Bước đầu luôn là bước khó khăn nhất

Theo tính toán của những người trong cuộc, nếu TPHCM xây dựng xong các tuyến vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) đường thủy và thu hút, kích thích được người dân chuyển sang sử dụng buýt sông thay vì phương tiện giao thông cá nhân đường bộ như lâu nay, điều đó sẽ giúp tiết kiệm cho thành phố gần 1,5 triệu USD/ngày gây ra từ nạn kẹt xe! Không những thế, đáng chú ý là về mặt địa lý tự nhiên, điều kiện sông nước trên địa bàn thành phố có thể xem như món quà tặng của tạo hóa cho VTHKCC đường sông bởi vì luồng lạch tự nhiên rất thuận lợi để có thể từ trung tâm thành phố tỏa đi 4 hướng bằng đường thủy.

Ngoài những khía cạnh lạc quan, sáng sủa, vẫn còn đó một loạt khó khăn cần được giải quyết trước khi hai tuyến buýt sông thí điểm từ lý thuyết bước vào hoạt động thực tế. Đó là những vấn đề như giá vé phải được ấn định như thế nào để hợp lý với “sức mua” của hành khách, đồng thời thỏa đáng với nhà đầu tư, một bài toán khó, tiềm ẩn xung khắc lợi ích giữa người sử dụng và bên cung cấp dịch vụ; yêu cầu phải “đánh đổ” cho bằng được thói quen chuộng sử dụng phương tiện cá nhân đường bộ lâu nay của đại bộ phận cư dân thành thị trước khi có thể nói đến chuyện lôi kéo họ đến với xe buýt, cả buýt đường bộ lẫn buýt đường sông; những thách thức do chi phí đầu tư ban đầu cho hạ tầng cơ sở buýt sông khá lớn.

Chẳng hạn vấn đề giá vé, cách đây 5 năm, trong đề án ban đầu, nhà đầu tư đề xuất giá vé hành khách vào khoảng 15.000 đồng/vé. Mức giá ấy và vào thời điểm ấy đã được nhà đầu tư coi là “không thể thấp hơn được nữa”, nhưng sắp tới khi dự án đi vào hoạt động, mức giá đó chắc chắn phải được tính toán lại cho phù hợp với tình hình thực tế. Tương tự, thoạt đầu cách đây 5 năm, nhà đầu tư dự kiến phải “thủ” sẵn trong túi ít nhất 50 - 70 tỷ đồng nếu làm thăm dò, thử nghiệm và cần nhiều hơn thế nữa một khi triển khai mở rộng, đại trà, bởi vì chỉ riêng mỗi bến nhỏ chuyển tiếp khách cũng cần khoản kinh phí trên dưới 1 tỷ đồng/trạm. Đến nay, vốn đầu tư đã đội lên khi kinh phí đầu tư được xác định trên 124 tỷ đồng và chỉ cho giai đoạn từ nay đến năm 2020.

Nói gì thì nói, buýt đường sông là một trong những xu thế phát triển tất yếu, đặc biệt đối với siêu đô thị như TPHCM lại càng không thể chỉ hạn hẹp, dồn toàn bộ trách nhiệm giải quyết giao thông lên loại hình xe buýt đường bộ. Trải qua giai đoạn dài xúc tiến, nay dự án hai tuyến buýt đường sông đã gần như chốt lại và nếu như không có gì trở ngại, ngày 2-9-2017 sẽ là một cột mốc đặc biệt, bởi đó là ngày dự kiến đưa vào khai thác tuyến buýt đường sông đầu tiên, tuyến buýt số 2 Bạch Đằng - Lò Gốm.

HUY KHÁNH

Tin cùng chuyên mục