Cuối năm, ca sĩ lại rộn ràng, tấp nập với những chuyến “bay” show. Nếu ngày trước chỉ là những chuyến biểu diễn ở nước ngoài của những ca sĩ trong nước thì nay, chiều hướng ngược lại - ca sĩ hải ngoại tấp nập về Việt Nam tổ chức làm live show, tham gia biểu diễn trong nhiều chương trình ca nhạc.
Hiện nay, rất ít ca sĩ chịu đi diễn ở nước ngoài vào những ngày Tết Nguyên đán vì ai cũng muốn được ăn tết cùng gia đình tại quê nhà. Ngay như Đàm Vĩnh Hưng, Tuấn Hưng - người đắt show biểu diễn ở hải ngoại, cũng nhất định không đi diễn xa nhà trong 3 ngày tết. Một tháng trước tết và 10 ngày sau tết, mới là thời điểm ca sĩ trong nước “bay” show nước ngoài. Trong khi đó, lực lượng ca sĩ hải ngoại về Việt Nam biểu diễn ngày càng đông, kể cả làm live show, điều này đã góp phần làm thị trường âm nhạc Việt thêm sôi động, đa sắc.
Đêm nhạc tại các phòng trà, sân khấu ngoài trời (như sân khấu Trống Đồng, 126) hầu hết đều có sự tham gia biểu diễn của ca sĩ hải ngoại và những chuyến biểu diễn xuyên Việt của họ không còn là hiện tượng, là “của hiếm” trong thị trường âm nhạc.
Ông Phạm Đình Thắng, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, cho biết chủ trương chung của nhà nước là ủng hộ việc ca sĩ hải ngoại về nước biểu diễn. Không chỉ là ủng hộ, thời gian qua, các cơ quan quản lý nhà nước đã hết sức tạo điều kiện cho live show của ca sĩ hải ngoại. Hàng loạt tên tuổi ca sĩ hải ngoại về Việt Nam tổ chức live show như Tuấn Ngọc, Quang Lê, Nguyễn Hưng, Thanh Tuyền…
Khi tình hình sân khấu ca nhạc trong nước đang trong giai đoạn bão hòa, nền kinh tế còn nhiều khó khăn, rất hiếm ca sĩ trong nước tổ chức làm live show thì chương trình biểu diễn xuyên Việt của các ca sĩ hải ngoại đã ít nhiều khuấy động thị trường nhạc Việt.
Có thể nói, sự xuất hiện ngày càng nhiều ca sĩ hải ngoại về Việt Nam sinh sống, biểu diễn, tham gia kinh doanh nhà hàng, phòng trà… đã ít nhiều thúc đẩy sự cạnh tranh trong đầu tư và tổ chức biểu diễn ca nhạc.
Tuy nhiên, câu chuyện phía sau những live show của ca sĩ hải ngoại cũng là điều phải suy nghĩ, cân nhắc. Việc cạnh tranh, đẩy giá cát xê ca sĩ lên quá cao đang là vấn đề khiến nhiều nhà tổ chức, nhiều bầu show phải ngao ngán! Có ca sĩ ở hải ngoại chỉ làm show với giá 2.000 USD hoặc 3.000 USD nhưng bầu show Việt Nam do tranh giành đã sẵn sàng trả lên 7.000 USD, 8.000 USD và thậm chí 10.000 USD.
Vì trả cát xê quá cao nên giá vé những chương trình này cũng “trên trời”. Việc kêu giá cát xê theo kiểu vung tay quá trán của một số ông bầu trong nước đã tạo ra giá trị ảo cho ca sĩ hải ngoại, gây sự cạnh tranh không cần thiết và thiếu lành mạnh.
Thực tế hiện nay, vì chịu ảnh hưởng của tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu nên các chương trình ở hải ngoại cũng rất hạn chế. Việc tổ chức live show với các ca sĩ ở hải ngoại càng hiếm hoi hơn. Trong khi đó, chi phí để tổ chức một live show tại Việt Nam thấp hơn nhiều so với ở hải ngoại, thế nên ca sĩ hải ngoại rục rịch về Việt Nam làm live show cũng là chuyện dễ hiểu.
Nhưng một số bầu show Việt Nam làm ăn kiểu chụp giựt, cố tình đẩy giá cát xê lên cao sẽ khiến thị trường âm nhạc nhiễu loạn. Ca sĩ nhận cát xê cao, không dám xuống giá và như thế cũng không bầu nào dám kêu hát. Ca sĩ “ghìm” giá, đồng nghĩa với việc mất đi nhiều cơ hội được xuất hiện trong các chương trình biểu diễn trong nước.
Ca sĩ trong nước thường xuyên đi biểu diễn ở nước ngoài và ngược lại, ca sĩ hải ngoại tích cực về Việt Nam biểu diễn đã là chuyện bình thường và đáng hoan nghênh. Sự thay đổi “khẩu vị” cho thị trường ca nhạc, cho khán giả yêu nhạc là cần thiết. Chính sự thay đổi “khẩu vị” này còn góp phần tạo điều kiện, cơ hội cho những ca sĩ không còn mấy ăn khách tại hải ngoại vẫn tiếp tục được về đứng biểu diễn trên sân khấu quê nhà.
Ngày nay, nhiều tên tuổi ca sĩ một thời đã chọn quê hương làm nơi lưu trú lâu dài và tham gia biểu diễn thường xuyên trong các chương trình lớn nhỏ (cả sân khấu lẫn truyền hình) như Hương Lan, Phi Nhung, Duy Quang, Đức Huy… Suy cho cùng, thị trường ca nhạc trong nước vẫn là tốt nhất.
Như Hoa - Thúy Bình