Đó là một trong số vô vàn lời hăm doạ mà tiền đạo Jamie Vardy phải nhận. Đó cũng là một trong những biến cố mà gia đình anh phải chịu - vợ anh bị kiếm chuyện ngoài đường. Dân tình vẫn tin Vardy là một trong những kẻ phản bội cựu HLV Ranieri.
Jamie Vardy (trái) cũng đã ghi bàn liên tục ngay khi Claudio Ranieri bị sa thải
1- Vì sao Claudio Ranieri bị sa thải và phải chăng những cầu thủ một thời trung thành như Jamie Vardy đã “đâm sau lưng” ông hay không? Câu chuyện ấy đã một lần nữa được xới lên tại St George’s Park, trung tâm bóng đá quốc gia của LĐBĐ Anh, nơi những tuyển thủ như Vardy đang tề tựu để chuẩn bị cho các trận giao hữu quốc tế.
Một câu chuyện vừa đắng cay, vừa đau xót. Với chức vô địch thần kỳ ở Premier League năm ngoái, Ranieri xứng đáng được dựng tượng. Trái lại, với cú tuột dốc không phanh kéo dài đến khác thường ở mùa này - ông cầm quân 25 trận mà chỉ có 21 điểm, ban lãnh đạo Leicester đã phải đi đến một quyết định chẳng đặng đừng là sa thải ông. Đó là một giải pháp hợp logic, rất thường thấy và nếu so ra thì cũng chẳng chấn động gì hơn Chelsea sa thải Mourinho.
Cái chấn động ở đây, theo báo chí Anh, là đã có tác động từ phía cầu thủ. Chẳng hạn như truyền hình Sky Sports đưa tin rằng một cuộc họp riêng giữa ban lãnh đạo và một số cầu thủ cốt cán của Leicester đã diễn ra sau khi thua Sevilla 1-2 ở trận lượt đi Champions League (hồi tháng 2). Trong cuộc họp ấy, những thành viên như Vardy đã nói thẳng ra rằng họ không chấp nhận Ranieri nữa. Thế là quyết định sa thải được công bố chỉ vài giờ sau đó. Ranieri và các trợ lý Paolo Benetti, Andrea Azzalin phải ra đi. Riêng Shakespeare - một trợ lý được xem là đã bất đồng sâu sắc với Ranieri - vẫn ở lại cầm quân tiếp tục.
2- Theo Vardy, báo chí Anh đưa tin như thế là đã vu oan quá mức, khiến cho anh và cô vợ Rebekah phải hứng chịu vô số lời chỉ trích cũng như hăm doạ, chịu không thấu.
“Tôi có đọc một bài báo viết rằng cuộc họp khiến cho Ranieri bị sa thải đã diễn ra ngay sau trận thua Sevilla, và tôi là một trong những người tham gia cuộc họp đó”, Vardy bộc bạch, “Trên thực tế, lúc ấy tôi phải ngồi 3 tiếng đồng hồ với những người chuyên trách chống doping. Nhưng báo chí đồn thì vẫn cứ đồn, và dư luận đọc được rồi nhảy xổ lên, thế là tôi bị dọa giết. Kiểu như là “bước ra đường, mày sẽ chết” vậy. Và cũng không riêng gì tôi mà gia đình tôi, các con tôi, mọi thứ thuộc về tôi cũng bị dọa như vậy”.
Vardy nói tiếp: “Cái kiểu thù ghét như thế, tôi vẫn gặp hằng tuần. Hình như khán giả không thích tôi. Cứ ló mặt ra sân nào là tôi lại bị xúc phạm ở sân đó. Tôi chấp nhận, vì bóng đá là vậy. Nhưng nếu vợ tôi bị người ta chặn lại chửi thậm tệ khi cô ấy đang lái xe chở các con tôi, điều đó thật khủng khiếp... Hãy nhớ kỹ lời tôi: Chẳng có cuộc họp sa thải nào. Chẳng có vấn đề gì giữa chúng tôi với Ranieri. Những gì ông ấy đã làm ở mùa trước, cả triệu năm nữa cũng không mong gì được. Tất cả chúng tôi đều tan nát trong lòng khi CLB sa thải Ranieri”.
3- Cứ cho là như vậy đi. Nhưng câu chuyện vẫn chưa thể khép lại ở đây được. Tại sao không bày tỏ sự “tan nát” ấy thật sớm? Lúc Ranieri bị sa thải, tại sao toàn bộ thành viên thi đấu như Vardy phải chờ thêm gần tròn 2 ngày mới lên tiếng nói lời tri ân - và lên tiếng một cách đồng loạt, cứ như là đã có hẹn nhau vậy?
Còn nữa: Lúc Ranieri còn cầm quân, Leicester không thắng nổi một trận nào ở Premier League kể từ đầu năm 2017, thậm chí không ghi nổi một bàn nào. Trái lại, ông vừa đi khỏi là Leicester lập tức thắng Liverpool 3-1 một cách oanh liệt, thắng Hull 3-1, thắng West Ham 3-2, chưa kể thắng luôn Sevilla 2-0 ở lượt về để giành quyền vào tứ kết Champions League. Tại sao lại như vậy? Nếu không đâm sau lưng Ranieri bằng cuộc họp sa thải nọ thì đội hình Leicester cũng đã ngấm ngầm phản bội bằng cách không thi đấu cho hết mình, phải vậy không?
Chính vì những kết quả như trên, đừng ngạc nhiên nếu mai này báo chí Anh lại bảo rằng những lời thiết tha của Vardy chỉ là một màn kịch. Cũng đừng bất ngờ nếu nhiều người hâm mộ vẫn ghét bỏ anh ta. Không có lửa thì làm sao có khói chứ...
HƯNG NGUYÊN tổng hợp