Đó là tựa đề bài viết của một cô gái trẻ trên mạng xã hội Facebook được rất nhiều người quan tâm và chia sẻ cách đây ít ngày. Cô gái trên ở Hà Giang, nơi có những cánh đồng hoa tam giác mạch đang vào mùa rộ và đang là điểm đến của hàng ngàn bạn trẻ muốn chụp hình bên những cánh đồng bạt ngàn hoa.
Hàng năm, cứ mỗi mùa hoa tam giác mạch (cuối tháng 10 đến cuối tháng 11), Hà Giang lại trở thành điểm đến đặc biệt của nhiều du khách. Năm nay, lần đầu tiên Lễ hội Hoa tam giác mạch được tổ chức (từ ngày 12 đến 15-11), lại càng lôi kéo nhiều bạn trẻ tìm đến. Kèm theo đó là vô số tấm ảnh được đăng tải trên mạng xã hội, thể hiện sự “tự sướng” của những bạn trẻ đến nơi này thưởng hoa ngắm cảnh. Bên cạnh một số ít người có ý thức khi chụp hình, lại có không ít tấm ảnh phản cảm gây bức xúc nơi cộng đồng mạng. Đó là hình ảnh nhóm bạn trẻ mặc áo in cờ Tổ quốc cưỡi xe vào tận cánh đồng hoa chụp hình “tự sướng”; không ít những cô gái, chàng trai lăn, lê, bò, trườn trên những thảm hoa tam giác mạch để có được tấm hình ưng ý; là những cánh đồng hoa, dù chưa vào lễ hội chính đã bị đạp nát bét, rác xả đầy đồng…
“Các bạn đang làm gì với quê hương tớ vậy? Các bạn đi đến đâu hoa chết đến đấy, giẫm lên hoa, nằm lên hoa, ngủ trên hoa chắc cảm giác này phải phiêu lắm các bạn mới làm như thế được. Các bạn có bao giờ nghĩ đến người dân nơi đây khổ sở vất vả như thế nào mới trồng được những bông hoa như vậy không?”. Cô gái trẻ người Hà Giang đã chất vấn những người bạn đồng trang lứa với mình trong đoàn quân rầm rập kéo lên phá nát những cánh đồng hoa tam giác mạch mấy ngày qua.
Đành rằng, người dân địa phương cho khách du lịch vào chụp hình có thu tiền, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc, khách có quyền phá nát cảnh quan, xả rác bừa bãi. Những hình ảnh phản cảm đó, kèm với những lời thách thức, theo kiểu: “Mỗi lần lên đó, chúng tôi phải bỏ tiền ra, lúc 5.000 đồng, lúc 10.000 đồng. Chúng tôi đã trả tiền để được vui chơi thì tại sao không được vui chơi thoải mái? Hoa hỏng thì người dân lại trồng…” của một bạn trẻ trên mạng, khiến không ít người ngao ngán.
Nhiều người ngạc nhiên, những bạn trẻ a dua theo phong trào kia là những phượt thủ chính hiệu hay đơn giản chỉ “sống ảo”. Rõ ràng, mạng xã hội kết nối mọi người một cách nhanh chóng, đem đến nguồn thông tin sâu rộng nhưng đồng thời cũng đang mở ra những mối hiểm họa khôn lường bởi cách sử dụng của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Đến đâu, cũng có thể rút máy, chụp tấm hình selfie (hình tự sướng), “check in” địa điểm là đủ để khoe mẽ với bạn bè.
Và không chỉ “sống ảo” trên mạng; khi “sống thật” cũng không ít bạn trẻ xa vào lối sống đua đòi, ích kỷ và thích hào nhoáng bên ngoài. Có thể thấy điều đó qua những cụm từ của người trẻ luôn được sử dụng vô tội vạ trong đời sống hàng ngày, đó là “thích là quẩy, xõa đi nào, không phải dạng vừa đây, hay là mình bất chấp hết yêu nhau đi…”.
Có thể thấy, một bộ phận người trẻ hiện nay đang buồn chán và tự làm mình vui lên bằng kiểu sống theo trào lưu, thích thì làm bằng mọi cách bất chấp hậu quả để lại. Từ chuyện những cánh đồng hoa tam giác mạch tan nát ở Hà Giang cho đến lối “sống ảo”, đã để lại những hậu quả thật sự lên người trẻ.
ĐẶNG MINH