Bước tiến trong chuyển đổi mô hình chính phủ điện tử

Sự kiện Dubai (Các tiểu vương quốc Arab thống nhất - UAE) xây dựng thành công nền hành chính không dùng giấy tờ đánh dấu bước tiến lớn của mô hình chính phủ điện tử. Đây cũng là mô hình mà nhiều quốc gia đang theo đuổi nhằm ứng dụng các tiện ích thông minh phục vụ người dân, tạo thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư.
Ứng dụng Dubai Now giúp người dân tiết kiệm thời gian khi làm thủ tục hành chính
Ứng dụng Dubai Now giúp người dân tiết kiệm thời gian khi làm thủ tục hành chính

Tiết kiệm chi phí vận hành

Ở thời điểm hiện tại, toàn bộ thủ tục, giao dịch nội bộ hay bên ngoài chính quyền Dubai đã số hóa và được quản lý trên nền tảng dịch vụ kỹ thuật số của thành phố này. 45 cơ quan công quyền của Dubai đã hoàn tất việc chuyển sang mô hình chính phủ điện tử. Không một thủ tục hành chính nào tại Dubai còn thực hiện thông qua giấy tờ truyền thống. 

Thái tử Sheikh Hamdan bin Mohammed bin Rashid Al Maktoum của Dubai cho biết, việc chuyển đổi mô hình giúp Dubai tiết kiệm 1,3 tỷ Dirham, tương đương 350 triệu USD và 14 triệu giờ làm việc mỗi năm. Ông khẳng định: “Thành tựu này củng cố vị thế của Dubai với tư cách là thủ đô kỹ thuật số hàng đầu thế giới và vị thế hình mẫu trong việc thiết kế các hoạt động, dịch vụ của chính phủ nhằm nâng cao mức độ hạnh phúc của người dân”.

Theo KhaleejTimes, chiến lược xây dựng nền hành chính hoàn toàn không giấy tờ được Dubai khởi động năm 2018, chia làm 5 giai đoạn. Giai đoạn cuối cùng chính thức hoàn thành vào giữa tháng 12 năm nay. Chiến lược Dubai không giấy tờ có 3 mục tiêu chính: Đáp ứng nhu cầu của người dân và cung cấp các dịch vụ một cách chủ động; bảo đảm năng lực cạnh tranh và vị thế dẫn đầu của Dubai trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số; nâng cao hiệu quả hoạt động của chính phủ nhằm tiết kiệm chi phí vận hành.

Sau khi hoàn tất việc chuyển sang nền hành chính hoàn toàn không giấy tờ, chính quyền Dubai cho biết, mục tiêu tiếp theo sẽ là số hóa mọi dịch vụ của cuộc sống. Như vậy, không chỉ các cơ quan hành chính nhà nước mà các tổ chức hay doanh nghiệp tư nhân cũng sẽ không nằm ngoài chiến lược số hóa của chính quyền Dubai.

Công tác số hóa được hỗ trợ bởi ứng dụng Dubai Now. Được mệnh danh là một trong những phát triển chiến lược của Dubai, ứng dụng này giúp người dân tương tác với các công việc hành chính liên quan hay truy cập vào hơn 130 dịch vụ thông minh, trong đó có các danh mục khác nhau như hóa đơn, lái xe, nhà ở, cư trú, y tế, giáo dục, cảnh sát, du lịch…

Khuyến khích phát triển khoa học - công nghệ

Châu Á là khu vực thúc đẩy chuyển đổi sang mô hình chính phủ điện tử mạnh mẽ nhất thế giới. Tại Singapore, hành trình số hóa được khởi động từ 30 năm trước, khi đảo quốc sư tử bắt đầu tạo lập các kho dữ liệu trên máy tính. Đặc biệt, từ năm 2017, Singapore đẩy mạnh chuyển đổi số và coi đây là một chương trình quan trọng mang tầm quốc gia.

