Buồn cho con số đẹp

Theo số liệu của Ban Chỉ đạo trung ương phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đến cuối năm 2015, trong tổng số hơn 22 triệu gia đình cả nước, có gần 19 triệu gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” (GĐVH), đạt tỷ lệ 85,03%, tăng 2% so với năm 2014. Liệu con số quá đẹp đó có thuyết phục?

Theo số liệu của Ban Chỉ đạo trung ương phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đến cuối năm 2015, trong tổng số hơn 22 triệu gia đình cả nước, có gần 19 triệu gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” (GĐVH), đạt tỷ lệ 85,03%, tăng 2% so với năm 2014. Liệu con số quá đẹp đó có thuyết phục?

Theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, có 4 tiêu chí để xem xét công nhận GĐVH: gia đình ấm no, hòa thuận, tiến bộ, khỏe mạnh và hạnh phúc; thực hiện tốt nghĩa vụ công dân; thực hiện kế hoạch hóa gia đình; đoàn kết tương trợ trong cộng đồng dân cư. Ở một đất nước có hơn 85% gia đình như vậy, thì hẳn hầu hết các khu phố đều là khu phố văn hóa (KPVH) và toàn xã hội quá tốt đẹp, yên bình.

Nhưng thực tế ai cũng thấy rõ trong xã hội nước ta đang có rất nhiều hiện tượng kém văn hóa, từ chuyện xả rác nơi công cộng, chạy xe không chấp hành luật lệ giao thông, chiếm dụng lòng lề đường, mất an ninh trật tự, hành xử bạo lực, còn rất nhiều trẻ em trên cả nước không được đến trường, cảnh nhậu nhẹt bê tha vẫn tràn lan... Sẽ lý giải thế nào khi con số GĐVH, KPVH ngày càng nhiều mà tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình và các vụ trọng án vẫn cứ tăng? Ngay tại TPHCM, nơi đang nỗ lực nâng cao chất lượng sống của cư dân, nhưng vẫn còn nhiều điều cần bàn đằng sau những danh hiệu GĐVH, KPVH. Ngay dưới biển KPVH của KP 6 (đường An Dương Vương, quận 5), KP 3 (đường Trần Hưng Đạo, quận 1), KP 5 (đường Cống Quỳnh, quận 1), KP 3 (đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh)… vẫn thấy la liệt hàng quán chiếm lối đi chung để kinh doanh riêng. Ra đường, đi một đoạn lại thấy có đống rác tràn lan mặc dù kế đó có thùng rác hoặc biển cấm; bờ tường nào cũng ô nhiễm vì nạn tiểu bậy. TPHCM chi hàng ngàn tỷ đồng cải tạo môi trường nước, vậy mà ngày ngày vẫn có nhiều người xả rác xuống kênh rạch và thản nhiên câu cá bất chấp biển cấm.

Tại sao phải giành bằng được thành tích đó để làm gì? Do áp lực chỉ tiêu từ phường, từ quận về việc tăng cao số KPVH, GĐVH, nên dù có những gia đình chưa đạt tiêu chí, có người ưa gây sự với xóm giềng, có những khu phố xảy ra vài vụ việc lùm xùm, thì địa phương cũng ráng “du di” để đạt chỉ tiêu chung. Ai được hưởng lợi từ những danh hiệu không thực chất? Câu trả lời chắc chắn không phải là người dân. Mong cán bộ các địa phương đừng chạy theo thành tích. Có hay gì khi đạt danh hiệu ấp văn hóa mà trên địa bàn có nhiều tệ nạn mại dâm, nhiều trộm vặt, nạn bạo lực gia đình tràn lan... Cư dân chẳng cần hư danh cho khu phố của mình, điều cần là nơi ấy thực sự bình yên, sạch sẽ, an toàn, trẻ em được đến trường và mọi người sống với nhau bằng cái tình. “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” mới là điều đáng quý.

PHƯƠNG UYÊN

Tin cùng chuyên mục