Cả trường làm... nhân viên y tế

Một ngày làm việc của cô Châu Ngọc Lan, nhân viên y tế Trường THCS Minh Đức (quận 1) bắt đầu từ 6 giờ 30 sáng và phải hơn 5 giờ chiều cô Lan mới kết thúc. Ngày nào tại phòng y tế học đường (YTHĐ) cũng có trường hợp học sinh đau bụng, nhức đầu, còn chuyện trầy xước, chảy máu là việc “thường ngày ở huyện”.
Cả trường làm... nhân viên y tế

Một ngày làm việc của cô Châu Ngọc Lan, nhân viên y tế Trường THCS Minh Đức (quận 1) bắt đầu từ 6 giờ 30 sáng và phải hơn 5 giờ chiều cô Lan mới kết thúc. Ngày nào tại phòng y tế học đường (YTHĐ) cũng có trường hợp học sinh đau bụng, nhức đầu, còn chuyện trầy xước, chảy máu là việc “thường ngày ở huyện”.

Nhân viên phòng y tế các trường đang thiếu trầm trọng. Ảnh: MAI HẢI
Nhân viên phòng y tế các trường đang thiếu trầm trọng. Ảnh: MAI HẢI

Trường có hơn 2.200 học sinh nhưng chỉ có một cô phụ trách chăm sóc sức khỏe học sinh. Song cô Lan cũng chỉ là nhân viên kiêm nhiệm công tác YTHĐ do chưa đạt yêu cầu về trình độ chuyên môn, hiện cô đang đi học lớp trung cấp y vào ban đêm. Tương tự, Trường Mầm non 2 (quận 4) nhiều năm nay cũng không tuyển được nhân viên YTHĐ, khi có trường hợp học sinh bị bệnh phụ huynh phải chủ động gởi thuốc cho giáo viên chủ nhiệm.

Tại Trường Tiểu học Bình Hòa (quận Bình Thạnh), nhiều năm qua cũng không tuyển được nhân viên YTHĐ nên ký hợp đồng với một cán bộ thuộc Trung tâm y tế quận Bình Thạnh. Tuy nhiên, với mức lương chưa đến 1,2 triệu đồng/tháng, người này đồng thời cũng kiêm nhiệm thêm chức danh nhân viên YTHĐ tại một trường tiểu học khác trên địa bàn quận.

Cô Phạm Thị Sô, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Một tuần, cô này trực ở trường tôi 4 ngày, 2 ngày còn lại công tác bên trường bạn. Biết là như vậy, công việc sẽ bị hạn chế nhưng nếu không cho ký hợp đồng nhiều nơi, chúng tôi không tìm đâu ra người phụ trách công tác y tế”. Do đó, trong 2 ngày không có nhân viên y tế, nhà trường phải phân công giáo viên tổng phụ trách Đội kiêm nhiệm thêm vai trò chăm lo y tế. Trong trường hợp cả nhân viên YTHĐ lẫn phụ trách Đội không có mặt, giáo viên chủ nhiệm và cả… ban giám hiệu sẽ làm nhân viên y tế. Đây cũng là tình trạng chung của các trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, Phù Đổng, Hà Huy Tập (quận Bình Thạnh)…

Chỉ tính riêng trên địa bàn quận 3, bậc học mầm non có 22 trường công lập nhưng chỉ có 6 trường có nhân viên y tế. Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Phó phòng GD-ĐT quận 3, băn khoăn: “Đây là bậc học rất cần phải có nhân viên YTHĐ vì sĩ số học sinh đông, các cháu hoàn toàn phụ thuộc vào sự chăm sóc của người lớn, hơn nữa ở tuổi này trẻ chưa biết nói mình bị đau ở đâu, bệnh gì nên nhất thiết phải có nhân viên y tế túc trực tại trường. Song biết là quan trọng nhưng tuyển ở đâu, làm sao để giữ người là vấn đề khiến các trường đang đau đầu”.

