Trung Quốc là những người trẻ, ở độ tuổi 20, chiếm 52,6%. Hiện nay, thị trường Trung Quốc không phải là mảnh đất béo bở cho các mạng xã hội nước ngoài.
Các mạng như Facebook, MySpace và Twitter chưa một lần giành được chỗ đứng đáng kể ở Trung Quốc vì chính sách kiểm duyệt và hầu hết các công ty Internet lớn của Trung Quốc cũng có mạng xã hội riêng. Twitter và Facebook đã buộc phải tạm ngừng hoạt động tại Trung Quốc vào tháng 7-2009 sau vụ bạo loạn tại Tân Cương vì chính quyền Bắc Kinh cho rằng phần tử xấu đã lợi dụng những mạng này để đưa thông tin không chính xác. Ngay sau khi YouTube ra đi, đã có Youku và Tudou thay thế; Ren Ren và Kai Xin đã lấp đầy khoảng trống của Facebook.
Cuối tháng qua, sự kiện Google dọa rút khỏi thị trường Trung Quốc vì chính sách kiểm duyệt gắt gao của nước này đã gây xôn xao trên thế giới, đẩy quan hệ Mỹ - Trung thêm phần căng thẳng. Các nhà phân tích cho rằng lý do Google “nản chí” ở Trung Quốc không chỉ vì chính sách kiểm duyệt mà còn vì họ không có khả năng đuổi kịp đối thủ bản địa là Baidu. Google hiện chỉ chiếm 33% thị trường tìm kiếm trong khi đối thủ Baidu chiếm tới 63%.
Ông Đoàn Hồng Binh, một chuyên gia phân tích IT của Trung Quốc nhận định: “Nếu Facebook và You Tube không bị khóa tại Trung Quốc, họ cũng khó có thể cạnh tranh với Kaixin, Youku và một số trang mạng khác”.
Lý giải cho nguyên nhân thất bại của các mạng xã hội nước ngoài, một số nhà phân tích nhận định, người Trung Quốc thích các trang mạng nội địa là vì nó có tiếng Trung Quốc - ngôn ngữ mẹ đẻ của họ.
Thanh Hằng (Theo AFP, THX)