Trong các giai đoạn tiếp theo, Chính phủ Singapore triển khai các dịch vụ online và tích hợp dữ liệu số. Nhóm công tác quốc gia thông minh và chuyển đổi số đã được thành lập, quy tụ những chuyên gia nòng cốt của các bộ ngành tham gia, triển khai đồng bộ nhiều bộ phận, lĩnh vực dưới sự giám sát của Hội đồng các bộ trưởng.

Một trong những thành công trong quá trình chuyển đổi số của Singapore là đã tạo được các “hành trình dịch vụ” - quy trình giúp người dân có thể tiếp cận các loại dịch vụ bất kỳ một cách dễ dàng. Chỉ bằng các ứng dụng trên thiết bị di động hoặc máy tính, người dân Singapore có thể thực hiện các thủ tục mà không tốn nhiều thời gian đi lại.

Thái Lan cũng được xem như hình mẫu chuyển đổi số trong khu vực Đông Nam Á. Bắt đầu từ năm 2017, Chính phủ Thái Lan đã đưa ra kế hoạch 5 năm đầy tham vọng là chuyển đổi số cho toàn bộ hệ thống công quyền, từ quản lý công cho đến hỗ trợ du lịch, cảnh báo thảm họa thiên nhiên và nâng cao hiệu quả của nông nghiệp.

Một trong những bước đi trên hành trình chuyển đổi số của Thái Lan là thực hiện chiến lược phát triển chính phủ điện tử 4.0, nhằm hiện thực hóa 4 nội dung chính đã được Cục Chính phủ điện tử (EGA) đưa ra trong Kế hoạch phát triển chính phủ số. Trong đó có các mục tiêu như xây dựng chính phủ tích hợp, bao gồm việc tích hợp thông tin và điều hành giữa các cơ quan nhà nước với nhau, điều hành thông minh dựa trên việc sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông , dữ liệu lớn (Big Data) và Internet vạn vật. 

Ở Hàn Quốc, chính phủ nước này xác định khoa học và công nghệ là nguồn lực quan trọng nhất để phát triển nhanh, nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của kinh tế đất nước và đặc biệt là quá trình chuyển đổi số của chính phủ. Do đó, xứ kim chi đã có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích để phát triển khoa học - công nghệ.

Đầu năm nay, Bộ Khoa học và Công nghệ thông tin Hàn Quốc công bố kế hoạch đầu tư 262,6 tỷ won (242 triệu USD) nhằm tăng cường đào tạo về trí tuệ nhân tạo (AI) và phần mềm trong năm 2021. Theo kế hoạch trên, khoảng 16.000 chuyên gia trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) và phần mềm sẽ được đào tạo trong năm 2021. Kế hoạch này như một phần của mục tiêu có được 100.000 lao động kỹ thuật cao trong các ngành vào năm 2025.

Pháp cũng đang đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Chính phủ Pháp đã có Chương trình phát triển chính phủ điện tử từ cấp trung ương đến địa phương (Chương trình DCANT 2018-2020) với kỳ vọng cùng xây dựng dịch vụ số địa phương thông suốt và hiệu quả. Nội dung xuyên suốt của chương trình này là giữa các cơ quan hành chính nhà nước, trung ương với địa phương luôn có sự trao đổi lẫn nhau những thông tin về hộ tịch, hộ gia đình, thành phần gia đình… thông qua công cụ số và lưu chuyển dữ liệu theo các bộ tiêu chuẩn, hướng dẫn, nguyên tắc chung. Đây cũng chính là nền tảng thực hiện bất kỳ dịch vụ công trực tuyến ở Pháp.

Bên cạnh Chương trình DCANT, Pháp còn có công cụ đơn giản hóa thủ tục hành chính số; định danh số và FranceConnect. Theo đó, FranceConnect là công cụ để kết nối, chia sẻ cùng sử dụng dữ liệu, cho phép người dùng đăng nhập dễ dàng và an toàn để tiếp cận các dịch vụ hành chính trên mạng.

Tin cùng chuyên mục