Tối 21-5-2008, trở về từ Hà Nội, ông gọi điện thoại cho tôi. Khi đó, tôi đang ở Long Xuyên, hẹn ông: “Ngày 23-5 cháu sẽ có mặt ở Sài Gòn…”.
Chiều 23-5, tôi đến như đã hẹn. Ông nói với tôi về sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho một chuyến đi xa. Nhưng, đó không phải là chuyến đi, mà hôm nay, bao nhiêu người thương tiếc. Khi đó, ông bị cảm, sau khi bác sĩ Vinh bước ra ngoài, ông bảo: “Tao nghỉ ít bữa rồi sẽ đi Hà Lan”. Chuyến đi Hà Lan ông đã chuẩn bị khá lâu và tới lúc đó thì ông và các thành viên trong đoàn đã đặt vé.
Sáng hôm sau, 24-5, ông vào viện, các bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất giữ ông lại, 9 ngày sau, ông được chuyển sang Singapore, để rồi không bao giờ thực hiện được chuyến đi mà ông từng ấp ủ ấy.
Từ hơn 2 năm trước, mẩu tin ngắn “Dải băng lớn nhất ở Bắc cực đang tan ra” đã làm ông chú ý. Chính ông cho cắt mẩu tin ấy, chuyển cho TS Tô Văn Trường, Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam. Ông cũng đọc rất kỹ những cảnh báo của Liên hiệp quốc về khả năng nước biển dâng cao mà Việt Nam là một trong những quốc gia có thể chịu nhiều ảnh hưởng.
Ông dự định sẽ đi Hà Lan, như một “thường dân”, cùng với một nhóm chuyên gia thân cận. Chuyến đi vừa để nghiên cứu kinh nghiệm làm đê biển của Hà Lan, quốc gia sống trong điều kiện đất đai thấp hơn mực nước biển, vừa muốn nhắc nhở: Việt Nam không thể chậm trễ hơn, nghiên cứu ảnh hưởng của hiện tượng này và có giải pháp chuẩn bị sớm…
Cũng trong buổi chiều hôm ấy, ông trao đổi rất lâu, những trăn trở về vai trò của đội ngũ trí thức. Ông nói, trí thức bao giờ cũng là rường cột của nước nhà, nhưng với sự phát triển như bây giờ, không thể có bất cứ một quyết định đúng đắn nào lại không chứa đựng trong đó hàm lượng cao của tri thức.
Ông băn khoăn rất nhiều về tình hình kinh tế. Ông nói, một nền kinh tế không hiệu quả thì đất nước không thể nào phát triển. Đã đến lúc phải nghĩ đến quyền lợi lâu dài của đất nước của nhân dân, để cấu trúc lại nền kinh tế. Ông nói: “Kinh tế quốc doanh được tập trung đầu tư lớn với kỳ vọng đóng vai trò “định hướng”. Trong khi, do hiệu quả hoạt động thấp hơn các khu vực kinh tế khác, quốc doanh, không những đang không làm tốt vai trò này, mà còn có những tác động đáng lo ngại tới nền kinh tế và các vấn đề xã hội khác”.
Ông cho rằng, một trong những nguyên nhân sâu xa của lạm phát bắt đầu từ hiệu quả sản xuất kinh doanh của khu vực kinh tế quốc doanh, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế. Ông hết sức lo lắng khi lạm phát gia tăng đang ảnh hưởng sâu sắc đến tầng lớp người nghèo. Ông nói: “Không chỉ có kinh tế, điều thiêng liêng nhất của một dân tộc phải là, mọi đường lối, mục tiêu phát triển, đều phải dựa trên quyền lợi của nhân dân và của chính dân tộc đó”.
Buổi chiều hôm đó trời mưa. Tuy ông mệt hơn bình thường, nhưng cuộc làm việc vẫn kéo dài hơn hai tiếng đồng hồ. Hình như ông không muốn tôi phải về trong cơn mưa. Và hình như, những trăn trở tâm huyết của ông không bao giờ có thể dứt. Thường sau mỗi chuyến đi xa, ông lại cho gọi tôi.
Những lần như thế, gương mặt ông lại bừng lên với biết bao khát vọng. Hôm ấy, mắt ông chớp chớp khi tôi chuyển lời của ông cựu Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, Nguyễn Minh Nhị, thăm ông: “Anh em dưới này nhớ chú Sáu lắm”… Không ngờ, đó lại là buổi làm việc cuối cùng của ông – nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Vẫn biết, 86 năm sống ở trên đời cũng là đã đi gần hết “tuổi trời”. Nhưng, làm sao mà tôi có thể liên hệ được một ông Võ Văn Kiệt – chú Sáu Dân hào sảng của chiều 23-5, với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, trong cỗ quan tài đóng kín kia…
Sinh thời, ông vẫn đùa: “Tao muốn ra đi khi còn phong độ”. Và ông đã ra đi khi rất còn phong độ!
Huy Đức