Câu chuyện nhãn hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột, Cà phê Đắc Lắc bị hai doanh nghiệp nước ngoài đăng ký bảo hộ độc quyền tại nước họ và một số nước khác đã gióng lên hồi chuông cảnh báo nguy cơ gặp trở ngại xuất khẩu ra thế giới. Trong lúc đó, các doanh nghiệp (DN) trong tỉnh hiện cũng đang gặp khó khăn khi thu mua cà phê xuất khẩu vì bị doanh nghiệp nước ngoài tranh mua.
Sẽ mất thị trường sân nhà?
Sở Công thương Đắc Lắc cho biết, 10 tháng đầu niên vụ 2010 - 2011, toàn tỉnh có 12 DN xuất khẩu được 223.407 tấn cà phê sang 51 nước và vùng lãnh thổ. Trong lúc đó, hiện có 6 DN vốn đầu tư nước ngoài đang thu mua, chế biến, xuất khẩu cà phê trên địa bàn tỉnh gồm Công ty Dakman, Công ty Amazaro Việt Nam, Chi nhánh Công ty Newman Group, Chi nhánh Công ty Olam Việt Nam, Chi nhánh Công ty Hà Lan Việt Nam và Chi nhánh Công ty Vĩnh An. 5 tháng đầu năm 2011, các DN nói trên thu mua khoảng 195.000 tấn cà phê.
Ông Võ Thanh, Giám đốc Sở Công thương Đắc Lắc, cho biết: “Hiện các DN nước ngoài vẫn thực hiện đúng Nghị định 23/2007 của Chính phủ và chưa phát hiện DN nào thu mua trực tiếp từ người nông dân (theo Nghị định 23, DN nước ngoài chỉ được thu mua cà phê thông qua các DN hoặc đại lý của người Việt Nam)”. Nhưng thực tế DN nước ngoài vẫn có thể mua cà phê của những nông dân có đăng ký kinh doanh hoặc thành lập các hợp tác xã để lách luật.
Toàn tỉnh Đắc Lắc có khoảng 180.000ha cà phê và sản lượng bình quân đạt 400.000 tấn nhân xô/niên vụ. Chưa tới nửa niên vụ nhưng gần 1/2 sản lượng cà phê Đắc Lắc đã rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài và DN của tỉnh sẽ thiếu hàng xuất khẩu là điều chắc.
Tăng sức cạnh tranh
Cả Hiệp hội Cà phê - Ca cao lẫn các DN xuất khẩu cà phê trong nước đều nhận ra nguy cơ khi DN nước ngoài (có vốn lớn, lãi suất vay USD chưa tới 6%/năm) tranh mua hết nguyên liệu.
Ông Phan Trọng Hiền, Giám đốc Nhà máy Cà phê - Chi nhánh Công ty Olam Việt Nam tại Đắc Lắc cho rằng: “Các DN trong nước gặp khó khăn trong việc thu mua cà phê do thiếu vốn là chính nhưng nguyên nhân sâu xa vẫn là những tồn tại trong cơ chế quản lý.
Trước đây, các DN trong nước xuất khẩu theo hình thức ủy thác, vốn Nhà nước và độc quyền về giá nên lợi nhuận đạt cao nhưng nông dân lại bị thiệt. Khi gia nhập WTO, những yếu kém nội tại trên mới phát sinh. Tỷ suất lợi nhuận xuất khẩu mặt hàng cà phê rất thấp (khoảng 0,05%), trong lúc bộ máy các DN trong nước lại cồng kềnh, tốn nhiều chi phí cho nhân lực và sản xuất, vì thế lợi nhuận thấp và thiếu vốn tái đầu tư”.
Ông Nguyễn Xuân Lợi cũng chung quan điểm và cho rằng đã đến lúc các DN trong nước phải cải cách bộ máy, chuyển từ xuất khẩu thô sang xuất khẩu tinh mới cạnh tranh nổi với DN nước ngoài. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng phải hỗ trợ DN trong nước về vốn và giảm lãi suất vay ngân hàng.
Đòi lại thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột qua đường ngoại giao |
CÔNG HOAN
- Thông tin liên quan:
>> UBND tỉnh Đắc Lắc bàn cách đòi lại thương hiệu