Trăm dâu đổ đầu... một người

Nhân viên YTHĐ Trường Tiểu học Trần Văn Ơn (quận Gò Vấp) cho biết, công việc của một nhân viên YTHĐ cực nhất là giờ ra chơi, nhu cầu chăm sóc y tế của học sinh rất lớn. Em thì đau bụng, chảy máu tay, chân, em chóng mặt, nôn ói. Trường hợp nào nhẹ nhân viên y tế sẽ sơ cứu, cho uống thuốc, nặng phải nằm lại phòng theo dõi, sau đó liên hệ với phụ huynh đưa các em vào bệnh viện chữa trị.

Một mình phải làm quá nhiều việc khiến nhân viên y tế rất mệt mỏi. Đó là chưa kể một số nhiệm vụ thường xuyên khác phải “bao sân” như tập huấn sơ cấp cứu, tuyên truyền phòng chống dịch bệnh, chăm lo dinh dưỡng, vệ sinh trường lớp, thăm khám định kỳ về mắt, răng miệng cho học sinh… Song hiện nay thu nhập của một nhân viên YTHĐ chỉ tròm trèm khoảng 2 triệu đồng/tháng. Trước đây, nếu như quỹ bảo hiểm y tế được trích giữ lại trường 18% để chi phí cho công tác chăm lo sức khỏe, phụ cấp thêm cho cán bộ y tế thì kể từ năm học này, phần trích giữ chỉ còn 2% khiến thu nhập của nhân viên YTHĐ càng sụt giảm. Hệ quả là đã có khá nhiều người bỏ việc.

Bà Võ Ngọc Thu, Trưởng phòng Giáo dục quận 5, lo lắng: “Nhân viên y tế kiêm nhiệm mà không có bằng cấp thì không thể làm được việc. Còn người có bằng cấp như tốt nghiệp đại học hay trung cấp thì rất dễ bỏ việc ở các trường”. Đã không ít nhân viên y tế có trình độ vào làm ở các trường tại quận nhưng công việc quá cực nên không thể đi học nâng cao nghiệp vụ, nhiều em mới vào làm vài tháng đã bỏ đi với lý do “sợ bị lụt nghề”. Thậm chí ở nhiều nơi, ban giám hiệu không dám bỏ tiền ra cho nhân viên YTHĐ đi học trung cấp vì sợ… đi là mất. Bởi hiện nay nếu làm ở phòng mạch, nhân viên y tế được trả lương cao hơn ở trường học, ngoài ra thời gian linh hoạt, có thể chạy sô nhiều nơi chứ không gò bó như ở trường học.

Thông tư 35 của Bộ GD-ĐT quy định, mỗi trường học phải có ít nhất một cán bộ YTHĐ có trình độ từ trung cấp trở lên. Hiện nay, 100% trường học ở TPHCM đều đã có phòng y tế hoặc góc YTHĐ. Tuy nhiên, theo Sở GD-ĐT TPHCM khó khăn lớn nhất vẫn là thiếu cán bộ y tế có trình độ chuyên môn. Nguyên nhân chủ yếu do mức lương của cán bộ làm công tác y tế trường học quá thấp, trung bình chỉ ở mức 2 triệu đồng/tháng và không có thêm bất kỳ ưu đãi nào nên rất khó thu hút người có chuyên môn.

Để giải quyết khó khăn về nhân lực cho công tác y tế trường học, UBND TPHCM đã yêu cầu Sở GD-ĐT hoàn chỉnh đề án “Đào tạo, tuyển dụng cán bộ y tế trường học”, trong đó lưu ý đến việc tuyển chọn cả sinh viên các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp học ngành điều dưỡng ra trường về công tác. Tuy nhiên, nếu như không có chế độ, chính sách ưu đãi và trả thu nhập xứng đáng thì bài toán thu hút nguồn lực cho công tác y tế trường học vẫn khó tìm ra lời giải.

TPHCM hiện có khoảng 1.500 trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT, trong đó mới chỉ có 52% số trường học có cán bộ chuyên trách công tác YTHĐ, 30% số cán bộ có trình độ chuyên môn đạt yêu cầu từ trung cấp trở lên.

LÊ LINH-THU TÂM

Tin cùng chuyên mục