Gần đây, đường dây nóng Báo SGGP liên tục nhận được những cuộc gọi của hành khách xe buýt phàn nàn về việc xe buýt chạy ẩu, bỏ trạm, dừng đón trả khách giữa đường, nhồi nhét khách, nhân viên thiếu thiện cảm… Để hiểu rõ thực tế, phóng viên đã dành vài ngày để trải nghiệm buồn, vui của hành khách xe buýt.
Xe buýt là phương tiện đi lại chủ yếu của sinh viên, nhưng giờ cao điểm sinh viên phải chen chúc và chờ lâu
Chờ - chen chúc - choáng!
Chúng tôi gửi xe máy tại trường Đại học Công nghệ TPHCM rồi ra vỉa hè đường Điện Biên Phủ quan sát cảnh các sinh viên trường này đón xe buýt sau giờ tan học. Mỗi khi có xe buýt trờ tới, hàng chục sinh viên ào tới chen chúc lên xe, chỉ vài phút là xe đã kín chỗ. Cũng có khi 2 - 3 chiếc xe buýt cùng tới một lúc, đậu đón khách giữa lòng đường, khiến giao thông hỗn loạn. Chiếc xe buýt đậu sát lề đường quá đông, nên chúng tôi chọn xe buýt số 150 đi Chợ Lớn đang đậu giữa đường. Trong lúc chờ hành khách lên xe, tài xế và phụ xe liên tục chửi tài xế chiếc xe buýt khác “chơi xấu” khi vượt lên đón khách trước, tuôn những lời lẽ thô tục, mặc sự khó chịu của các hành khách đang ngồi trên xe.
Đến khu vực tập trung nhiều trường đại học ở quận Thủ Đức, chúng tôi thấy nhu cầu đi xe buýt của sinh viên khá cao. Bạn Diên Anh Khoa (sinh viên năm 2 Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM) đang đứng chờ xe từ trường về quận Bình Thạnh, cho biết: “Ở đây liên tục có xe buýt ghé đón khách, nhưng vì đông khách nên tình trạng xe bỏ trạm cũng nhiều. Thế nên giờ tan học nếu không có việc gì gấp thì em thường ngồi lại trong lớp khoảng 20 phút rồi mới ra đón xe, để đỡ phải chen chúc và chờ lâu”. Sau mấy chuyến xe bỏ trạm, chúng tôi cũng lên được xe số 8 để bắt đầu hành trình, nhưng vừa bước lên xe đã phải “choáng” vì xe đã chật cứng, không còn một chỗ đứng. Ngán ngẩm, chúng tôi định xuống thì xe đã chuyển bánh, nên đành phải bám đỡ vào tay vịn ở cửa lên xuống, người nửa trong xe nửa ngoài xe. Sau một hồi phụ xe hô hào mọi người “nhích lại gần nhau” thì xe mới đóng được cửa, chúng tôi mới tạm được an toàn hơn khi có một chỗ đứng ở gần cửa xe dù chật như nêm. Đến khi chúng tôi yêu cầu xuống xe ở trạm kế, xe vừa chạy chậm lại thì bất ngờ phụ xe kéo tay đẩy chúng tôi xuống đường mặc dù lúc này xe đang cách lề đường khoảng 2m và còn 30m nữa mới tới trạm dừng.
Vừa lái xe vừa bán vé, thối tiền
Lẽ ra tài xế xe buýt phải tập trung quan sát đường để bảo đảm an toàn lưu thông, thế nhưng thời gian gần đây nhiều tuyến xe buýt tinh giản phụ xế, khiến tài xế bị phân tâm khi phải ôm đồm nhiều việc, cả việc bán vé và thối tiền vé. Khi chúng tôi lên tuyến xe 52 từ Làng Đại học Thủ Đức đi Bến Thành, hành khách xếp hàng để bước đến phía tài xế, trình thẻ sinh viên, trả tiền và nhận lại tiền thối. Việc tài xế phải lo luôn việc bán vé, thối tiền khiến quy trình này không thể nhanh gọn được, làm hành khách cảm thấy phiền và bất an. Ở mỗi trạm đều lặp lại như vậy nên hầu như lúc nào tài xế cũng bị phân tâm. Hành khách Phạm Thị Thảo (ngụ tại quận 1) cho hay: “Đi những tuyến này, thật ái ngại khi thấy bác tài mải đếm tiền thối cho khách trong khi xe đang lao trên đường. Thấy cảnh đó em thường la lên theo phản xạ lúc hốt hoảng, bị tài xế mắng hoài vì gây mất trật tự, ảnh hưởng đến người khác. Lúc nào đi xe buýt cũng phải cầu mong về tới nhà an toàn”. Trên các tuyến xe buýt số 50 từ Làng Đại học Thủ Đức vào trung tâm thành phố và tuyến 55 từ Khu Công nghệ cao đi Công viên phần mềm Quang Trung cũng không có phụ xe.
Chúng tôi đã làm một cuộc khảo sát nhỏ với nhiều sinh viên - là đối tượng hành khách chủ yếu của xe buýt - về việc có thích lựa chọn xe buýt làm phương tiện đi lại ở TPHCM. Hầu hết các bạn được hỏi đều cho rằng nếu có xe máy thì sẽ không đi xe buýt. Nguyên nhân chủ yếu được nêu ra là tuy xe buýt chủ yếu phục vụ sinh viên nhưng vẫn quá tải vào giờ cao điểm, khiến sinh viên thấy bất tiện khi đi học bằng xe buýt. Theo lẽ thường tình, muốn thu hút hành khách đi xe buýt thì nhà xe cần nâng cao chất lượng phục vụ, nâng cấp phương tiện, nhưng thực tế có không ít xe buýt đang hoạt động tại TPHCM đã xuống cấp, thái độ phục vụ chưa tốt, tài xế chạy ẩu. Đó cũng là nguyên nhân mà hành khách đi xe buýt ngày càng giảm. Theo báo cáo của Sở Giao thông - Vận tải TPHCM, 6 tháng đầu năm 2015, lượng hành khách đi xe buýt giảm 13% so với cùng kỳ năm 2014. Dự kiến năm 2017, TPHCM sẽ có vé xe buýt điện tử, đây là một bước tiến cần thiết, nhưng trong quy trình phát triển xe buýt, điều cần hơn vẫn là chất lượng xe và thái độ phục vụ.
THU HƯỜNG